pnvnonline@phunuvietnam.vn
Hàn gắn: Chuyện của cán bộ Hội làm công tác xã hội thời hậu chiến

Nam, nữ thanh niên Sài Gòn chào đón các chiến sỹ tự vệ vào giải phóng thành phố, ngày 30/4/1975 - Ảnh: TTXVN
Vững tâm trước lời xì xào
"Ngày Ba mươi Tháng Tư, Cách mạng mới bắt đầu vào Thành phố (Sài Gòn - TPHCM - PV) nhưng đoàn thể phụ nữ thì đã có mặt ở đây từ lâu rồi. Đó chính là các cơ sở cách mạng trong nội thành", bà Lê Thị Thanh bắt đầu câu chuyện cùng phóng viên Báo Phụ nữ Việt Nam.
Trong ký ức của bà, khi ấy, đội ngũ cán bộ cốt cán được xây dựng đều khắp trong Thành phố, quận nào phường nào cũng có. Biệt động Sài Gòn đánh tới đâu cũng cần sự hỗ trợ của các chị em trong việc thăm dò mục tiêu. Bởi ngay cả các "sở" Mỹ cũng có chị em làm công việc lao công, lau dọn ở đó, "ẩn mình" để đưa thông tin ra ngoài. Tổ chức nào cũng có cán bộ phụ nữ, chứ không chỉ riêng Hội Phụ nữ bí mật Sài Gòn. Nếu chị em nhận sự phân công của cấp trên để đánh mục tiêu nào đó thì với công việc lao công, hàng ngày lau nhà, chị em sẽ tính toán xem vị trí đó có mấy miếng gạch để có thể cho "nổ". Các cơ sở nằm tại chỗ như vậy được rải khắp Sài Gòn. "Khi ấy ở Sài Gòn, người Mỹ mướn chị em làm lao công, giúp việc gia đình rất nhiều. Ví dụ ở toà nhà số 60 Võ Văn Tần, Quận 3, có 3 đại tá người Mỹ ở đó, thì cũng có chị em phụ nữ làm giúp việc, mà thực ra là cơ sở bí mật của Hội Phụ nữ để lấy tin tức. Có lần tôi vào vai một người giúp việc tới cơ sở khác cũng tại đường Võ Văn Tần, đó là một khách sạn, để gặp chị em đặc tình tại đây. Các chị em tâm tư vì bị nhiều người thân ám chỉ việc làm trong khách sạn là làm công việc liên quan tới phẩm giá. Tôi hiểu được tâm tư của chị em thời khắc ấy", bà Hai Thanh nhớ lại.

Bà Lê Thị Thanh - Ảnh: M.T
Mỗi lần họp tổ, chị em đưa thông tin về việc "ông chủ" đi đâu, đi với ai, đi lúc mấy giờ. Chị em nắm chắc thông tin để cung cấp cho đồng đội đánh trúng mục tiêu, phục vụ cho mục đích cách mạng. Trước những lời xì xào "nhỏ đó làm sở Mỹ", chị em dù đau lòng nhưng vẫn cố gắng vì nghĩa lớn.
Hỗ trợ phụ nữ hoàn lương, hoà nhập cuộc đời mới
Theo bà Hai Thanh, trước giải phóng, số lượng phụ nữ hành nghề mại dâm trên địa bàn Thành phố khá nhiều, có "ma cô" dẫn khách. Sau giải phóng, Hội Phụ nữ có một bộ phận cán bộ tham gia công tác hỗ trợ phụ nữ hoàn lương, trong đó có chị em hành nghề mại dâm. Cán bộ Hội cơ sở đi kiếm từng người rồi làm quen với họ, thuyết phục, vận động họ. "Ban đầu, chúng tôi nghĩ rằng họ làm biếng lắm nên mới phải đi bán thân để nuôi miệng. Nhưng khi đi sâu tìm hiểu số phận của mỗi chị em thì thấy thương lắm. Mỗi người là một bi kịch", bà Hai Thanh kể lại.
Sau khi tập hợp chị em lại thì Hội đưa họ đi "cải tạo". Trong trại có các lớp giáo dục, tư vấn, hướng dẫn chị em tìm công việc khác. Ngày đó, tuỳ vào hoàn cảnh của mỗi người, người hành nghề "chuyên nghiệp" hay do hoàn cảnh đưa đẩy, lỡ bước sa chân, mà cán bộ Hội lắng nghe tâm sự, thấu hiểu tính cách, tư chất của mỗi người, từ đó sẽ quyết định thời gian người đó được đi "cải tạo" trong bao lâu. Bà Hai Thanh nói: "Với các chị em thì tuỳ vào tình hình sức khoẻ, tính chất công việc lúc đó để bố trí chị em làm công việc phù hợp, chủ yếu là làm may mặc, thủ công mỹ nghệ, tiểu thương. Có khi chúng tôi tổ chức 1 xưởng dành riêng cho chị em để họ không bị mặc cảm khi làm chung với những người phụ nữ khác. Chúng tôi còn giúp vốn cho nhiều chị em làm buôn bán nhỏ ngoài chợ. Các mạnh thường quân hỗ trợ tài chính cho Hội, từ đó, Hội lại giúp các chị em hoàn lương".
Để có thể tạo công ăn việc làm cho nhóm phụ nữ này, cán bộ Hội đã gặp gỡ, trao đổi với các tiểu thương trên địa bàn Thành phố rằng, "giờ các chị bán trên sạp thì để cho em nó ngồi ở bên dưới, có cái mẹt hành lá, ớt, chanh bán. Hoàn cảnh của em nó nghèo quá, cần được giúp đỡ". Theo bà Hai Thanh, một trong những mục tiêu hỗ trợ phụ nữ hoàn lương khi ấy là giải quyết công ăn việc làm cho chị em. Các nghề được cán bộ Hội phụ nữ hướng dẫn cho chị em hầu hết là công việc tay chân, thu nhập tuy không cao nhưng là công việc lương thiện, thoải mái "nhẹ cái đầu, sạch cái thân".
"Chỉ trong thời gian ngắn sau giải phóng, vấn đề này đã được giải quyết, chủ yếu là ở nội thành Sài Gòn", bà Hai Thanh cho biết. Còn việc tiếp quản trẻ em lang thang và chăm sóc thương binh thì được giao cho các đoàn thể khác. Tuy nhiên, Hội phụ nữ vẫn có các hoạt động hỗ trợ trẻ em như: Phát học bổng, hỗ trợ học phí cho trẻ có hoàn cảnh gia đình khó khăn. Việc đó đến nay, sau 50 năm ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước, vẫn được các cấp Hội trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh tiếp tục thực hiện.
Bà Lê Thị Thanh (tức Hai Thanh) sinh năm 1933. Năm 1947, bà đã giác ngộ cách mạng, vào Khu tham gia kháng chiến. Suốt những năm trước giải phóng, bà Hai Thanh đã tham gia tổ chức Hội Phụ nữ, hoạt động bí mật, cho tới sau sự kiện ngày 30/4/1975, Nam - Bắc về chung một nhà, bà tiếp tục công tác tại Hội LHPN TPHCM, giữ chức vụ Phó Chủ tịch Hội LHPN TPHCM nhiệm kỳ 1984-1987.