Hàng Việt Nam tại các hệ thống siêu thị luôn đạt 90% trở lên

01/08/2019 - 14:56
Ngày mai (2/8), Ban Chỉ đạo Trung ương Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” tổ chức Hội nghị tổng kết toàn quốc 10 năm thực hiện Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”. Bên cạnh những kết quả thiết thực, tích cực, hàng Việt Nam vẫn còn gặp không ít khó khăn, doanh nghiệp trong nước đối diện nhiều thách thức cần tháo gỡ trong những năm tiếp theo.

Ban Chỉ đạo Trung ương Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, cho biết: Qua 10 năm thực hiện Cuộc vận động (2009-2019), với nỗ lực của hệ thống chính trị các cấp, cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” đã mang lại những kết quả thiết thực, tích cực, góp phần kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô.

Theo báo cáo của Bộ Công Thương, hàng Việt tại các hệ thống siêu thị trong nước luôn đạt ở tỉ lệ từ 90% trở lên. Đối với kênh bán lẻ truyền thống, tỷ lệ hàng Việt tại các chợ, cửa hàng tiện lợi chiếm tỷ lệ từ 60% trở lên.

Tổng mức lưu chuyển hàng hóa bán lẻ và dịch vụ từ năm 2009 đến nay đều có mức tăng trưởng khoảng 10% mỗi năm. Đặc biệt trong các năm 2018, 2017, 2016 tổng mức lưu chuyển hàng hóa bán lẻ và dịch vụ lần lượt ở các mức 11,7% - 10,9% và 10,2%. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) từ mức lạm phát phi mã 19,8% năm 2008 đã giảm xuống mức dưới 5% trong các năm gần đây.

Nền kinh tế chuyển từ nhập siêu sang xuất siêu. Năm 2010, Việt Nam nhập siêu là 12,5 tỷ USD; năm 2018, Việt Nam xuất siêu gần 7,2 tỷ USD. Một số ngành hàng sản xuất Việt Nam có thế mạnh đã tăng tỷ lệ nội địa hóa và hàm lượng khoa học công nghệ trong sản phẩm. Tỷ lệ nguyên phụ liệu nội địa của ngành dệt may chiếm khoảng 50%, tỷ lệ nội địa hóa ngành da giầy chiếm khoảng 40-50%...

tu-hao-hang-viet.jpg
Theo báo cáo của Bộ Công Thương, hàng Việt tại các hệ thống siêu thị trong nước luôn đạt ở tỉ lệ từ 90% trở lên. Ảnh H. Hòa

 

Tuy nhiên, quá trình triển khai Cuộc vận động các cấp, các ngành và các doanh nghiệp cũng phải đối mặt với các thách thức, khó khăn. Sức ép đối với các doanh nghiệp thuộc lĩnh vực bán buôn, bán lẻ sẽ lớn dần do cạnh tranh với chuỗi phân phối từ các nước ASEAN, sức ép từ việc phải tuân thủ các cam kết trong các FTA mà Việt Nam tham gia cũng như việc mở cửa và cắt giảm các dòng thuế theo lộ trình của các cam kết nêu trên.

Đặc biệt, tình hình biến động địa chính trị tại một số khu vực trên thế giới diễn biến nhanh, gây ảnh hưởng tới thị trường thế giới và trong nước. Trong khi phần lớn doanh nghiệp Việt Nam (97%) là doanh nghiệp nhỏ và vừa với quy mô vốn bình quân nhỏ, năng suất lao động Việt Nam còn thấp. Cùng với đó, tình trạng hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng, tình trạng cạnh tranh không đúng luật, lách luật, trốn thuế... vẫn còn xảy ra.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm