Hậu quả từ áp lực hoàn hảo với những đứa trẻ

Nguyễn Hạnh
14/04/2022 - 14:29
Hậu quả từ áp lực hoàn hảo với những đứa trẻ

Ảnh minh họa

Những đứa trẻ luôn dẫn đầu trong lớp, học xuất sắc các môn toán và văn, biết chơi nhạc cụ, hoặc chơi thể thao xuất sắc. Chúng luôn đúng giờ, háo hức thử những điều mới và dễ dàng vượt trội trong mọi việc. Có phải đây là ước mơ của mọi bố mẹ?

Áp lực gia tăng ở giới trẻ

Theo nghiên cứu của Hiệp hội Tâm lý học Hoa Kỳ, động lực theo đuổi sự hoàn thiện về thể chất, tinh thần và sự nghiệp của những người trẻ tuổi đã tăng lên đáng kể kể từ những năm 1980.

Chủ nghĩa hoàn hảo gây ra rất nhiều vấn đề sức khỏe cho thanh thiếu niên như chứng lo âu, trầm cảm và rối loạn ăn uống. Nhà nghiên cứu xã hội Brene Brown gọi trạng thái đó là "life paralysis" (tạm dịch: tê liệt cuộc sống). Đây là triệu chứng quá sợ hãi khi đưa bất cứ thứ gì ra thế giới có thể không hoàn hảo.

Hậu quả từ áp lực hoàn hảo ở những đứa trẻ - Ảnh 1.

"Life paralysis" - hội chứng chỉ trạng thái sợ không hoàn hảo.

"Chủ nghĩa hoàn hảo không phải là sự hoàn thiện bản thân. Về bản chất, chủ nghĩa hoàn hảo là cố gắng để được công nhận. Hầu hết những người theo chủ nghĩa hoàn hảo mục đích để được khen ngợi về thành tích và hiệu suất của họ. Trong quá trình đó, họ áp đặt niềm tin mọi việc phải phải thật xuất sắc và hoàn hảo" - đoạn trích từ cuốn "Món quà của sự không hoàn hảo" của nhà nghiên cứu xã hội Brene Brown.

Các nhà nghiên cứu nghi ngờ rằng ngày càng có nhiều thanh thiếu niên đang đấu tranh với chủ nghĩa hoàn hảo khi mạng xã hội phổ biến đã gia tăng áp lực đồng trang lứa cho giới trẻ.

Trong một bài báo gần đây, các nhà nghiên cứu đã gọi chủ nghĩa hoàn hảo là "một vấn đề sức khỏe cộng đồng quan trọng đòi hỏi những nỗ lực can thiệp và phòng ngừa liên tục". Vì thực tế, những người theo chủ nghĩa hoàn hảo chủ yếu là những người trẻ tuổi.

Các nhà nghiên cứu cho rằng một số người sinh ra đã dành cho những khuynh hướng này. Nhưng thông thường, chủ nghĩa hoàn hảo đến từ áp lực gia đình và xã hội - giống như cha mẹ coi trọng thành tích và chỉ trích con khi chúng mắc lỗi.

Nhà trị liệu tâm lý ở Los Angeles (Mỹ), Nadia Akhtar Sim, giải thích rằng, áp lực thường bắt đầu từ sự kỳ vọng. Cô chia sẻ: "Tôi làm việc với rất nhiều trẻ em nhập cư, và đối với cha mẹ của chúng, chủ nghĩa hoàn hảo là một chiến lược sống còn, một chiến lược được truyền lại cho con cái của họ".

Những bậc cha mẹ có suy nghĩ như vậy chỉ bởi muốn bảo vệ con cái khỏi những vất vả mà họ từng trải qua, muốn con cái có cuộc sống đầy đủ và hạnh phúc hơn.

Các giá trị văn hóa vô hình trung cũng đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy chủ nghĩa hoàn hảo. Ở Mỹ, trẻ được dạy từ thời thơ ấu rằng muốn phát triển phải phụ thuộc vào tài năng và nỗ lực của mỗi cá nhân. Điều này đã dẫn đến một môi trường làm việc và học tập siêu cạnh tranh. Kết quả, trẻ em luôn trong trạng thái phải hoàn hảo mới cảm thấy an toàn và được kết nối với xã hội.

Nghiên cứu cho thấy những đứa trẻ theo chủ nghĩa hoàn hảo có xu hướng cô lập xã hội và có nhiều xung đột hơn trong các mối quan hệ, mặc dù thực tế là chúng đã nỗ lực chứng minh giá trị của mình.

Tracy Vaillancourt, giáo sư tại Đại học Ottawa, người nghiên cứu về mối quan hệ giữa thành tích học tập và chủ nghĩa hoàn hảo cho biết những đứa trẻ theo khuynh hướng này luôn muốn dẫn đầu, cạnh tranh để vượt qua mọi người. Ví dụ, nếu bạn bè có điểm kiểm tra cao hơn thì người cầu toàn sẽ cảm thấy bất an và mất kiểm soát. Một số người hay có xu hướng phán xét, chỉ trích ai đó nếu họ không đáp ứng được tiêu chuẩn mà người cầu toàn đặt ra.

Theo Gordon Fleet, một trong những nhà nghiên cứu về chủ nghĩa hoàn hảo hàng đầu thế giới tại Đại học York (Canada), những người theo chủ nghĩa hoàn hảo thường có xu hướng có những ý nghĩ khá tiêu cực. "Họ sẽ tự nhủ rằng họ phải làm tốt hơn, họ là những kẻ thất bại và luôn sợ ai đó sẽ đánh bại họ". Những suy nghĩ lo lắng, mất tập trung này có thể dẫn đến khó ngủ, kém tập trung, trì hoãn và kiệt sức.

Chủ nghĩa hoàn hảo sẽ dần đem lại những hậu quả tiềm ẩn tiêu cực. Nếu trẻ bắt đầu có những dấu hiệu như lo lắng, trầm cảm hoặc cô lập xã hội vì ám ảnh về sự xuất sắc của người khác thì đã đến lúc bạn nên tìm kiếm sự trợ giúp của chuyên gia.

Phụ huynh nên làm gì?

Chuyên gia Fleet chia sẻ, cha mẹ cũng đóng một vai trò quan trọng trong việc giúp trẻ thoát khỏi chủ nghĩa hoàn hảo. Bước đầu tiên hãy giải thích vấn đề đó một cách cởi mở - thừa nhận sự phổ biến của khuynh hướng này trong xã hội hoặc trong gia đình bạn. Cha mẹ có thể bắt đầu bằng những câu chuyện đơn giản như "mẹ vừa đọc một nghiên cứu cho thấy rằng chủ nghĩa hoàn hảo đang gia tăng trong trường học và trong giới trẻ. Con đã thấy điều này ở bạn bè hay ở trường học chưa?".

Hay phụ huynh có thể tiếp cận dễ dàng bằng cách nói về những nhân vật công chúng, những người có vấn đề mãn tính với chủ nghĩa hoàn hảo, chẳng hạn như vận động viên quần vợt Naomi Osaka, người không ngừng đặt áp lực cho bản thân để theo đuổi sự hoàn hảo. Hay các nhân vật hư cấu cũng phù hợp - như Alex Dunphy, cô con gái thứ hai siêu thông minh trong bộ phim hài "Modern Family", người cuối cùng phải đi trị liệu để đối phó với tính cầu toàn, lo lắng và kiệt sức của mình.

Chuyên gia tâm lý Akhtar Sim chia sẻ, hãy cho trẻ biết ngoài sự thành công, việc gia đình coi trọng các vấn đề khác như sự hào phóng, nhân hậu hay sự kiên định quan trọng đến mức nào. Vì chủ nghĩa hoàn hảo bắt nguồn từ việc tập trung quá mức vào cái tôi, nên việc khuyến khích thanh thiếu niên tình nguyện hoặc tham gia các chương trình tư vấn tâm lý cũng có thể giúp trẻ xây dựng ý thức về giá trị bên trong bản thân ngoài việc xây dựng sự hoàn hảo, thành công bên ngoài.

Điều quan trọng là phải chống lại tâm lý cầu toàn. Điểm kém không có nghĩa là con bạn không thể vào được một trường đại học tốt hay không phải là người giỏi. Vaillancourt cho rằng: "Chúng ta cần để trẻ em chấp nhận rằng sự hoàn hảo là điều không thể. Mọi người đều có điểm mạnh và điểm yếu - đó là điều tạo nên mỗi con người".

Nguồn: Latimes
Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm