Hóa giải hờn giận với mẹ chồng bằng yêu thương chân thành

03/04/2018 - 08:05
Chị mở lòng với mẹ chồng bằng những buổi trò chuyện, tâm tình. Dần dà, chị còn bóp chân, bóp tay, xoa lưng cho bà. Những khúc mắc như được tháo gỡ. Lòng chị nhẹ nhõm hơn. Ánh mắt mẹ chồng cũng lấp lánh những niềm vui...
Người ta thường mong đến ngày cuối tuần để được nghỉ ngơi thoải mái, chị thì ngược lại. Từ ngày chồng mất, chị rất sợ khoảnh khắc lầm lũi đến cô độc khi đi lên đi xuống trong ngôi nhà thênh thang. Sống cùng mẹ chồng ngoài 80 tuổi nhưng giữa chị và bà vốn dĩ đã tồn tại một khoảng cách...
anh123.jpg
Ảnh minh họa

Có hai người con nhưng mẹ chồng chị chỉ chăm lo, vun vén cho con gái. Ba lần cô ấy sinh đẻ, bà đều bế ẵm các cháu cho tới khi đi học mẫu giáo mới thôi. Con gái lấy chồng cùng làng, chỉ cần hắt hơi, sổ mũi, bà đã thịt gà hầm lá ngải hạt sen bổ dưỡng mang sang. 

Của nả dành dụm cả đời, bà cũng chẳng tính đến chuyện phòng thân lúc tuổi già bóng xế mà dấm dúi cho con gái mua nhà ra chỗ khác ở để “tránh va chạm với nhà chồng”. Lúc nào bà cũng xuýt xoa thương con gái bao nhiêu đám tử tế, khá giả hỏi không lấy lại đi lao vào chỗ nghèo kiết xác, mẹ chồng lại cay nghiệt...

Nỗi tủi thân xen lẫn những ấm ức trong chị cứ dồn nén, tích tụ. Bà luôn xăm xắn, hết lòng vì con gái, vì cháu ngoại nhưng nàng dâu ốm nằm đấy, cháu nội khóc ra rả suốt đêm thì chẳng ỏ ê. Mỗi khi chị cậy nhờ, mẹ đẻ chị lại lặn lội hơn trăm cây số sang đỡ đần, còn mẹ chồng dửng dưng như thể đó là trách nhiệm của đằng ngoại.

Lần chỉ có hai vợ chồng ở nhà, trong cơn bức xúc không thể kiềm chế, chị đã bảo bao nhiêu phúc phận em gái anh hưởng hết thì sau này mẹ già yếu nhớ mà báo đáp. Phần vì biết chị đang “bốc hỏa”, phần vì đuối lí, chồng chị im lặng quay đi. Thế rồi ngày hôm sau nghe hàng xóm mách lẻo, mẹ chồng chị nổi trận lôi đình chỉ tay vào mặt con dâu: “Tôi có xách bị đi ăn mày, có nằm liệt một chỗ cũng không bao giờ phiền đến chị”.

Cái thời khốn khó, con cái nheo nhóc rồi cũng qua. Chị giờ đã là Giám đốc một cơ quan, lãnh đạo hàng trăm nhân viên. Cậu con trai nhận học bổng thạc sĩ ở nước ngoài. Còn cô con gái tốt nghiệp đại học loại ưu được trường giữ lại làm giảng viên.

Mọi cái đều biến chuyển theo chiều hướng tích cực, duy chỉ có mối quan hệ giữa chị và mẹ chồng là không hề thay đổi. Sau lần tai biến cách đây 7 năm, bà bị liệt nửa người, tay chân run rẩy, không thể tự chăm sóc cho bản thân.

Chị chủ động phân công, chồng chị tắm rửa cho mẹ, còn chị lo cơm nước chu đáo. Chị xác định đó là bổn phận chứ không có tình yêu thương. Bởi vậy, dù ngày nào cũng phải đi ngang qua song hiếm khi chị đặt chân tới phòng mẹ chồng.

Cuộc đời không ai đoán trước được tương lai. Cũng như mẹ chồng chị không thể biết rằng người kề cận mình cuối đời lại là nàng dâu bà vốn chẳng có chút thiện cảm. Con trai qua đời vì bạo bệnh. Con gái cách có vài bước chân nhưng nghề công nhân phải làm ca kíp bận rộn, về nhà lại cơm nước phục vụ chồng con nên thi thoảng mới ghé thăm mẹ chốc lát.

Chị vẫn ngày ba bữa cơm bưng nước rót cho mẹ chồng, còn việc tắm rửa đã có người giúp việc theo giờ. Căn nhà ngày càng trở nên im ắng, lạnh lẽo. Có lần ngang qua phòng mẹ chồng, chị chợt bắt gặp ánh mắt buồn rười rượi của bà. Đã có lúc chị muốn đến gần bà nhưng có điều gì trong lòng cứ ngăn chị lại...

Về thăm mẹ, con trai tíu tít kể chuyện học tập, sinh hoạt cùng những phong tục, tập quán nơi xứ người. Ấn tượng đọng lại sâu đậm nhất trong chị là bộc bạch của con: Có đi xa mới thấm thía chẳng gì đáng trân trọng bằng tình cảm ruột thịt, chẳng đâu tha thiết muốn trở về bằng quê hương.

Bởi vậy, hãy để những ám ảnh buồn, những giận hờn được hóa giải bằng yêu thương chân thành. Chẳng ai chỉ toàn những tính cách xấu, đôi khi họ làm tổn thương ta chỉ là do vô tình. Nó lấy minh chứng là mối quan hệ giữa nó và đứa em bằng tuổi nhà chú ruột.

Học cùng nhau suốt 12 năm, lại cùng trong đội tuyển toán nên những ganh đua, đố kị khiến anh em bất hòa. Đi du học rồi con chị mới nhận ra cả hai hành xử rất trẻ con do quá đề cao cái tôi cá nhân. Sau lần con nhún nhường kết bạn trên facebook và gửi tin nhắn hỏi thăm, giờ hai anh em đã trở nên thân thiết, thường xuyên động viên, chia sẻ...

Chuyện con kể như thức tỉnh chị. Có một thực tế không bao giờ thay đổi, mẹ chồng đã sinh ra người đàn ông mang lại hạnh phúc cho đời chị. Chị nhớ lần mang thai đầu tiên bị dọa sảy, dù trời mưa rét cắt da cắt thịt, mẹ chồng vẫn dậy từ 2 giờ sáng băng qua cánh đồng sang nhà bà lang ở huyện bên cắt thuốc an thai về giục con trai sắc cho vợ uống.

Rồi cái lần chị bị ngã xe sưng tím tay chân, dù đã gói bọc, cất giữ cẩn thận, bà vẫn mang chút mật gấu mới được em gái cho để chị xoa bóp cho mau khỏi...

Chị mở lòng với mẹ chồng bằng những buổi trò chuyện, tâm tình. Dần dà, chị còn bóp chân, bóp tay, xoa lưng cho bà. Những khúc mắc như được tháo gỡ. Lòng chị nhẹ nhõm hơn. Ánh mắt mẹ chồng cũng lấp lánh những niềm vui. Không khí trong ngôi nhà đang ấm dần lên.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm