pnvnonline@phunuvietnam.vn
Hà Quảng, Cao Bằng: Tăng cường nguồn lực giảm nghèo thông tin, tạo "lối mở" phát triển bền vững

Giảm nghèo thông tin để tạo "lối mở" phát triển kinh tế ở địa phương là hướng đi đúng đắn ở huyện Hà Quảng, Cao Bằng
Giảm nghèo về thông tin được xem là một “lối mở” giúp người dân được tiếp cận, nắm bắt nhiều thông tin, kiến thức hữu ích, góp phần nâng cao dân trí, hướng đến thoát nghèo bền vững. Thời gian qua, huyện Hà Quảng luôn nỗ lực tăng cường nhiều hoạt động giúp người dân địa phương giảm nghèo thông tin bằng các hành động cụ thể, như ban hành các văn bản, hướng dẫn, kế hoạch tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của toàn xã hội về công tác giảm nghèo đa chiều, bao trùm, bền vững, huy động nguồn lực thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững.
Để làm tốt nhiệm vụ này, hàng năm cấp ủy Đảng, chính quyền, MTTQ, các tổ chức chính trị - xã hội, các địa phương tổ chức các hình thức thông tin, tuyên truyền, như: Qua cổng thông tin điện tử, hệ thống truyền thanh, pa nô, áp phích, lồng ghép các hội nghị…
Nội dung tuyên truyền phổ biến các chủ trương, chính sách về giảm nghèo đến người dân; nhân rộng các mô hình làm kinh tế hiệu quả, giới thiệu các cá nhân, hộ gia đình thoát nghèo tiêu biểu... Qua đó, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của toàn xã hội về công tác giảm nghèo, khơi dậy tinh thần tự lực, tự cường vươn lên thoát nghèo của người dân và cộng đồng; nâng cao khả năng tiếp cận và thụ hưởng trợ giúp pháp lý, huy động nguồn lực thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững.
Ông Hoàng Minh Đức, Chủ tịch UBND xã Đa Thông, cho biết: Xã triển khai đồng bộ các giải pháp giảm nghèo với nhiều hình thức đa dạng, phong phú như: Cán bộ tuyên truyền trực tiếp tới từng hộ dân; lồng ghép trong các cuộc họp, hội nghị, sinh hoạt của các hội, đoàn thể, họp xóm; tuyên truyền trên hệ thống loa truyền thanh; tư vấn giới thiệu việc làm, học nghề đến người lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo; hỗ trợ, hướng dẫn người nghèo sử dụng các dịch vụ viễn thông, internet để tiếp cận chính sách, học hỏi mô hình làm ăn hiệu quả...
Đồng thời, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của người dân để hỗ trợ đúng, trúng, phù hợp, giúp họ vươn lên thoát nghèo bền vững. Nhờ đó, hằng năm, số hộ nghèo, cận nghèo trên địa bàn đều giảm. Năm 2024, xã giảm được 84 hộ nghèo, 47 hộ cận nghèo.

Mô hình nuôi hươu ở xã Sơn Giang
Việc triển khai thực hiện Dự án 6 Truyền thông và giảm nghèo về thông tin của Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, huyện đẩy mạnh công tác truyền thông với nhiều hình thức đa dạng, linh hoạt, phù hợp với từng đối tượng.
Từ năm 2022 đến nay, huyện tăng cường cơ sở vật chất cho hoạt động của 15 đài truyền thanh xã, nâng cấp, mở rộng loa truyền thanh ứng dụng công nghệ thông tin viễn thông 87 cụm. Tổ chức các lớp tập huấn nâng cao năng lực cho cán bộ làm công tác giảm nghèo ở cơ sở; Trung tâm Văn hóa và Truyền thông, Trang Thông tin điện tử huyện và các xã, thị trấn đăng tải các chuyên mục, tin, bài tuyên truyền chính sách giảm nghèo đến nhân dân; thông tin về các dự án thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, kết quả thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp giảm nghèo bền vững, mô hình sản xuất hiệu quả, những tấm gương vượt khó thoát nghèo… Đặc biệt tổ chức truyền thông bằng hình sân khấu hóa, truyền thông giảm nghèo bền vững được 10 cuộc tại các xã, thị trấn.

Nhiều mô hình phát triển kinh tế thiết thực giúp người dân phát triển kinh tế giảm nghèo
Năm 2024, từ nguồn ngân sách Trung ương huyện bố trí trên 26 tỷ đồng thực hiện 24 mô hình, dự án giảm nghèo, đa dạng hóa sinh kế, gồm các mô hình dự án bò cái sinh sản, bò vỗ béo, lợn thương phẩm, lợn sinh sản, nuôi gà, vịt thương phẩm, mô hình trồng mận máu, cây gai xanh, ớt, đậu tương, lạc..., với gần 1.500 hộ nghèo, cận nghèo, mới thoát nghèo tham gia các mô hình.
Không chỉ thực hiện các dự án mô hình giảm nghèo, đa dạng hóa sinh kế, Hà Quảng còn nỗ lực thực hiện nhiều giải pháp, lồng ghép nguồn vốn của các dự án khác với Chương trình Mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững để thực hiện nhiều chính sách đầu tư khác nhằm nâng cao chất lượng cuộc sống người dân.
Năm 2024, từ nguồn vốn trung ương, huyện bố trí trên 158 tỷ đồng thực hiện gần 40 công trình hạ tầng kinh tế, hơn 8,857 tỷ đồng hỗ trợ phát triển giáo dục nghề nghiệp, việc làm bền vững, hơn 4,436 tỷ đồng thực hiện truyền thông và giảm nghèo về thông tin, trên 8 tỷ đồng thực hiện chính sách hỗ trợ miễn giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập, hỗ trợ tiền học bán trú cho trên 12 nghìn học sinh nghèo, mua 39.823 thẻ bảo hiểm y tế cho người dân tộc thiểu số sinh sống ở vùng kinh tế - xã hội khó khăn, đặc biệt khó khăn, hộ gia đình cận nghèo, gần 40 tỷ đồng hỗ trợ trên 600 hộ xóa nhà tạm, nhà dột nát...
Đây cũng là cơ sở vững chắc để Hà Quảng tiếp tục quán triệt sâu rộng các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về Chương trình Mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, tạo sự nhận thức đúng, đầy đủ về mục tiêu, ý nghĩa và tầm quan trọng của giảm nghèo bền vững trong thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo và cận nghèo toàn huyện xuống còn trên 32%. Tiếp tục tăng cường đẩy mạnh phát triển kinh tế theo thế mạnh của mỗi địa phương, ưu tiên phát triển các mô hình tại chỗ nhằm tạo việc làm cho người nghèo, hộ nghèo.