pnvnonline@phunuvietnam.vn
Hỗ trợ nông sản Việt vượt bão Covid-19 (Bài 1): “Phủ sóng” trong siêu thị
Các loại nông sản Việt xuất hiện trên kệ siêu thị.
"Dọn chỗ" trong siêu thị đón trái cây mùa vụ
Chị Thùy Vân (Q. Ba Đình, Hà Nội) chọn mua những túm vải tươi đầu mùa được bày bán tại siêu thị Vinmart Liễu Giai, chia sẻ cùng PNVN: Giá cả bình ổn, niêm yết công khai, hệ thống cân trọng lượng hiện đại và quan trọng nhất là hàng hóa có xuất xứ rõ ràng. Đây là những ưu điểm của siêu thị so với các hình thức bán hàng truyền thống khác.
Giai đoạn này, các chợ cóc, chợ tự phát, tại Hà Nội bị tạm dừng hoạt động phục vụ cho công tác phòng, chống dịch Covid-19, siêu thị trở thành một trong những điểm được người dân Thủ đô lựa chọn để mua sắm. Không chỉ đồ dùng thiết yếu mà rau xanh, trái cây, nông sản mùa nào thức nấy, tại siêu thị đều cung cấp đủ để đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng.
Tại Hội nghị trực truyến thúc đẩy tiêu thụ nông sản do Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tổ chức, bà Nguyễn Thị Phương, Phó Tổng Giám đốc thường trực Vincommerce chia sẻ: Với 2.500 siêu thị Vinmart, Vinmart+ trên toàn quốc, công ty hoàn toàn có thể hỗ trợ cho các hộ nông dân và HTX nông nghiệp tiêu tụ sản phẩm, đặc biệt trong bối cảnh Covid-19 hiện nay.
Cùng với hệ thống siêu thị Vinmart, mà các siêu thị lớn trên cả nước đều đang triển khai kế hoạch tiêu thụ vải – loại trái cây đang vào vụ, hỗ trợ bà con nông dân mùa dịch bệnh.
Cụ thể, vải thiều Thanh Hà (Hải Dương) đã có mặt và đang bày bán trên kệ siêu thị Big C (thuộc hệ thống bán lẻ của Tập đoàn Central Retail). Dự kiến tuần sau, những trái vải thiều Bắc Giang cũng sẽ có mặt tại hệ thống siêu thị này, với dự kiến lượng tiêu thụ năm nay tương đương, thậm chí cao hơn so với vụ năm ngoái (khoảng 1.000 tấn).
Hệ thống bán lẻ của Saigon Co.op cũng dự kiến tiêu thụ 400-500 tấn vải. Hiện vải thiều Bắc Giang, Hải Dương cũng đang có mặt tại các siêu thị MM Mega Market trên cả nước.
Không riêng gì trái vải, tại khu vực trái cây của các siêu thị, người tiêu dùng còn có nhiều sự lựa chọn với các loại trái cây, nông sản Việt khác như chuối, dưa hấu, bưởi, xoài, dứa, các loại rau củ… Để phù hợp với nhu cầu mua sắm mùa dịch, song song với kênh bán trực tiếp, các siêu thị cũng triển khai các hình thức bán hàng online trên website của hệ thống, dịch vụ đặt hàng qua điện thoại, qua zalo...
Nông sản Việt có mặt trên quầy, kệ các chuỗi siêu thị lớn
Tạo điều kiện thuận lợi nhất trong vận chuyển, lưu thông để tiêu thụ kịp thời, hiệu quả các mặt hàng nông sản của các địa phương đã, đang và sắp vào vụ thu hoạch là yêu cầu của Bộ Công Thương đặt ra đối với các đơn vị thuộc Bộ, Sở Công Thương các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, các Hiệp hội ngành hàng.
Không chỉ tại thời điểm này, khi nhiều loại trái cây như vải, mận… đang vào vụ thu hoạch, mà các hoạt động hỗ trợ tiêu thụ nông sản trong nước đã được thực hiện từ trước đó. Vào tháng 3/2021, khi dịch Covid-19 bùng phát ở Hải Dương, Bộ Công Thương đã có văn bản hướng dẫn về việc thu mua, tiêu thụ sản phẩm hàng hóa, nông sản của vùng đang có dịch.
Về việc tiêu thụ nông sản, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải nhấn mạnh, không nên quá phụ thuộc vào một thị trường xuất khẩu truyền thống, cần tập trung tiêu thụ sản phẩm tại thị trường nội địa. Điều này có ý nghĩa quan trọng, không chỉ trong năm nay mà còn trong thời gian tới.
Bộ Công Thương cũng làm việc trực tiếp với các hệ thống phân phối lớn trong nước về việc hỗ trợ tiêu thụ nông sản an toàn thực phẩm và an toàn dịch bệnh; kết nối các doanh nghiệp phân phối lớn phối hợp với các địa phương (thông qua Sở Công Thương) để thúc đẩy tiêu thụ nông sản có sản lượng lớn, đã thu hoạch nhưng gặp khó khăn về thị trường.
Nông sản đảm bảo an toàn đảm an toàn thực phẩm và an toàn dịch bệnh hiện đang vào mùa thu hoạch từ nông dân, hợp tác xã, doanh nghiệp tại nhiều địa phương đã "phủ sóng" trên quầy kệ của các hệ thống siêu thị lớn trên toàn quốc như: Central Group (chuỗi siêu thị BigC và Go!); Vincommerce (chuỗi Vinmart và Vinmart+), BRG Retail (chuỗi siêu thị BRG Mart), chuỗi siêu thị MM Mega Market…
Tại Chỉ thị về việc tạo điều kiện thuận lợi trong lưu thông và tăng cường hỗ trợ tiêu thụ tại thị trường trong nước các sản phẩm nông sản của các địa phương có sản lượng nông sản lớn, sản xuất tập trung trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, Bộ Công Thương yêu cầu:
Cục Xúc tiến thương mại triển khai, đề xuất các biện pháp hỗ trợ lưu thông hàng hóa, xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm, ngành hàng, tìm kiếm mở rộng thị trường trong nước, để nhanh chóng đẩy mạnh tiêu thụ các mặt hàng nông sản có sản lượng lớn đã vào vụ hoặc sắp thu hoạch ở các địa phương.
Vụ Thị trường trong nước, Sở Công Thương các tỉnh, thành phố tạo điều kiện thuận lợi cho các Trung tâm thương mại, siêu thị, chợ, tiêu thụ hàng hóa nông sản; tạo điều kiện cho các phương tiện vận chuyển hàng hóa thiết yếu, nguyên vật liệu, vật tư phục vụ sản xuất nói chung, các mặt hàng nông sản nói riêng khi lưu thông qua các tỉnh, thành phố.
Tổng cục Quản lý thị trường chỉ đạo lực lượng quản lý thị trường tại các địa phương tập trung triển khai các kế hoạch kiểm tra, giám sát thị trường, kế hoạch cao điểm; kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật về giá, các hành vi đầu cơ, găm hàng và lợi dụng dịch bệnh để thu lợi bất chính; kinh doanh hàng nông sản nhập lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng, không bảo đảm an toàn thực phẩm, an toàn dịch bệnh và các hành vi gian lận thương mại khác.
Những hoạt động hỗ trợ nông sản tiêu thụ trong cách kênh phân phối hiện đại như siêu thị, cửa hàng tiện lợi đã không chỉ tháo gỡ ách tắc, tìm đầu ra ổn định cho các sản phẩm mà còn quảng bá cho thương hiệu của trái cây, nông sản Việt Nam trong điều kiện bình thường và cả những giai đoạn giãn cách, cách ly xã hội để phòng dịch Covid-19.
* Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ