pnvnonline@phunuvietnam.vn
Hồi sinh "vùng đất dữ"

Diện mạo mới của Lóng Luông (nay là xã Vân Hồ, tỉnh Sơn La)
"Điểm nóng" một thời
Trong trí nhớ của những người dân địa phương, Lóng Luông (nay là xã Vân Hồ) vào những năm 80-90 của thế kỷ trước là vùng đất của cây thuốc phiện và của những tên trùm tội phạm ma túy.
Ông Giàng A Dê, nguyên Chủ tịch UBND xã Lóng Luông, nhớ lại: "Thời ấy, cây thuốc phiện rất có giá nên hầu như nhà nào cũng trồng. Trồng ở đồi không đủ, họ mang cả hạt giống vào trồng tại các thung lũng núi đá". Việc hút thuốc phiện trở thành một thói quen của nhiều người, từ người già đến thanh niên, nhiều phụ nữ cũng dùng thuốc phiện.
Năm 1993, khi Nhà nước phát động phong trào xóa bỏ cây thuốc phiện, mặc dù đồng tình với chủ trương này nhưng không ít người vẫn lén lút mang hạt thuốc phiện vào núi sâu để trồng và thu hoạch.
Ngoài cây thuốc phiện, nơi đây còn phải đối mặt với tình hình buôn bán, tàng trữ và trung chuyển ma túy phức tạp. Tuy nhiên, với sự vào cuộc tích cực của lực lượng chức năng nên những "điểm nóng" về ma túy lần lượt bị dẹp tan, trả lại sự bình yên cho xã vùng cao này.
Góp sức cho sự đổi thay
Chị Sồng Thị Chao (40 tuổi, trú tại bản Tà Dê) có chồng từng lầm lỡ, phải đi tù vì liên quan đến ma túy. Ba mẹ con chị phải nương tựa vào nhau trải qua những tháng ngày cơ cực. Nhờ sự giúp đỡ của cộng đồng và sự hỗ trợ của chính quyền, các đoàn thể ở địa phương, chị Chao đã tăng gia sản xuất, trồng trọt và có cuộc sống ổn định hơn.

Bà Giàng Thị Ganh, nguyên Chủ tịch Hội LHPN xã Lóng Luông (cũ)
"Tôi luôn nhắc nhở các con không được vi phạm pháp luật, không dính dáng đến ma túy mà phải chăm chỉ học hành, làm ăn để có cuộc sống đầy đủ hơn", chị Chao bộc bạch.
Hiện nay, đời sống của người dân nơi đây đã có những đổi thay rõ rệt. Thay thế cho những đồi cây thuốc phiện trước kia là những vườn cây ăn quả, cây hoa đa sắc màu, "khoác áo mới" cho vùng đất đang "thay da đổi thịt" này.
Chính quyền địa phương đã tích cực thực hiện nhiều mô hình kinh tế, tạo sinh kế mới cho người dân. Trong đó, trọng tâm là chuyển đổi cây trồng từ lúa, ngô sang chuyên canh cây chanh leo, đậu đỗ, đặc biệt là trồng đào, trồng mận.
Đến nay, toàn xã có 33 ha chanh leo và 400 ha đào. Diện tích trồng đào lớn và hiện tại người dân chủ yếu bán gốc, bán cành phục vụ Tết Nguyên đán. Chính quyền địa phương cũng có định hướng kết hợp trồng cây đào với phát triển du lịch sinh thái để đạt được hiệu quả kinh tế cao hơn.
Không chỉ dừng lại ở phát triển kinh tế, đời sống vật chất, tinh thần của người dân ngày càng được nâng cao. Điều quan trọng là ý thức của người dân về việc phòng, chống ma túy và tuân thủ pháp luật đã được cải thiện đáng kể.
Trong hành trình ấy, không thể không kể đến những đóng góp của Hội LHPN địa phương. Bà Giàng Thị Ganh, nguyên Chủ tịch Hội LHPN xã Lóng Luông, chia sẻ, để giúp người dân đoạn tuyệt với cây thuốc phiện cũng như phòng, chống ma túy, tại các buổi gặp mặt, cán bộ Hội thường xuyên tuyên truyền, phổ biến về những tác hại của cây thuốc phiện, những hậu quả mà người dân phải gánh chịu khi phạm tội liên quan đến ma túy.
Câu chuyện về Lóng Luông đã cho thấy, với sự vào cuộc quyết liệt của chính quyền, sự đồng lòng của người dân và những định hướng phát triển đúng đắn, vùng đất "dữ" đã "hồi sinh", khoác lên mình một diện mạo mới.