Hồi sinh 8 bệnh nhân trong một ngày nhờ ghép tạng kịp thời

Anh Đào
10/01/2024 - 17:15
Hồi sinh 8 bệnh nhân trong một ngày nhờ ghép tạng kịp thời

Khoảng 100 y, bác sĩ đã được huy động để tiến hành lấy mô, tạng từ hai bệnh nhân chết não, giúp hồi sinh cuộc đời cho 8 người. Ảnh BVCC

Hơn 100 bác sĩ, nhân viên y tế Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức đã chạy đua với thời gian để thực hiện ghép tạng từ người hiến đã chết não. Trong vòng 1 ngày, các y bác sĩ đã tiến hành ghép tạng hồi sinh 8 bệnh nhân.
Theo thông tin từ Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức, chỉ trong 2 ngày 3 và 4/1/2024, các y bác sĩ của bệnh viện đã thực hiện thành công 2 ca lấy đa mô, tạng từ người cho chết não trong vòng 24 giờ. Đây chính là điểm nhấn vô cùng ý nghĩa đầu năm 2024, đem đến hy vọng về cuộc sống mới cho hàng nghìn bệnh nhân chờ ghép tạng.

Chạy đua trong ghép tạng để cứu bệnh nhân

Được biết, những ngày cuối năm 2023, Đơn vị Tư vấn và Điều phối Ghép tạng tại Trung tâm Ghép tạng, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức có nhận được thông tin từ phòng khám Cấp cứu về 02 trường hợp bệnh nhân chấn thương sọ não nặng. Đơn vị này đã nhanh chóng có cuộc gặp mặt và chia sẻ kịp thời với gia đình của 02 bệnh nhân N. (25 tuổi, Thái Nguyên) và P.V.G (32 tuổi, Phú Thọ). Hai bệnh nhân đều bị tai nạn giao thông và được Trung tâm y tế tuyến dưới chuyển đến Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức trong tình trạng chấn thương sọ não rất nặng, hôn mê sâu. Sau khi nghe bác sĩ giải thích về tình trạng của bệnh nhân, gia đình cả 2 bệnh nhân rất đau lòng, đặc biệt gia đình bệnh nhân P.V.G ban đầu đã xin đưa bệnh nhân về nhà. 

Tuy nhiên sau đó, khi được đề cập đến việc hiến, mô tạng sau khi chết não, gia đình 02 bệnh nhân thấu hiểu việc hiến tạng có thể cứu sống nhiều cuộc đời khác nên đã quyết định đồng ý hiến mô, tạng.

Sau khi điều trị và hồi sức tích cực, các y bác sĩ đã cố gắng hết sức tìm cơ hội sống cuối cùng cho 2 bệnh nhân nhưng đều không qua khỏi. 

Ban Giám đốc Bệnh viện chỉ đạo ca ghép với sự tham gia của nhiều đơn vị chuyên môn như: Trung tâm Ghép tạng, Trung tâm Tim mạch và Lồng ngực, Trung tâm Gây mê Hồi sức ngoại khoa, khoa Giải phẫu bệnh cùng các khoa – phòng – ban liên quan khác. 

Bệnh nhân được đưa lên phòng mổ và trước khi tiến hành lấy mô, tạng; đội ngũ y bác sĩ và nhân viên y tế có buổi lễ mặc niệm, cảm ơn bệnh nhân đã hiến mô, tạng của mình để cứu chữa những bệnh nhân khác.

Hồi sinh 8 bệnh nhân trong một ngày nhờ ghép tạng kịp thời- Ảnh 1.

Các bác sĩ Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức đang tiến hành ghép tạng cho bệnh nhân. Ảnh BVCC

Hai cuộc đại phẫu được tiến hành liên tiếp trong các ngày 3 và 4/01/2024. Tạng và mô hiến của 02 bệnh nhân bao gồm: 02 tim, 02 gan, 04 thận, 02 tĩnh mạch chủ chậu, 02 khí quản, 04 giác mạc, 11 đoạn gân.
Cùng lúc đó, bệnh nhân nhận cũng đang được chuẩn bị để tiến hành ghép tạng. Tất cả những diễn biễn trong khi phẫu thuật đều được thực hiện đúng theo quy trình.
Trung tâm Điều phối Quốc gia về ghép bộ phận cơ thể người đã nhanh chóng điều phối 02 giác mạc, 01 gan sang Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 và 02 giác mạc sang Bệnh viện Mắt trung ương để kịp thời hồi sinh nhiều cuộc đời mới.

Từ tạng hiến của bệnh nhân N. (25 tuổi, Thái Nguyên) và P.V.G (32 tuổi, Phú Thọ) đã hồi sinh cho 08 người. Trong đó, có 02 bệnh nhận được ghép tim, 02 bệnh nhân được ghép gan và 04 bệnh nhân được ghép thận.

Theo Trung tâm Điều phối ghép tạng Quốc gia, tại Việt Nam, tỷ lệ sống trên 5 năm của các ca ghép tim là 70%, 30% người bệnh đạt ngưỡng quanh 10 năm và lâu nhất hiện nay là gần 13 năm.

Ông Dương Đức Hùng, Giám đốc Bệnh viện Hữu nghị Việt - Đức cho biết, hiện, sức khỏe của 8 bệnh nhân được ghép tạng đã ổn định.

Trong các ca ghép, có một trường hợp đặc biệt là bé gái 8 tuổi nặng 18 kg. Trẻ được phát hiện bệnh cơ tim giãn, được điều trị nội khoa nhiều đợt vì suy tim. Vào tháng 6/2023, trẻ được chỉ định ghép tim. Trước đó, anh trai của bệnh nhi cũng đã được ghép tim và là bệnh nhân nhỏ tuổi nhất Việt Nam được ghép tim lúc bấy giờ.

Chia sẻ về vấn đề tương thích khi em bé nhận tim từ người lớn, ông Dương Đức Hùng cho biết, đây cũng là một thách thức. Bệnh viện đã phải điều chỉnh quả tim ghép sao cho tương thích nhất với bé. Điều may mắn là tới nay, trẻ hoàn toàn tỉnh táo, chức năng tim tốt.
Hồi sinh 8 bệnh nhân trong một ngày nhờ ghép tạng kịp thời- Ảnh 2.

Các bác sĩ, nhân viên y tế họp sau ca phẫu thuật thành công. Ảnh BVCC

 Chinh phục nhiều ca ghép tạng khó 

Theo Trung tâm Điều phối quốc gia về ghép bộ phận cơ thể người, hiện nước ta có hàng chục nghìn người đang cần ghép mô, tạng để duy trì sự sống, song chưa thể thực hiện được vì không có đủ nguồn mô, tạng để ghép.

Phẫu thuật ghép tạng tại Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức được bắt đầu từ năm 2002 với ca ghép thận đầu tiên từ người hiến khỏe mạnh. Đến năm 2007 bệnh viện đã thực hiện thành công lần đầu tiên tại Việt Nam trường hợp ghép gan cho người lớn. Từ năm 2010, bệnh viện đã triển khai kỹ thuật lấy đa tạng từ người cho chết não để ghép cho các bệnh nhân nhận tim, nhận gan, nhận thận và nhận phổi, trở thành trung tâm hàng đầu của cả nước trong lĩnh vực ghép tim, ghép phổi, ghép gan…

Năm 2019, lần đầu tiên Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức thực hiện lấy và ghép cùng lúc 6 tạng cho 5 bệnh nhân, gồm: 2 phổi, 1 tim, 1 gan, 2 thận. Cả 5 bệnh nhân sau ghép tạng đều có tiến triển thuận lợi.

Vào năm 2020, lần đầu tiên trong 13 ngày, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức đã ghép thành công 23 tạng. Trong số này có 8 thận từ người cho sống và 15 tạng (tim, gan, thận) từ người cho chết não. Hiện tại, tất cả các bệnh nhân được ghép tạng sức khỏe đều tiến triển tốt. Đây cũng là lần đầu tiên Trung tâm Tim mạch và lồng ngực, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức thực hiện ghép tim từ người hiến chết não cho 2 bệnh nhân trong 2 ngày liên tiếp.

Ngày 24/2/2023, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức công bố ca ghép đa tạng tim - thận thành công đầu tiên tại Việt Nam. Diễn biến sau mổ tuy khá nặng nề, cả về chức năng tim ghép cũng như thận ghép, tuy nhiên sau ghép, các chức năng của tim và thận của bệnh nhân đã phục hồi gần như bình thường.

Dù đi sau thế giới gần 40 năm nhưng đến nay, trình độ ghép tạng của Việt Nam đã ngang bằng nhiều nước, thậm chí tỷ lệ sống sau ghép tạng ở Việt Nam còn cao hơn và chi phí rẻ hơn so với nhiều quốc gia khác. Ghép mô, tạng là một trong những thành tựu quan trọng của ngành y tế trong việc chữa bệnh, đặc biệt đối với các bệnh nhân mắc bệnh mạn tính, hiểm nghèo do các mô, tạng bị suy giảm chức năng và không hồi phục được như: suy thận mãn, gan, tim, tuỷ, hỏng giác mạc... 

Việc thực hiện thành công các ca ghép tạng từ người cho chết não mở ra cơ hội có cuộc đời mới cho nhiều bệnh nhân đồng thời thúc đẩy sự phát triển ghép tạng của ngành Y tế Việt Nam.

Tính từ thời điểm năm 2010 đến nay, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức đã thực hiện được 59 ca ghép Tim, 88 ca ghép Gan, 185 ca ghép Thận và nhiều ca ghép mô khác. Một con số thống kê khác được đưa ra tại Hội nghị Ghép tạng châu Á được tổ chức tại Seoul Hàn Quốc cuối năm 2023 cho thấy, đến thời điểm này, Việt Nam đã ghép tạng được gần 8000 trường hợp ở 25 trung tâm trên cả nước, trong đó có hơn 7000 ca ghép thận, 500 trường hợp ghép gan. Trong số ghép thận hầu hết là lấy từ người cho sống và đối với ghép gan có tới 80% là từ người cho sống.


Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm