Hoài Ân (Bình Định): Dự án 8 huy động được nam giới cùng tham gia nhiều hoạt động của Hội

N.Minh
21/08/2024 - 18:12
Hoài Ân (Bình Định): Dự án 8 huy động được nam giới cùng tham gia nhiều hoạt động của Hội

Tập huấn nâng cao kỹ năng truyền thông cho thành viên tổ truyền thông cộng đồng ở huyện Hoài Ân

"Qua 2 năm triển khai Dự án 8, trên địa bàn 3 xã vùng cao của huyện Hoài Ân đã có bước chuyển biến mạnh mẽ từ nhận thức đến hành động. Không chỉ phụ nữ dân tộc thiểu số tự tin hơn mà còn huy động được nam giới cùng tham gia tất cả các hoạt động của phụ nữ", chị Bùi Thị Thanh Hoa, Chủ tịch Hội LHPN huyện Hoài Ân (tỉnh Bình Định) cho biết.

Chủ tịch Hội LHPN huyện Hoài Ân Bùi Thị Thanh Hoa đã có những chia sẻ với Báo Phụ nữ Việt Nam về những kết quả nổi bật của Dự án 8 tại địa phương:

Chị có thể cho biết phụ nữ người dân tộc thiểu số ở huyện Hoài Ân chiếm bao nhiêu phần trăm và cuộc sống của họ còn có những khó khăn, hạn chế gì?

- Phụ nữ người dân tộc thiểu số (dân tộc Bana, H'rê) trên địa bàn huyện Hoài Ân chiếm 12,62%. Ở đây còn tồn tại nhiều hạn chế: Trình độ nhận thức chưa đồng đều; vấn đề bất bình đẳng giới, tảo hôn, bạo lực gia đình vẫn còn xảy ra. Một số phụ nữ chưa mạnh dạn vươn lên trong học tập và phát triển kinh tế. Họ chưa phát huy hết nội lực, tiềm năng, thế mạnh của mình. Đại bộ phận phụ nữ trình độ học vấn rất thấp. 

Cuộc sống của chị em chủ yếu là làm nông nghiệp. Việc tiếp thu các kiến thức để áp dụng vào trồng trọt chăn nuôi còn nhiều hạn chế. Việc làm chủ yếu là thời vụ, vì vậy thu nhập không cao. Tập quán canh tác của bà con còn theo lối cũ, chưa cải tiến nhiều.

Hoài Ân (Bình Định): Nhờ Dự án 8, huy động được nam giới cùng tham gia vào nhiều hoạt động- Ảnh 1.

Hoạt động truyền thông cho phụ nữ dân tộc thiểu số

Xin chị chia sẻ một số kết quả nổi bật của Dự án 8 tại địa phương? Việc triển khai Dự án 8 đã làm thay đổi cuộc sống của người dân tộc thiểu số ở huyện Hoài Ân thế nào?

- Dự án 8 đã nâng cao nhận thức trong cộng đồng về giới và bình đẳng giới; thay đổi "nếp nghĩ, cách làm", góp phần xóa bỏ các định kiến và khuôn mẫu giới trong gia đình và cộng đồng, những tập tục có hại và giải quyết một số vấn đề xã hội cấp thiết cho phụ nữ và trẻ em tại 3 xã miền núi. Hầu hết các đối tượng thụ hưởng từ Dự án đều tham gia tích cực và đồng tình cao trong các hoạt động triển khai Dự án. Bước đầu Dự án đã đem lại hiệu quả tích cực, bộ mặt nông thôn miền núi có nhiều khởi sắc. Đời sống vật chất và tinh thần của người dân ngày càng được nâng lên. 

Đồng bào dân tộc thiểu số luôn phát huy truyền thống đoàn kết, bình đẳng giữa các dân tộc, tích cực lao động sản xuất, phát triển kinh tế hộ gia đình, phát huy vai trò của người có uy tín, đẩy mạnh phong trào "Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc", gắn với Chương trình xây dựng nông thôn mới, góp phần giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ở địa phương.

Hoài Ân (Bình Định): Nhờ Dự án 8, huy động được nam giới cùng tham gia vào nhiều hoạt động- Ảnh 2.

Nhờ Dự án 8 đã huy động được nhiều nam giới tham gia vào các hoạt động của phụ nữ

Đối với phụ nữ dân tộc thiểu số nơi đây đã có sự thay đổi như thế nào, thưa chị?

- Qua 2 năm triển khai Dự án 8 trên địa bàn 3 xã vùng cao của huyện Hoài Ân có thể nói rằng bước chuyển biến mạnh mẽ từ nhận thức cho đến hành động như: Về trang phục đẹp hơn, chỉn chu hơn khi đi họp hoặc tham gia các hoạt động. Chị em tự tin tham gia vào các hoạt động của địa phương và mạnh dạn tham gia đóng góp ý kiến vào các cuộc họp của thôn và các cuộc tiếp xúc cử tri, các buổi sinh hoạt định kỳ của chi Hội phụ nữ thôn...

Vui mừng nhất là sự chuyển biến tích cực của nam giới. Họ tích cực tham gia vào các cuộc thi về bình đẳng giới, đóng vai trong các tiểu phẩm, sẵn sàng lên tiếng để bảo vệ quyền lợi cho chị em và trẻ em gái. Đặc biệt, sau các kỳ sinh hoạt và tuyên truyền, nhiều người chồng đã tự nguyện chia sẻ công việc bếp núc, công việc nhà với vợ, cùng chăm sóc con. Chúng tôi đã huy động được nam giới cùng tham gia vào tất cả các hoạt động của phụ nữ. 

Hoài Ân (Bình Định): Nhờ Dự án 8, huy động được nam giới cùng tham gia vào nhiều hoạt động- Ảnh 3.

Dự án 8 đã giúp phụ nữ dân tộc thiểu số tự tin, mạnh dạn hơn

Từ kinh nghiệm của địa phương, theo chị, cần làm gì để duy trì tính bền vững của các mô hình của dự án 8?

- Từ thực tiễn có thể thấy rằng Dự án 8 "Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em" là cần thiết với giai đoạn hiện nay. Dự án đã tạo điều kiện để chị em tiếp cận các vấn đề, tự tin hơn trong ứng xử, trong giao tiếp, biết cách sắp xếp công việc gia đình để tham gia các hoạt động; Tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống giảm đáng kể ...

Theo tôi, để duy trì tính bền vững của các mô hình theo định hướng của Dự án 8, rất cần sự quan tâm, tạo điều kiện của các cấp, các ngành phù hợp với từng giai đoạn. Bên cạnh đó, với việc triển khai Dự án 10 năm, tôi tin rằng với cách làm mưa dầm thấm lâu này, các mô hình đã thành lập và thành lập trong thời giai tới sẽ được phát huy và mang lại hiệu quả. Từ đó, chị em phụ nữ vùng cao có thể khẳng định vị trí, vai trò của mình trong thời kỳ đổi mới của đất nước.

Xin cảm ơn chị!

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm