Hàng triệu lao động nữ ngành dệt may đang sống lay lắt vì lương thấp

03/03/2019 - 23:27
Đó là nhận xét trong báo cáo vừa được công bố mới đây của tổ chức Oxfam và Viện Nghiên cứu Công nhân và công đoàn cùng phối hợp nghiên cứu, khảo sát lao động trong ngành dệt may Việt Nam.
Báo cáo của Oxfam là kết quả khảo sát đối với doanh nghiệp may ở nhiều khu vực, nhiều doanh nghiệp trong đó cung ứng hàng cho các thương hiệu nổi tiếng như K.hey, Target, GU, Uni Clo, Carrefour, SFG, Froevernew, Cotton On, Peacocks, Tesco, DP Garments, Gap, Splat, Camel, BVH, New Look, Primax, Morrison, Jorge, CK, Zara, Posco, Arcadia, Dunnes, Mango, Jamax. Tại các doanh nghiệp được khảo sát đều có quy mô doanh nghiệp trên 200 lao động, 70 - 80% là lao động trực tiếp, 85 - 90% là nữ.
 
Báo cáo cho biết, tại Việt Nam hiện nay, có tới 99% công nhân may không được trả lương đủ sống căn cứ trên mức sàn lương châu Á là 8,9 triệu đồng/tháng và 74% không được trả lương đủ sống căn cứ trên mức sàn của Liên minh lương đủ sống toàn cầu 5,2 triệu đồng/tháng. Ước tính lương cơ bản trung bình của 2,5 triệu lao động trong 60.000 doanh nghiệp dệt may ở Việt Nam chỉ 3,7 triệu đồng/tháng.
 
detmay.jpg
Dệt may Việt Nam, đặc biệt ngành may là ngành kinh tế quan trọng, có kim ngạch xuất khẩu lớn thứ hai cả nước với giá trị xuất khẩu đóng góp từ 10-15% GDP. Lao động trong ngành này có khoảng 2,5 triệu người, trong đó 80% là nữ.

 

Cũng theo báo cáo của Oxfam, 69% công nhân dệt may cho biết họ không có đủ tiền để trang trải nhu cầu sinh hoạt của mình; 28% công nhân nói rằng tiền lương không đủ để đảm bảo chi tiêu ăn uống cho gia đình trong cả tháng, trong đó 50% cho biết họ phải vay tiền để mua thức ăn, 53% không đủ khả năng điều trị khi ốm đau và có tới 94% công nhân không dám nghỉ ốm khi cần.
 
Bà Phạm Thu Lan, Phó viện trưởng Viện Công nhân và công đoàn, Trưởng nhóm nghiên cứu đã tổng hợp từ những nghiên cứu thực tế và đưa ra kết luận về các phương thức mà chủ doanh nghiệp sử dụng để cắt giảm lương của người lao động, bao gồm cách tính tiền lương phụ thuộc và giá đơn hàng, tăng làm thêm giờ thay vì tuyển thêm lao động, gây áp lực về mặt hành chính để buộc công nhân làm việc… Hay như đi làm muộn, quên quẹt thẻ chấm công, nghỉ ốm hay không đạt định mức, tất cả chỉ là một trong muôn vẻ những cách khác nhau để doanh nghiệp khấu trừ thu nhập của người lao động…
 
“Cuộc khảo sát cho thấy rất nhiều công nhân may có mức lương chưa đủ sống. Họ phải chi tiêu ở mức dè xẻn và hiếm khi chi tiền vào những khoản chưa thực sự cần thiết. Các chi tiêu cho giải trí, hoạt động xã hội và thậm chí đi lại về quê thăm gia đình và bạn bè ít công nhân có thể dám chi trong tiền lương hàng tháng của họ. Có công nhân nhận mức lương sản phẩm đạt 10-12 triệu đồng/tháng nhưng họ thường làm việc hết sức. Mong đợi của công nhân may hiện nay là lương đủ sống trong điều kiện làm việc bình thường, trong giờ làm việc tiêu chuẩn và cường độ làm việc phù hợp”, báo cáo nhận định.
 
Theo ý kiến từ một quản lý sản xuất được phỏng vấn trong quá trình nghiên cứu: “Khi tâm lý ức chế hoặc không thoải mái thì năng suất và chất lượng công việc giảm, vì người lao động làm việc uể oải, không hứng thú. Nếu điều kiện lao động kém và lương quá thấp thì người lao động sẽ nghỉ việc để tìm kiếm cơ hội tốt hơn”.
 
“Lương không đủ sống” là một bóng đen đang phủ lên, kìm hãm sự phát triển của ngành may xuất khẩu Việt Nam và kéo dài chuỗi ngày sống khó khăn của những công nhân dù họ ngày ngày cần mẫn tới xưởng, thậm chí chấp nhận làm thêm giờ hay sống xa gia đình.
 
Bà Nguyễn Thị Lê Hoa, Phó giám đốc tổ chức Oxfam tại Việt Nam, khẳng định: “Tình trạng tiền lương thấp trong chuỗi cung ứng ngành may đang làm cho công nhân và gia đình họ bị mắc kẹt trong vòng luẩn quẩn của đói nghèo, nợ nần. Mức lương không đủ sống khiến người lao động bị bần cùng hóa, không được hưởng những nhu cầu sống tối thiểu, buộc họ phải làm thêm giờ dẫn đến những tổn hại về sức khỏe và thậm chí rơi vào nợ nần”.
 
Nghịch lí tồn tại nhiều năm
 
Ngành dệt may được cho là ngành mũi nhọn trong kinh tế Việt Nam, có kim ngạch xuất khẩu lớn thứ hai cả nước với giá trị xuất khẩu đóng góp từ 10-15% GDP. Lao động trong ngành này có khoảng 2,5 triệu người, trong đó 80% là nữ. Nhưng tiền lương cơ bản của công nhân dệt may lại rất thấp, trung bình chỉ đạt 4.332.000 đồng/tháng, chỉ đáp ứng 75-80% mức sống tối thiểu. Đây là một nghịch lí đang diễn ra từ nhiều năm nay.
 
Theo kết quả nghiên cứu thực trạng điều kiện lao động ngành dệt may Việt Nam của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, hiện nay cả nước có 5.213 doanh nghiệp dệt may với số lượng lao động là 2,5 triệu người, trong đó 80% là nữ. Nghiên cứu này cũng cho thấy, ngành may là điển hình của việc tăng ca nhiều. Cụ thể, công nhân ngành may tăng ca trung bình từ 47-60 giờ/tháng (trong khi quy định của pháp luật là 30 giờ/tháng). Trung bình thu nhập từ tăng ca là 1.336.000 đồng/người, chiếm khoảng 22,4% tổng thu nhập (trong khi pháp luật quy định làm thêm giờ của lao động ngành may tối đa là 300 giờ/năm), thực tế các doanh nghiệp đã cho làm thêm giờ lên tới 500 giờ/năm, thậm chí 600 giờ/năm. Bên cạnh đó, công nhân chỉ được hưởng các khoản phụ cấp thấp.
 
Ngoài ra, giá trị bữa ăn ca thấp, không đảm bảo chất lượng. Theo thống kê của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, giá trị bữa ăn của ngành dệt may chưa đạt được mức khuyến cáo tối thiểu của đơn vị này (15.000 đồng/suất), thấp nhất trong 10 ngành sử dụng nhiều lao động phổ thông.
 

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm