Hà Nội: Thêm nhiều người khó khăn do Covid-19 được hỗ trợ an sinh

Trường Hùng - Hải Yến
20/08/2021 - 15:55
Hà Nội: Thêm nhiều người khó khăn do Covid-19 được hỗ trợ an sinh

Phó Chủ tịch Thường trực HĐND TP Hà Nội Phùng Thị Hồng Hà trao quà hỗ trợ cho gia đình bé khuyết tật gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 tại quận Hoàng Mai. Ảnh: L.H

Theo thống kê của Sở Lao động Thương binh & Xã hội thành phố Hà Nội, đến ngày 18/8/2021, Hà Nội đã phê duyệt danh sách và kinh phí hỗ trợ cho hơn 43.000 trường hợp theo Nghị quyết số 15/NQ-HĐND với tổng kinh phí hơn 43 tỷ đồng; trong đó có hơn 21.300 người đã nhận tiền với kinh phí hơn 21,3 tỷ đồng.

"Không để ai không có nơi ở trên địa bàn"

Đó là tinh thần đang được các quận, huyện, thị xã trên địa bàn thành phố Hà Nội tích cực thực hiện. Phường Đồng Xuân (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) là nơi thu hút một lượng lớn lao động từ các tỉnh, thành lân cận đến làm việc, kinh doanh. Triển khai chỉ đạo của UBND thành phố về tăng cường hỗ trợ người lao động ngoại tỉnh không có nơi cư trú trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội, UBND phường Đồng Xuân đã nhanh chóng rà soát, lập danh sách người lao động, người dân ngoại tỉnh đang gặp khó khăn. "Cho tới thời điểm này, chúng tôi chưa phát hiện trường hợp người lao động ngoại tỉnh nào chưa có nơi cư trú. Phần lớn họ đã có chỗ thuê trọ, hoặc ở tại nơi mà họ làm việc", bà Đỗ Phương Hiền, Phó Chủ tịch UBND phường Đồng Xuân, thông tin.

Hà Nội: Thêm nhiều người khó khăn do Covid-19 được hỗ trợ an sinh - Ảnh 1.

Vì dịch Covid-19, nhiều người lao động tự do trên địa bàn Hà Nội rơi vào cảnh không có việc làm Ảnh: Trường Hùng

Trong trường hợp có người lao động quá khó khăn, không có tiền thuê nhà, UBND phường sẽ phối hợp, huy động nguồn tài trợ để hỗ trợ họ ổn định cuộc sống, an tâm ở tại chỗ để chống dịch. Để kịp thời hỗ trợ những trường hợp trên, ở mỗi tổ dân phố đều có lực lượng cơ sở để nắm bắt tâm tư nguyện vọng, giám sát việc thực hiện quy định phòng, chống dịch của người lao động cư trú trên địa bàn.

Ghi nhận tại Tổ dân phố số 2, phường Đồng Xuân, nhiều quán xá đã đóng cửa. Khu chợ ở ngõ Đồng Xuân đã được dựng chốt "Vùng xanh", các cửa hàng bán đồ ăn vặt, sạp hàng tại đây đã dừng hoạt động. "Trước thời điểm Hà Nội thực hiện giãn cách xã hội (24/7), những người lao động ngoại tỉnh làm việc trên địa bàn đã kịp thời di chuyển về quê. Hiện nay chỉ còn 1-2 trường hợp mắc kẹt nhưng đều đã có chỗ ở ổn định", ông Nhữ Quốc Khánh, Tổ trưởng Tổ dân phố số 2, cho hay.

Cách nơi ông Khánh trực một con phố, ông Đ.V.T (58 tuổi, trú tại huyện Kim Động, Hưng Yên) đang tranh thủ phút nghỉ ngơi sau khi vận chuyển hàng hóa thiết yếu cho một sạp hàng ở chợ Đồng Xuân. Ông T. là một trong những trường hợp người lao động tự do bị mắc kẹt tại Hà Nội bởi dịch bệnh. May mắn hơn những "đồng nghiệp" tại khu chợ này, ông có chị gái ở Hà Nội để ở nhờ. Làm việc và sinh sống ở Hà Nội đã nhiều năm nhưng ông T. chưa đăng ký tạm trú, nên không đủ điều kiện để được nhận hỗ trợ từ gói 26.000 tỷ đồng của Chính phủ. "Những ngày này, công việc của tôi rất bấp bênh, thu nhập giảm 1/4 so với thời điểm trước dịch. Muốn về quê cũng không về được, ở lại thì không có giấy đi đường nên chỉ có thể chở hàng đến mấy con phố xung quanh đây. Trong tình cảnh này, tôi mong dịch bệnh sớm được đẩy lùi để cuộc sống sớm bình thường trở lại", ông T. chia sẻ.

Hà Nội: Thêm nhiều người khó khăn do Covid-19 được hỗ trợ an sinh - Ảnh 2.

Những ngày này, ông Nhữ Quốc Khánh, Tổ trưởng Tổ dân phố số 2 (phường Đồng Xuân, quận Hoàn Kiếm) cùng lực lượng cơ sở tích cực nắm bắt tình hình trên địa bàn để kịp thời hỗ trợ trường hợp người lao động ngoại tỉnh gặp khó khăn. Ảnh: Trường Hùng

Được biết, trên địa bàn phường Đồng Xuân trước khi thành phố thực hiện giãn cách xã hội còn xuất hiện tình trạng người vô gia cư về đây ngủ lại trên những con phố như Hàng Khoai, Hàng Giấy, xung quanh chợ Đồng Xuân… vào buổi tối. "Những ngày qua, chúng tôi thường xuyên tuần tra nhưng chưa phát hiện trường hợp nào lang thang, cơ nhỡ. Đối với những trường hợp này, nếu phát hiện chúng tôi sẽ phối hợp với các lực lượng chức năng để đưa vào các cơ sở bảo trợ xã hội theo đúng quy định", bà Đỗ Phương Hiền cho biết.

Tăng cường các giải pháp hỗ trợ trường hợp khó khăn

Trước đó, HĐND Thành phố Hà Nội đã ban hành Nghị quyết số 15/NQ-HĐND quy định một số chính sách đặc thù hỗ trợ đối với 10 nhóm đối tượng bị ảnh hưởng, khó khăn do dịch bệnh Covid-19 chưa được quy định ở Nghị quyết số 68/NQ-CP, Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg và Quyết định số 3642/QĐ-UBND. Theo rà soát của Sở Lao động-Thương binh &Xã hội thành phố Hà Nội, dự kiến có khoảng trên 324.000 đối tượng được hỗ trợ chính sách đặc thù của Thành phố với tổng kinh phí dự kiến hơn 345 tỷ đồng.

Hà Nội: Thêm nhiều người khó khăn do Covid-19 được hỗ trợ an sinh - Ảnh 3.

Phó Chủ tịch Thường trực HĐND TP Hà Nội Phùng Thị Hồng Hà trao quà hỗ trợ cho gia đình người dân ở quận Hoàng Mai. Ảnh: Lê Hải

Ngoài việc ban hành chính sách đặc thù, UBND thành phố Hà Nội đã bổ sung 500 tỷ đồng ủy thác qua Ngân hàng Chính sách xã hội Thành phố để người lao động và người sử dụng lao động được vay vốn phục hồi kinh tế sau thời gian giãn cách xã hội. Hà Nội cũng kịp thời tháo gỡ vướng mắc về thủ tục xác nhận để lao động tự do trên địa bàn được hưởng 1,5 triệu đồng từ gói hỗ trợ 26 nghìn tỷ hỗ trợ người lao động gặp khó khăn vì Covid-19 của Chính phủ. Theo đó, chính quyền sẽ gửi thông báo bằng e-mail, hòm thư công vụ thay cho yêu cầu lao động tự do phải về quê xin xác nhận mới được hưởng chính sách hỗ trợ. Tuy nhiên, lao động thuộc diện hỗ trợ phải có cư trú hợp pháp tại thành phố như thường trú, đăng ký tạm trú.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm