pnvnonline@phunuvietnam.vn
Hoàn thành hỗ trợ gần 13 triệu lao động từ nguồn Quỹ bảo hiểm thất nghiệp
Thực hiện thủ tục liên quan chính sách hỗ trợ từ quỹ Bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động. Ảnh BHXH Việt Nam
Thực hiện Nghị quyết 116/NQ-CP triển khai chính sách hỗ trợ từ quỹ Bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động và chủ sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID-19, tính đến ngày 30/12/2021, Bảo hiểm Xã hội Việt Nam đã chi hỗ trợ cho 12.941.196 người lao động với số tiền khoảng 30,73 nghìn tỷ đồng.
Trong đó, TPHCM là địa bàn có số người được hỗ trợ lớn nhất (2,38 triệu người); tiếp đó là Hà Nội (1,68 triệu người); Bình Dương (1,06 triệu người)…
Như vậy, chỉ trong vòng 3 tháng, BHXH Việt Nam đã hoàn thành triển khai chính sách hỗ trợ rất nhân văn này.
Để làm được điều này, ông Lê Hùng Sơn, Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam, cho biết: Nhận thức được tầm quan trọng của chính sách, nên ngay trong ngày Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định 28 (ngày 1/10/2021), BHXH Việt Nam đã tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn Ngành để triển khai thực hiện tới BHXH cấp huyện.
Bên cạnh việc chỉ đạo và hướng dẫn các địa phương thực hiện, từ khâu rà soát, gửi danh sách cho đơn vị sử dụng lao động cho đến khâu chi hỗ trợ cho người lao động, BHXH Việt Nam đã rút ngắn thời hạn thực hiện xuống 1/2 so với quy định. Cụ thể, giảm còn 5 ngày làm việc đối với trường hợp có thông tin đúng, đủ và còn 10 ngày làm việc đối với trường hợp có điều chỉnh thông tin hưởng hỗ trợ.
Đặc biệt, trên cơ sở dữ liệu có sẵn, BHXH các địa phương đã nhanh chóng xác định được số đơn vị giảm đóng, số tiền được giảm đóng vào quỹ BH thất nghiệp. Đồng thời, sau 5 ngày triển khai, BHXH các địa phương đã hoàn thành rà soát và gửi danh sách người lao động thuộc đối tượng hỗ trợ đến 348 nghìn đơn vị, tương ứng hơn 10 triệu người lao động, đạt 99% số đơn vị và số người lao động thuộc diện hỗ trợ.
Ông Lê Hùng Sơn nhấn mạnh: Toàn Ngành đã thể hiện tinh thần chủ động cao nhất, không có độ trễ trong triển khai thực hiện chính sách. Cạnh đó, hệ thống dữ liệu của Ngành đã phát huy hiệu quả, khi trong khoảng một tuần, cơ quan BHXH đã thực hiện xong việc thông báo giảm đóng đến các chủ sử dụng lao động và gửi danh sách người lao động thuộc diện được nhận hỗ trợ để rà soát thông tin.
Bên cạnh đó, các kênh giao dịch điện tử của cơ quan BHXH với người lao động, doanh nghiệp cũng đem lại nhiều hiệu quả. Đáng chú ý, việc giao dịch qua Cổng dịch vụ công quốc gia, Cổng dịch vụ công BHXH Việt Nam và qua ứng dụng VssID đã giúp người lao động có thể liên hệ với cơ quan BHXH địa phương gần nhất để làm thủ tục và nhận được hỗ trợ nhanh nhất, mà không phân biệt địa giới hành chính. Điều quan trọng đó là, thông qua các công cụ này, đã giúp hạn chế rất nhiều việc tiếp xúc trực tiếp, qua đó ngăn ngừa đáng kể nguy cơ lây nhiễm COVID-19.
Theo ông Lê Hùng Sơn, sự nỗ lực, cố gắng của toàn Ngành trước yêu cầu nhiệm vụ đột xuất và đã hoàn thành trong khoảng thời gian ngắn là điều cần được nhấn mạnh. Bên cạnh đó là những khó khăn về điều kiện làm việc trong tình hình dịch bệnh phức tạp, một số địa bàn phải thực hiện giãn cách xã hội hoặc cách ly… Trong bối cảnh đó, cơ quan BHXH ở cơ sở đã phải hết sức cố gắng, không nề hà, quản ngại khó khăn, linh hoạt bố trí nhân sự, triển khai làm thêm giờ, làm đêm, làm cả ngày nghỉ, ngày lễ… để đảm bảo tiến độ công việc được giao, chi trả kinh phí hỗ trợ đúng vào thời điểm người lao động cần được chia sẻ nhất.