Còn nhiều khó khăn khi tiêu thụ nông sản cho vùng dịch

PV
23/02/2021 - 08:08
Còn nhiều khó khăn khi tiêu thụ nông sản cho vùng dịch

Hoạt động sản xuất, tiêu thụ nông sản của tỉnh Hải Dương bị ảnh hưởng nặng nề vì dịch Covid-19

Việc lưu thông hàng hóa, tiêu thụ nông sản của một số địa phương vùng đang có dịch, đặc biệt là tỉnh Hải Dương và các tỉnh giáp ranh còn nhiều vướng mắc, khó khăn trong quá trình thực hiện.

Theo báo cáo nhanh của Sở Công Thương và Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Hải Dương, hiện hoạt động sản xuất, tiêu thụ nông sản của tỉnh Hải Dương bị ảnh hưởng nặng nề vì dịch Covid-19.

Đến ngày 15/2/2021, toàn tỉnh Hải Dương đã thu hoạch được 19.500ha rau màu, còn 2.802ha đang đến kỳ thu hoạch. Sản lượng thu hoạch dự kiến là 46.000 tấn hành, 30.700 tấn cà rốt, 8.000 tấn cải bắp, su hào, súp lơ, rau ăn lá; 1.000 tấn lợn sữa. 80% số nông sản trên để phục vụ xuất khẩu.

Để bảo đảm mục tiêu kép vừa quyết liệt phòng, chống dịch bệnh vừa phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, Bộ Công Thương cho biết Bộ đang tích cực các nhiệm vụ được giao để tháo gỡ khó khăn cho hoạt động sản xuất kinh doanh, đặc biệt là hoạt động lưu thông, tiêu thụ nông sản cho các địa phương vùng dịch. Tuy nhiên, vẫn còn tồn tại nhiều khó khăn, vướng mắc khi tiêu thụ nông sản cho vùng đang có dịch.

Khó khăn khi lưu thông hàng hóa từ vùng có dịch Covid-19

Báo cáo của Sở Công Thương tỉnh Hải Dương cho biết, thực tế, hầu hết các chốt, trạm kiểm soát dịch bệnh Covid-19 tại cửa ngõ ra vào địa bàn các tỉnh, thành phố lân cận đều hạn chế xe hàng hoá ra vào tỉnh Hải Dương. Nhiều xe phải nằm chờ rất lâu, sau đó vẫn buộc phải quay đầu.... Điều này làm cho hàng hoá bị ách tắc, nông sản bị hư hỏng, gây nhiều khó khăn cho hàng hóa xuất khẩu đến hạn phải giao hàng, gây thiệt hại cho hoạt động sản xuất kinh doanh và đời sống của người dân.

Việc lưu thông hàng hóa từ vùng có dịch còn gặp phải một số khó khăn như:

- Hướng dẫn phòng chống dịch Covid-19 trong vận chuyển hàng hóa có nhiều điểm chưa phù hợp.

Cụ thể, theo quy định, tất cả các lái xe khi qua trạm kiểm dịch phải có giấy xét nghiệm Covid-19. Tuy nhiên, các đơn vị y tế chỉ phục vụ xét nghiệm cho người thuộc diện cách ly, chưa xét nghiệm dịch vụ.

- Năng lực xét nghiệm Covid-19 còn hạn chế

Năng lực xét nghiệm của các địa phương có dịch chưa đáp ứng đủ, kịp thời cũng là một khó khăn. Trong khi đó, một số địa phương chưa chấp nhận kết quả xét nghiệm tại các cơ sở y tế tư nhân. Điều này khiến doanh nghiệp không biết kiểm tra âm tính Covid-19 ở đâu và giấy xác nhận có thời hạn bao lâu… khiến nhiều doanh nghiệp, lái xe phải tạm ngừng hoạt động hoặc kinh doanh cầm chừng.

- Chưa có quy trình thống nhất: 

Hiện nay, chưa có quy trình hướng dẫn thống nhất bảo đảm an toàn phòng chống Covid-19 trong sản xuất, thu hoạch, bao gói, vận chuyển nông, lâm thủy sản tươi sống từ vùng dịch ra ngoài nên cả bên mua và bên bán đều gặp khó khăn trong hoạt động kinh doanh nông sản…

- Tâm lý e dè của người tiêu dùng:

Thông tin về an toàn y tế của các sản phẩm được sản xuất tại các tỉnh đang có dịch của chính quyền và các cơ quan chuyên môn có liên quan (ngành nông nghiệp và ngành y tế) chưa được đưa ra chính thức, tạo tâm lý e dè của nhà thu mua và người tiêu dùng.

Những khó khăn vướng mắc nêu trên đã dẫn đến tình trạng nông sản bị tồn ứ, khó tiêu thụ ngay tại thị trường trong nước và xuất khẩu.

Nhiều loại nông sản tại Hải Dương bị tồn ứ, khó tiêu thụ vì dịch Covid-19

Nỗ lực đảm bảo lưu thông hàng hóa cho vùng dịch Covid-19

Bộ Công Thương nhận định: Những khó khăn vướng mắc trên gây ảnh hưởng trực tiếp đến sản xuất kinh doanh không chỉ của tỉnh Hải Dương mà còn ảnh hưởng đến các địa phương khác. Nguyên nhân là do tỉnh Hải Dương nằm ở trung tâm của tam giác phát triển Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh- Hải Dương. Nhiều hàng hóa ở Hải Dương chính là sản phẩm gia công, nguyên liệu đầu vào lắp ráp theo chuỗi ở các nhà máy tại các tỉnh, thành khác. Nếu không giải quyết được các khó khăn, vướng mắc này thì chuỗi cung ứng có thể bị ảnh hưởng thậm chí bị đứt gãy ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh và phát triển kinh tế xã hội của nhiều địa phương.

Bộ Công Thương đang tích cực, chủ động kết nối các doanh nghiệp phân phối lớn phối hợp với các địa phương (thông qua Sở Công Thương) để thúc đẩy tiêu thụ nông sản có sản lượng lớn, đã thu hoạch nhưng gặp khó khăn về thị trường. Đồng thời đẩy mạnh, triển khai các hoạt động kết nối, mở rộng thị trường tiêu thụ hàng hóa nói chung và các mặt hàng nông sản nói riêng tại thị trường trong nước và quốc tế.

Bộ Công Thương cũng đưa ra một số kiến nghị Thủ tướng Chính phủ, trong đó có kiến nghị chỉ đạo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với Bộ Y tế hướng dẫn quy trình sản xuất nông lâm thủy sản bảo đảm phòng chống dịch bệnh, đủ điều kiện lưu thông phân phối tại thị trường trong nước và xuất khẩu.

Về phía các địa phương, Bộ Công Thương đề nghị thực hiện nghiêm tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Chỉ thị số 16/CT-TTg ngày 31 tháng 3 năm 2020, Chỉ thị số 05/CT-TTg ngày 28 tháng 01 năm 2021 quyết liệt triển khai thực hiện các biện pháp hỗ trợ lưu thông hàng hóa, đảm bảo các phương tiện vận chuyển hàng hóa phục vụ nhu cầu tiêu dùng và sản xuất của nhân dân được lưu thông thông suốt, cam kết không để tình trạng "ngăn sông cấm chợ" diễn ra trên địa bàn.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm