Học và làm theo Bác với niềm tin, khát vọng cống hiến

Nhóm PV (ghi)
19/05/2025 - 07:00
Học và làm theo Bác với niềm tin, khát vọng cống hiến

Chị Đinh Thị Khiêm, Bí thư Chi bộ kiêm Trưởng thôn Đắk Mế, xã Pờ Y, huyện Ngọc Hồi, tỉnh Kon Tum

Dù thuộc những thế hệ khác nhau, theo đuổi ước mơ, lý tưởng riêng nhưng với họ, tấm gương đạo đức và phong cách Chủ tịch Hồ Chí Minh mãi là ngọn đuốc soi đường, thổi bùng khát vọng cống hiến cho quê hương đất nước.

Bà Trần Thị Ngà, 87 tuổi, cựu văn công thuộc Đoàn Văn công Tổng cục Chính trị, Bộ Quốc phòng: "Nghĩ về Bác lòng ta trong sáng hơn"

Năm 1953, tôi cùng đơn vị là Đoàn Văn công Tổng cục Chính trị nhận lệnh lên đường tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ, nhạc sĩ Đỗ Nhuận làm Trưởng đoàn. Tại đây, tôi cùng đồng đội tổ chức biểu diễn văn nghệ cổ vũ tinh thần chiến sĩ, tham gia chăm sóc thương bệnh binh, san lấp làm đường... 

Sau chiến thắng Điện Biên Phủ năm 1954, Đoàn Văn công Tổng cục Chính trị của chúng tôi cùng toàn quân trở về tiếp quản Thủ đô.

Lần đầu tiên, tôi được gặp Bác Hồ là khi theo Đoàn Văn công về ATK Thái Nguyên phục vụ hội nghị ký Hiệp định Giơnevơ. Mải mê đứng ở cánh gà nhìn xuống chỗ Bác ngồi, chúng tôi quên mất đến tiết mục của mình. 

Bận ấy, chúng tôi bị anh Đỗ Nhuận phê bình nhưng… cho qua vì niềm vui được gặp Bác quá lớn… 

Học và làm theo Bác với niềm tin, khát vọng cống hiến- Ảnh 1.

Bà Trần Thị Ngà

Sau đó, tôi có 8 năm (1961-1969) phục vụ tại Phủ Chủ tịch. Nhiệm vụ của tôi, chị Linh Nhâm, chị Tường Vy và một số anh chị khác khi đó là đọc sách báo và tài liệu cho Bác nghe; mang hoa tặng các đoàn khách quốc tế đến thăm Phủ Chủ tịch, biểu diễn văn nghệ mỗi khi Bác tiếp khách ngoại giao… 

Trong số những người được lựa chọn, tôi thấp bé nhất nên được Bác đặt biệt danh là "cô bé hạt mít". Đến bây giờ, mỗi khi nhớ lại biệt danh Bác đặt cho mình, tôi lại thấy vui và ấm áp vô cùng.

Trong thời gian phục vụ ở Phủ Chủ tịch, tôi càng hiểu hơn về Bác. Với tôi, Bác Hồ vĩ đại không chỉ ở trí tuệ, tài thao lược quân sự - chính trị, Anh hùng - danh nhân văn hóa thế giới mà còn ở những phẩm chất giản dị đời thường. Bác luôn trân trọng mọi người, mọi nghề. 

Ngày trước, nhiều người vẫn coi nghề văn công là "xướng ca vô loài", khiến tôi và đồng nghiệp nhiều khi không khỏi chạnh lòng. Nhưng ở gần Bác, tôi càng hiểu hơn sức mạnh của lời ca, tiếng hát trong việc động viên, tiếp thêm sức mạnh cho bộ đội trên chiến trường. 

Mỗi lần trò chuyện, Bác đều ân cần hỏi thăm về cuộc sống, tâm tư của chúng tôi. Bác ân cần nhưng nghiêm khắc trong công việc. Khi chúng tôi trò chuyện, hay đọc sách báo cho Bác nghe mà thấy việc dùng từ trong bài không chính xác, hoặc dùng từ vay mượn là Bác sẽ nhắc nhở ngay. 

Có lần, Bác bảo tôi: "Cháu ra cầm cho Bác tờ báo vẽ". Tôi đứng bần thần chốc lát trước chồng báo vì không biết "tờ báo vẽ" mà Bác nói đến là tờ nào. Tôi thấy có 1 tờ họa báo Liên Xô ở đó, tôi mạnh dạn mang vào cho Bác. Tôi mừng vì mình đã lấy đúng tờ Bác yêu cầu và tôi cũng nhận ra rằng, Bác dùng từ thuần Việt - báo vẽ - thay vì từ "họa báo". 

Bác nhắc nhở chúng tôi luôn phải giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt; dùng từ thuần Việt để người nghe dễ nhớ, dễ hiểu. Sau này, tôi luôn ghi nhớ điều ấy.

Một lần, tôi được Bác cho đi thăm một đơn vị đèn biển. Khi về, Bác hỏi tôi ở đó cuộc sống bộ đội thế nào. Tôi kể với Bác rằng, cuộc sống tinh thần của anh em thiếu thốn, hiếm sách báo để đọc; cả đơn vị chỉ có một chiếc đài bán dẫn nên bộ đội thiếu thông tin. 

Không ngờ 2 tuần sau đó, tôi nhận được điện thoại của đồng chí phụ trách điểm đèn biển thông báo rằng, đơn vị vô cùng vui sướng vì nhận được món quà của Bác là 1 chiếc đài bán dẫn mới. Nghĩ rằng tôi đã báo cáo Bác tình hình của đơn vị nên mọi người gửi lời cảm ơn tôi. 

Tôi đã kể lại cho anh phụ trách đơn vị câu chuyện Bác chủ động hỏi tôi về tình hình của anh em ở đơn vị. Chúng tôi đều lặng đi, rưng rưng vì cảm động.

Một lần khác, khi ấy tôi đã chuyển công tác từ Đoàn văn công sang Điện ảnh Quân đội nhân dân, trong cuộc trò chuyện, Bác hỏi tôi: "Lương bé được bao nhiêu". Tôi thưa: "Thưa Bác, lương con được 83 đồng". Bác bảo: "Thế thì gần bằng lương Bác rồi. Lương Bác được 200 đồng". 

Về nhà, càng nghĩ tôi càng trăn trở vì Bác đứng đầu Nhà nước, công việc gấp trăm ngàn lần tôi mà Bác chỉ nhận mức lương 200 đồng. Ở cơ quan, tôi mới chuyển công tác sang mà lương còn cao hơn nhiều đồng nghiệp đã có nhiều năm cống hiến cho Điện ảnh Quân đội. 

Thế là tôi quyết định làm đơn xin… hạ lương xuống. Mức lương của tôi sau đó là hơn 30 đồng/tháng. Và 14 năm sau, tôi mới được tăng lương. Dù vậy, tôi không hề hối tiếc hay ân hận về quyết định của mình.

Sau này, trong cuộc sống và công tác, mỗi lần nhớ đến Bác, tôi luôn tự dặn mình phải sống sao cho xứng đáng với tình yêu thương vô bờ của Bác. Cả cuộc đời, tôi đã sống và cống hiến cho công việc theo tinh thần "còn sức còn cống hiến". 

Tôi luôn cảm ơn cuộc đời vì đã cho tôi có những năm tháng được ở gần Bác. Tôi nghiệm thấy, đúng như lời một bài hát, ấy là "nghĩ về Bác lòng ta trong sáng hơn".

Chị Đinh Thị Khiêm, Bí thư Chi bộ kiêm Trưởng thôn Đắk Mế, xã Pờ Y, huyện Ngọc Hồi, tỉnh Kon Tum: Gương mẫu đi đầu trong phát triển kinh tế

Dù là trên cương vị Bí thư Chi bộ kiêm Trưởng thôn hiện tại, hay Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ thôn trước đây, tôi luôn tâm niệm, để bà con nghe theo và làm theo mình thì trước tiên, mình phải gương mẫu. 

Muốn bà con thoát nghèo thì mình phải làm gương, chăm chỉ tăng gia sản xuất phát triển kinh tế và học hỏi những điều tiên tiến. Thế nên ngoài thời gian tham gia công tác xã hội, tôi và gia đình tích cực phát triển kinh tế gia đình.

Phụ nữ ở thôn Đắk Mế, xã Pờ Y, huyện Ngọc Hồi, tỉnh Kon Tum còn nhiều lạc hậu, chưa phát triển. 

Tôi nghĩ rằng, mình cần cụ thể hóa việc học và làm theo gương Bác Hồ bằng cách phát huy vai trò, trách nhiệm của cá nhân nhằm góp phần thúc đẩy, hỗ trợ người dân, phụ nữ thay đổi nếp nghĩ, cách làm, phát triển kinh tế, thoát nghèo, từng bước vươn lên làm giàu, xây dựng gia đình ấm no, hạnh phúc… chính là hành động thiết thực trong học và làm theo gương Bác.

Chị Hoàng Ngọc Diệp, sinh viên ĐH Ngoại thương (Hà Nội): Trở thành người có ích chính là hành động thiết thực học và làm theo gương Bác

Học và làm theo Bác với niềm tin, khát vọng cống hiến- Ảnh 2.

Chị Hoàng Ngọc Diệp

Sinh ra trong thời đại công nghệ bùng nổ, hầu hết "Gen Z" đều được tiếp xúc với công nghệ từ nhỏ. Nhiều người cho rằng, thế hệ Z lớn lên trong bối cảnh đất nước phát triển, được ăn sung mặc sướng, tư duy mở và phóng khoáng nên ít quan tâm đến các vấn đề thời sự - chính trị. Nhưng thực tế không phải thế.

Em nghĩ rằng, thời nào người Việt Nam cũng đều mang tinh thần yêu nước và tự hào dân tộc mạnh mẽ; chỉ có điều, cách thể hiện của mỗi thế hệ là khác nhau. Trong nhóm người trẻ đầy sức sống và lòng nhiệt huyết, chúng em vẫn luôn nêu cao tinh thần tự lực, tự hào dân tộc. 

Hưởng ứng việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, chúng em cụ thể hóa hành động của mình bằng cách nêu cao tinh thần học hỏi, vươn lên, trở thành công dân toàn cầu, công dân của "thế giới phẳng". 

Thế hệ trẻ hiện nay khát khao chinh phục chân trời tri thức, tìm kiếm cơ hội phát triển bản thân, làm giàu cho gia đình, đất nước. Em nghĩ rằng, không nhất thiết phải nói ra "tôi hứa học tập và làm theo gương Bác" mà việc có ý thức trở thành người có ích, đóng góp vào sự thịnh vượng của đất nước, ấy chính là học và làm theo gương Bác Hồ.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm