Vợ chồng bác sĩ Bệnh viện K gác lại việc nhà, cùng đi chống dịch Covid-19

An Khê
22/05/2021 - 10:30
Vợ chồng bác sĩ Bệnh viện K gác lại việc nhà, cùng đi chống dịch Covid-19

Bác sĩ Phùng Thị Huyền, Trưởng khoa Nội 6, Bệnh viện K cơ sở Tân Triều

Câu chuyện này được chúng tôi thực hiện qua điện thoại và kết thúc khi đã sang ngày mới. Bởi công việc của các bác sĩ Bệnh viện K Trung ương những ngày chống dịch Covid-19 này vô cùng bận rộn, không biết đến giờ nghỉ.

Con cái sẽ thế nào khi bố mẹ đi vắng?

Hơn 5 giờ sáng 7/5/2021, bác sĩ Phùng Thị Huyền, Trưởng khoa Nội 6, Bệnh viện K cơ sở Tân Triều, bỗng nghe thấy tiếng chuông điện thoại. Cầm máy lên, chị nhận được tin Bệnh viện K cơ sở Tân Triều phát hiện ca bệnh Covid-19. 5h30 cùng ngày, toàn bộ 3 cơ sở của Bệnh viện K Trung ương thực hiện phong tỏa để phòng, chống dịch. 50% cán bộ y, bác sĩ tại các khoa lâm sàng phải có mặt tại bệnh viện để tham gia phòng, chống dịch.

Sau khi nghe điện thoại, chị nói với chồng: "Nhà mình, cả hai vợ chồng đi liệu có ổn không? Con cái sẽ gặp khó khăn gì khi bố mẹ đều đi vắng như vậy?". Bàn bạc rất nhanh, cả hai vợ chồng đều xác định cùng tham gia "cuộc chiến" này. Bởi anh là cán bộ phòng công nghệ thông tin của bệnh viện. Mọi hoạt động họp trực tuyến và những việc liên quan đều có phần việc của anh.

Khi biết quyết định của vợ chồng chị, một đồng nghiệp đã nhắn cho chị: "Chị cân nhắc đi, vì anh đã vào bệnh viện, chị có nên đi không?". Chị không ngần ngại trả lời: "Em lúc nào cũng sẵn sàng!". Đã xác định đi là cách ly cùng bệnh nhân, là một thời gian dài không về nhà, hai vợ chồng bác sĩ Huyền nhanh chóng tính phương án cho các con.

Vợ chồng chị Huyền có hai con, một đứa học lớp 2, còn một đứa học lớp 7. Trong tình huống cấp bách, dù đã có phương án nhờ bà ngoại trông con nhưng lúc đó hai vợ chồng chị còn chưa thực hiện xét nghiệm Covid-19. Bố mẹ chị cũng đã ngoài 70 tuổi.

Nếu kết quả xét nghiệm của vợ chồng chị không khả quan sẽ liên lụy không chỉ con cái mà cả bố mẹ già. Cuối cùng, chị để các con ở lại với người giúp việc, nhanh chóng thu xếp đồ dùng cá nhân để đến bệnh viện. Trong số 5 bác sĩ của khoa, chỉ có chị là nữ. Khi có kết quả xét nghiệm lần thứ hai âm tính, chị mới để bố mẹ lên chăm nom các con...

Vợ chồng bác sĩ Bệnh viện K gác lại việc nhà, cùng đi chống dịch Covid-19 - Ảnh 1.

Vợ chồng bác sĩ Bệnh viện K gác lại việc nhà, cùng đi chống dịch Covid-19 - Ảnh 2.

Bức tranh và lá thư con gái học lớp 7 viết gửi mẹ Huyền

Phía sau cánh cổng bệnh viện

Chị Huyền cho biết, khi bước chân vào cánh cổng bệnh viện, thực hiện nhiệm vụ, chị cũng như các y, bác sĩ ở đây đều không biết đến giờ nghỉ, cứ hết việc này đến việc khác, liên tục không ngừng. "Vì chống dịch như chống giặc nên mọi việc đều cấp bách. Có nhiều cuộc họp đột xuất, diễn ra bất kể ngày đêm, tất cả đều trực chiến, sẵn sàng, có những ngày tới 3-4 cuộc họp, xong lại triển khai. Nhiều người cho rằng ở trong tâm dịch thì ngày dài lắm nhưng đối với tôi thì rất ngắn vì chúng tôi bị công việc cuốn đi, không kịp để ý, nghĩ ngợi nhiều. Bệnh viện đã có những buổi họp cho những tình huống như trường hợp bị phong tỏa thì làm những gì. Dù đã chuẩn bị tinh thần nhưng vào trận thực tế lại rất khác. Cứ mỗi ngày lại có biến động", bác sĩ Huyền chia sẻ.

Chị kể lại, cả khoa có 42 bệnh nhân và 12 người nhà, tổng cộng là 54 người bị phong tỏa, phải ăn ở tại chỗ, phục vụ tại chỗ. Nhìn qua cánh cổng bệnh viện thì có vẻ yên bình nhưng phía trong là một "chiến trường" cam go. Từ khi cách ly, bệnh viện nhận được nhiều sự hỗ trợ từ các tổ chức xã hội.

Các bệnh nhân có đầy đủ nhu yếu phẩm, chỉ có điều, đội ngũ y, bác sĩ ngoài nhiệm vụ chuyên môn phải động viên tinh thần để bệnh nhân yên tâm, vừa chữa bệnh vừa chống dịch. Không chỉ chăm sóc các bệnh nhân nội trú, bệnh viện còn có khoảng 1.000 bệnh nhân ngoại trú đang chờ được điều trị. Điều này cũng là một thách thức lớn đối với các bác sĩ như chị Huyền. Họ phải liên tục nghe điện thoại, tư vấn, động viên bệnh nhân và người nhà.

“Nhà mình, cả hai vợ chồng cùng đi chống dịch” - Ảnh 2.

Tiếp nhu yếu phẩm cho người nhà bệnh nhân ở Bệnh viện K Trung ương

Khó có thể kể hết những việc không tên mà lực lượng y tế phải thực hiện trong khu cách ly. Đội ngũ lấy mẫu xét nghiệm phải làm việc xuyên đêm, mặc đồ bảo hộ 24/24. Tiếp đến là đội ngũ chạy xét nghiệm không biết đến giờ nghỉ là gì. Đội điều tra dịch tễ, công tác xã hội, nhận hàng tiếp tế, kiểm soát nhiễm khuẩn, phun, khử khuẩn, vận chuyển...

"Là nhân viên y tế thì xác định dịch gọi tên ai người đó phải chịu, đến với nơi nào thì ở nơi đó phải chiến đấu. Mỗi buổi sáng thức dậy là các y, bác sĩ nhắn tin động viên nhau. Thương nhất là người bệnh buộc phải hoãn điều trị ung thư, chậm ngày nào bệnh nhân sốt ruột ngày đó", chị Huyền chia sẻ.

Trong những ngày này, dù rất nhớ con nhưng chị Huyền chỉ có thể tranh thủ nắm tình hình của con qua cuộc gọi video, có ngày không kịp gọi vì công việc quá bận.

Trong "cuộc chiến" chống dịch này, gia đình 4 người của chị phải phân ly. Chị Huyền với chồng tuy ở cùng bệnh viện nhưng bị cách ly, không gặp được nhau, các con không có bố mẹ bên cạnh... Khi được hỏi mong muốn của mình, chị Huyền tâm sự: "Mong sao sớm dập được dịch để bệnh nhân yên tâm điều trị vì ở đây toàn bệnh nhân nặng".

Bác sĩ Huyền cũng như nhiều y, bác sĩ khác đều đang nỗ lực trong "cuộc chiến" chống dịch. Họ đã phải bỏ lại phía sau gia đình, con cái của mình, lao vào "cuộc chiến" với niềm tin, chỉ có sự chung sức, đồng lòng mới làm nên chiến thắng.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm