Nông sản Hải Dương: Trong 10 ngày tới không “giải cứu” kịp sẽ hỏng hết

Hải Linh
21/02/2021 - 16:17
Nông sản Hải Dương: Trong 10 ngày tới không “giải cứu” kịp sẽ hỏng hết

Hội LHPN huyện Kim Thành giúp hội viên thu mua chuyển đến các nhà bếp của khu cách ly (Ảnh: PNHD)

“Do ảnh hưởng của thời gian cách ly xã hội, hàng loạt các mặt hàng nông sản của Hải Dương đến thời kỳ thu hoạch, nhưng bị dồn ứ. Chỉ trong vòng 10 ngày tới, nếu không kịp “giải cứu”, thì hàng loạt nông sản rau màu, trứng gia cầm… sẽ hỏng hết…”

Một đại diện của Sở NN&PTNN tỉnh Hải Dương lo lắng cho biết: "Giờ chúng tôi chỉ cầu mong có chỗ nào nhận mua nông sản cho bà con thì tỉnh sẽ hỗ trợ luôn vài xe. Văn bản của UBND tỉnh chỉ đạo, hỗ trợ bà con vận chuyển nông sản ra bên ngoài, nhưng trên thực tế tình hình chống dịch đã ảnh hưởng nặng nề đến việc này".

Vụ sắn dây hàng tỷ đồng của bà con Thượng Quận có nguy cơ đổ xuống sông

Đang cùng gia đình tháo dỡ vườn sắn dây hàng trăm gốc tại xã Thượng Quận, Thị xã Kinh Môn (Hải Dương), chị Vũ Nhung lo lắng cho biết: Sắn dây năm nay được mùa, gia đình tôi trồng 200 gốc, củ rất sai và to. Nhưng mới dỡ xong 30 gốc, nhìn cả vườn quang đãng, củ sắn dây xếp hàng dài dưới ruộng mà thương lái không thể về lấy được, chúng tôi cũng không thể mang đi tiêu thụ do cách ly xã hội, nên cả gia đình tôi như đang "ngồi trên đống lửa".

Nông sản Hải Dương: Trong 10 ngày tới không “giải cứu” kịp sẽ hỏng hết - Ảnh 1.

Chị Vũ Nhung, xã Thượng Quận (Thị xã Kinh Môn) dỡ vườn sắn dây của gia đình xong với đầy lo lắng (Ảnh: Anh Minh)

"Tôi cũng kêu gọi trên trang xã hội cá nhân mong "giải cứu" sắn dây cho gia đình, nhưng cũng chỉ lác đác bán được vài chục cân" – chị Nhung cho biết thêm. Theo chị Nhung, gia đình cứ dỡ những gốc sắn dây già trước, gốc nào để thêm được 1 tuần nữa thì đành để lại. Cả gia đình túc tắc tự chế biến thành bột bao nhiêu tốt bấy nhiêu, còn lại đành nín thở ngồi chờ giải cứu của xã hội.

Thừa nhận thực tế này với PV báo PNVN, anh Nguyễn Đức Minh, cán bộ Hội Nông dân xã Thượng Quận, chia sẻ: Hiện nay bà con nông dân Thị xã Kinh Môn nói chung và xã Thượng Quận nói riêng đang rất khó khăn trong việc tiêu thụ sản phẩm sắn dây củ. Vì nơi tiêu thụ nhiều là Hải Phòng, Quảng Ninh, Hà Nội thì hiện nay họ không qua Hải Dương lấy được.

Theo anh Minh, chỉ riêng xã Thượng Quận (Thị xã Kinh Môn) là xã trồng nhiều sắn dây nhất vùng hiện có 100 ha sắn dây đang đến độ thu hoạch rộ. Sản lượng sắn dây vụ Xuân ước tính khoảng 2.700 tấn, giá trị thu khoảng 20 tỷ đồng. Tuy nhiên, hiện nay mọi chuyến xe thông thương đều bị đình trệ do dịch covid-19.

Nông sản Hải Dương: Trong 10 ngày tới không “giải cứu” kịp sẽ hỏng hết - Ảnh 2.

Sắn dây của xã Thượng Quận đang đến độ thu hoạch rộ nhưng lại không có nơi tiêu thụ (Ảnh: Anh Minh)

Anh Minh cho biết: Sắn dây ở đây đã dỡ củ và bán rải rác từ tháng 12 âm lịch, nhưng năm nay do ảnh hưởng dịch, nên bà con thu hoạch hành, tỏi trước. Đến lúc này hầu hết người nông dân đang vô cùng lo lắng, nhìn những ụ sắn dây sai củ, được dỡ lên mà càng xót ruột. "Nếu không bán được trong thời gian thời tiết còn se lạnh, thì đến khi có gió nồm, ẩm, nóng (tức là khoảng 2 tuần nữa), người dân sẽ không thể chế biến làm bột sắn dây được nữa. Lúc đó sắn dây có bán cũng không ai mua, mà chỉ để bỏ đi. Nếu cứ để tại cây không thu hoạch, thì sắn dây sẽ bị nảy mầm mới, nhẹ cân mà cũng không thể làm bột được loại này. Coi như bao nhiêu mồ hôi, nước mắt của người dân cả năm đổ xuống sông hết cả.

Cũng chung quan điểm này, ông Lê Trung Kiên, Chủ tịch Hội Nông dân thị xã Kinh Môn (Hải Dương), bày tỏ: Theo chỉ đạo của UBND tỉnh và Sở Giao thông, trong tỉnh và địa phương hầu như đều tạo điều kiện cho người dân tiêu thụ được nông sản, nhưng cái khó là các tỉnh khác ngại ngần về an toàn thực phẩm ở vùng dịch bệnh đưa ra bên ngoài, nên họ không đến thu mua. Đó là lý do, sắn dây của Kinh Môn hiện bán được ít nào thì lại bị ép giá. Bình thường bán củ khoảng 8.000 đồng/kg, thì nay chỉ còn 4.500 đồng/kg.   

Nông sản Hải Dương hiện chỉ phụ thuộc "giải cứu" nhỏ lẻ của các đoàn thể, cá nhân 

Không chỉ sắn dây, tại nhiều địa phương trồng nhiều rau màu của tỉnh Hải Dương như huyện Gia Lộc, Tứ Kỳ, Kim Thành đều đang khó khăn trong việc tiêu thụ rau màu.

Nông sản Hải Dương: Trong 10 ngày tới không “giải cứu” kịp sẽ hỏng hết - Ảnh 3.

Rau màu tại huyện Kim Thành đang được Hội LHPN tìm cách kết nối nơi tiêu thụ trong tỉnh. (Ảnh: PNHD)

Là một trong những địa phương trồng nhiều rau màu và nông sản nhất tỉnh Hải Dương, ông Nguyễn Anh Tuấn, Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Tứ Kỳ lo lắng không yên: Việc tiêu thụ nông sản cho bà con Tứ Kỳ lúc này vô cùng khó khăn. Nhìn những ruộng rau xanh của bà con, trứng gia cầm gà, vịt chất đống mà chúng tôi xót ruột vô cùng. Với sản lượng nhiều loại rau xanh gồm: Su hào, xúp lơ, bắp cải là hơn 4.000 tấn. Gia cầm gà, vịt là 180.000 tấn, cùng mỗi ngày người dân có 25.000 trứng gia cầm phải thu hoạch, cá cũng hơn 2.000 tấn bị tồn đọng tại chỗ, mà chính quyền địa phương hiện đang bất lực.

Theo ông Tuấn, chỉ mong sao Chính phủ có chỉ đạo nào phù hợp hơn trong tình hình chống dịch hiện nay, cho thương lái vào thu mua nông sản cho bà con. Vì nông sản đang ở kỳ bắt buộc phải thu hoạch, nếu để 5 – 7 ngày nữa rau màu sẽ hỏng, súp lơ già quá hạn sẽ bung ra hết và không ăn được. Su hào mỗi lứa chỉ trồng 45 ngày, bắp cải 70 ngày phải thu hoạch, thì nay đều sắp quá hạn. Bà con ở địa phương và chính quyền đều rất nóng lòng, nhưng chỉ biết đợi lúc đường xá được thông thương thì còn loại rau bán được sẽ vớt vát lại cho bà con.

Nông sản Hải Dương: Trong 10 ngày tới không “giải cứu” kịp sẽ hỏng hết - Ảnh 4.

Hội LHPN các cấp trong tỉnh Hải Dương đang cố gắng liên hệ, giải cứu trứng gia cầm cho bà con nông dân trên địa bàn (Ảnh: PNHD)

"Thực tế tại các xã tại huyện Tứ Kỳ chỉ phụ thuộc vào tổ chức đoàn thể ở địa phương và một vài cá nhân đứng ra thu mua lẻ tẻ giúp bà con, rồi đưa vào các nhà bếp ở khu cách ly với tính chất ủng hộ chống dịch. Còn lại, đầu ra của nông sản Tứ Kỳ hoàn toàn tắc nghẽn" – ông Tuấn buồn rầu nói.

Ngày 17/2/2021, UBND tỉnh Hải Dương có văn bản số 519/UBND - VP về việc sản xuất và tiêu thụ các sản phẩm nông nghiệp ứng phó với dịch COVID-19 trên địa bàn tỉnh.

Cụ thể, văn bản nêu rõ, hiện toàn tỉnh Hải Dương đang trong tình trạng cách ly để đối phó với dịch COVID-19; để thực hiện vừa phòng, chống dịch bệnh vừa sản xuất nông nghiệp, thu hoạch sản phẩm, hỗ trợ tiêu thụ nông sản cũng như tạo điều kiện để cung ứng vật tư phục vụ sản xuất nông nghiệp, Chủ tịch UBND tỉnh giao UBND các huyện, thành phố, thị xã chỉ đạo cấp xã đảm bảo việc tổ chức sản xuất nông nghiệp được diễn ra bình thường, kể cả các khu vực phong tỏa và các hộ gia đình có trường hợp F2 bị cách ly, nhưng phải hướng dẫn người dân trong quá trình sản xuất đảm bảo an toàn trong phòng dịch của ngành y tế (thực hiện 5K trong đó đặc biệt quan tâm đến việc đeo khẩu trang, đảm bảo khảng cách tối thiểu 2m).

Lãnh đạo UBND cấp xã phải chịu trách nhiệm hướng dẫn và giám sát việc bảo đảm an toàn phòng chống dịch của người dân trong quá trình tổ chức sản xuất.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm