Hội LHPN tỉnh Bắc Ninh: Nỗ lực hỗ trợ hội viên vừa chống dịch, vừa phát triển kinh tế

An Khê - Ảnh: Hội LHPN tỉnh Bắc Ninh
16/07/2021 - 17:00
Hội LHPN tỉnh Bắc Ninh: Nỗ lực hỗ trợ hội viên vừa chống dịch, vừa phát triển kinh tế

Đại diện lãnh đạo Hội LHPN tỉnh Bắc Ninh tặng quà cho Hội LHPN huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh

Sau khi Bắc Ninh xuất hiện các ca lây nhiễm Covid-19 và có chiều hướng phức tạp, với phương châm “đi trước một bước”, Hội LHPN tỉnh Bắc Ninh đã năng động, sáng tạo thực hiện tốt nhiệm vụ vừa tham gia phòng, chống dịch, vừa tập trung phát triển, phục hồi kinh tế.

Không để hội viên lao đao vì dịch

Bắc Ninh: Nỗ lực hỗ trợ hội viên thực hiện “mục tiêu kép” - Ảnh 2.

Lãnh đạo Hội LHPN thành phố Bắc Ninh và phường Vũ Ninh trao tặng ủng hộ quỹ vắc xin

Trong thời gian vừa qua, dịch bệnh Covid-19 đã ảnh hưởng rất lớn đến mọi mặt trong đời sống của các gia đình, đặc biệt ảnh hưởng nghiêm trọng đến kinh tế hộ gia đình, hội viên và lao động nữ.

Khi phải "vật lộn" trong bối cảnh dịch bệnh, các hộ chăn nuôi, sản xuất nông nghiệp, lực lượng tham gia sản xuất nông nghiệp của tỉnh Bắc Ninh đã không tránh khỏi những ngày "lao đao" vì dịch, mà lực lượng này lại chủ yếu là lao động nữ. Nông sản đến kỳ thu hoạch gặp khó khăn trong khâu tiêu thụ, vướng mắc về đầu ra dẫn đến thu nhập giảm sút, có những hộ không thu hồi được vốn đầu tư mua cây, con giống… đã tạo nên những khó khăn cho đời sống gia đình hội viên.

Không chỉ ảnh hưởng đến các cá nhân, hộ gia đình, các hộ kinh doanh cá thể, đặc biệt là các hộ kinh doanh dịch vụ ăn uống, giải trí… đã phải tạm dừng hoạt động trong khi vẫn phải thuê mặt bằng kinh doanh, hỗ trợ một phần cho nhân công lao động trong thời gian nghỉ việc do dịch bệnh; hàng hóa không bán được do giao thương đình trệ, một số chợ trên địa bàn tạm ngừng hoạt động dẫn đến thu nhập của hộ gia đình bấp bênh, giảm sút trầm trọng.

Là địa bàn có nhiều khu công nghiệp, nhiều gia đình công nhân lao động đã rơi vào hoàn cảnh khó khăn khi có những giai đoạn phải tạm nghỉ việc, nghỉ việc luân phiên hoặc thay nhau nghỉ việc để chăm con (do các trường học đóng cửa), giờ làm việc bị giảm nên thu nhập của hộ gia đình cũng đi xuống. Vì vậy, các cấp hội phụ nữ tỉnh Bắc Ninh đã phải vào cuộc ngay từ khi có ca bệnh đầu tiên, đi trước, đón đầu trong việc giúp hội viên khắc phục khó khăn, ổn định đời sống, phục hồi và phát triển kinh tế.

Sức mạnh của mô hình "Phụ nữ giúp nhau làm kinh tế"

Chia sẻ về cách làm hay, đổi mới để đối phó với dịch bệnh, phục hồi và phát triển kinh tế của các cấp hội phụ nữ tỉnh Bắc Ninh, bà Trần Thị Vân – Chủ tịch Hội LHPN tỉnh Bắc Ninh cho biết, trước tình hình dịch Covid-19 diễn ra, các cấp Hội LHPN trong tỉnh đã tuyên truyền, vận động các tổ chức, cá nhân, quyên góp, ủng hộ người dân tại các tâm điểm dịch bệnh và các lực lượng tuyến đầu chống dịch với tổng giá trị 10.612.065.000đ gồm 3.566.200.000đ tiền mặt và hiện vật như: khẩu trang y tế, nước rửa tay sát khuẩn, gạo, mỳ tôm, rau củ quả, trứng…

Bắc Ninh: Nỗ lực hỗ trợ hội viên thực hiện “mục tiêu kép” - Ảnh 3.

Hội LHPN tỉnh Bắc Ninh tổ chức hỗ trợ, kết nối tiêu thụ nông sản cho bà con nông dân trên địa bàn

Phát huy phong trào phụ nữ giúp nhau phát triển kinh tế, trong 6 tháng đầu năm có 4.789 chị kinh tế khá giúp 936 chị khó khăn bằng hình thức cho vay tiền, vàng, con giống, vật tư nông nghiệp... với tổng trị giá thành tiền là hơn 6.694.630.000 đồng. Từ nguồn vốn vay qua tổ chức Hội kết hợp với các nguồn khác, nhiều chị em đã mạnh dạn đầu tư mở rộng sản xuất kinh doanh, chuyển dịch cơ cấu kinh tế sang mô hình trang trại, VAC... phát triển kinh tế, nâng cao đời sống gia đình, vượt qua khó khăn trong giai đoạn dịch Covid-19 diễn biến phức tạp.

Cùng với đó, Hội tiếp tục tuyên truyền, vận động hội viên phụ nữ tham gia tiết kiệm, tạo lập nguồn vốn tại chi/tổ và gắn với thực hiện an sinh xã hội thông qua nhiều hình thức như duy trì các mô hình tiết kiệm theo chi/tổ, vận động tiết kiệm tại ngân hàng, tự tiết kiệm hàng ngày... Đến tháng 7/2021 có 69.480 hội viên tham gia tiết kiệm với số dư nợ 143.698.530.000 đồng.

Khi dịch Covid-19 diễn ra vào thời điểm thu hoạch nhiều loại rau, củ, quả đã khiến cho việc thu hoạch và tiêu thụ nông sản gặp nhiều khó khăn. Phát huy vai trò của tổ chức hội, chung tay cùng cả hệ thống chính trị đồng hành cùng hội viên, phụ nữ và người dân, Hội cũng tổ chức nhiều hoạt động hỗ trợ các gia đình hội viên như: gặt lúa, thu hoạch rau màu giúp các các gia đình trong diện cách ly; Tổ chức hỗ trợ, kết nối tiêu thụ nông sản cho bà con nông dân, đặt mục tiêu trước tiên phải tiêu thụ sản phẩm các sản phẩm ngay trong địa phương mình. Đến nay, các cấp hội đã hỗ trợ tiêu thụ nông sản được 115,2 tấn dưa hấu, dưa lê, dưa chuột; 5,8 tấn ổi và 1,5 tấn vải thiều, điển hình ở các huyện Lương Tài, Quế Võ, TP. Bắc Ninh, Từ Sơn.

Bà Trần Thị Vân cũng cho biết, trong kế hoạch phục hồi và phát triển kinh tế trong giai đoạn tiếp theo, tỉnh Hội sẽ tiếp tục khai thác các nguồn vốn vay tín chấp với các ngân hàng, tạo điều kiện cho các gia đình hội viên phụ nữ vay vốn phát triển sản xuất, kinh doanh. Đối với các dự án gặp khó khăn khi đến hạn, tỉnh Hội sẽ phối hợp nghiên cứu, xem xét để có ý kiến can thiệp với phía ngân hàng đề ra phương án giải quyết hợp lý như: gia hạn hoặc cho vay tiếp…

Với điểm mạnh là "Phụ nữ hỗ trợ nhau làm kinh tế", các cấp Hội sẽ tiếp tục duy trì, phát huy phong trào giúp nhau tại chỗ cho chị em vay vốn không lấy lãi; hỗ trợ giống cây trồng, vật nuôi… để các gia đình tiếp tục các hoạt động sản xuất, kinh doanh; đồng thời tiếp tục đẩy mạnh giải ngân nguồn vốn "Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp" và nhân rộng mô hình "Tổ phụ nữ liên kết, hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp".

* Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm