Hơn 12 triệu lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác được vay vốn

Xuân Anh
15/06/2021 - 14:00
Hơn 12 triệu lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác được vay vốn

Hơn 5 năm thực hiện Chỉ thị 40, đến nay đã có hơn 12 triệu lượt hộ được vay vốn chính sách

Đây là một trong số rất nhiều kết quả Ngân hàng Chính sách xã hội đạt được sau hơn 5 năm thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW, cho thấy hiệu quả của tín dụng chính sách xã hội trong việc thực hiện mục tiêu giảm nghèo, giải quyết việc làm, xây dựng nông thôn mới, bảo đảm an sinh xã hội, an ninh, chính trị của địa phương.

Ngày 10/6/2021, Ban Bí thư Trung ương Đảng đã ban hành Kết luận số 06-KL/TW về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội.

Kể từ khi ban hành vào ngày 22/12/2014 đến nay, Chỉ thị số 40-CT/TW, ngày 22/11/2014 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội (gọi tắt là Chỉ thị 40) đã thể hiện chủ trương nhất quán của Đảng, Nhà nước trong việc phát triển kinh tế gắn với thực hiện mục tiêu giảm nghèo, bảo đảm an sinh xã hội, phát triển kinh tế thị trường, định hướng xã hội chủ nghĩa.

Tín dụng chính sách xã hội đã phản ánh được thực tiễn, nguyện vọng của nhân dân, trở thành nguồn lực quan trọng chăm lo cho các đối tượng yếu thế trong xã hội, không để ai trong số họ bị bỏ lại phía sau, thu hẹp khoảng cách giàu nghèo giữa các vùng miền trên cả nước.

Chỉ thị 40 đưa công cuộc giảm nghèo đi vào thực chất 

Qua hơn 5 năm triển khai thực hiện Chỉ thị 40, với quyết tâm cao trong lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp uỷ, tổ chức đảng; sự vào cuộc đồng bộ, kịp thời của cả hệ thống chính trị và triển khai tích cực của Ngân hàng Chính sách xã hội, công tác tín dụng chính sách xã hội đã đạt được nhiều kết quả quan trọng; đã huy động được hàng trăm nghìn tỉ đồng, đáp ứng nhu cầu vay vốn của đông đảo người nghèo và các đối tượng chính sách ở 100% xã, phường, thị trấn của cả nước, góp phần tạo việc làm, giảm nghèo bền vững, hỗ trợ các đối tượng chính sách xã hội, những người có hoàn cảnh khó khăn và xây dựng nông thôn mới.

Hơn 12 triệu lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác được vay vốn  - Ảnh 1.

Hơn 5 năm thực hiện Chỉ thị 40, đến nay đã có hơn 12 triệu lượt hộ được vay vốn chính sách

Cụ thể, đã có hơn 12 triệu lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác được vay vốn tại Ngân hàng Chính sách xã hội; góp phần giúp hơn 2,1 triệu hộ vượt qua ngưỡng nghèo; thu hút, tạo việc làm cho hơn 1,3 triệu lao động; giúp hơn 24 nghìn lao động thuộc gia đình chính sách được vay vốn đi lao động có thời hạn ở nước ngoài; gần 346 nghìn học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn học tập; xây dựng hơn 7,3 triệu công trình nước sạch và vệ sinh môi trường ở nông thôn, gần 142 nghìn căn nhà cho hộ nghèo và các hộ gia đình chính sách...

Mô hình tổ chức và phương thức hoạt động của Ngân hàng Chính sách xã hội được hoàn thiện, phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ mới; xây dựng được phương thức cho vay uỷ thác tín dụng chính sách xã hội hiệu quả, phát huy được vai trò và sự tham gia tích cực của cả hệ thống chính trị trong công tác tín dụng chính sách xã hội, giúp đỡ, khuyến khích các đối tượng chính sách xã hội vươn lên thoát nghèo, từng bước làm giàu chính đáng.

5 năm thực hiện Chỉ thị số 40 đi vào cuộc sống, không phải là một thời gian dài; song những kết quả bước đầu triển khai Chỉ thị này minh chứng cho một quyết sách đúng đắn của Đảng, trực tiếp giải quyết những vấn đề nội tại khi triển khai tín dụng chính sách xã hội, không những vậy còn tạo bước đột phá kết nối sức mạnh của cả hệ thống chính trị cùng Ngân hàng Chính sách xã hội hỗ trợ những đối tượng yếu thế xoay chuyển đói nghèo, làm tô đậm thêm tính nhân văn của chính sách tín dụng xã hội riêng có mà Đảng, Nhà nước Việt Nam dành cho người nghèo, để không ai trong số họ bị bỏ lại phía sau.

Kết quả trên đã khẳng định, đây là chủ trương đúng đắn, sáng tạo, có tính nhân văn sâu sắc, góp phần quan trọng thực hiện các chủ trương, chính sách, mục tiêu, nhiệm vụ của Đảng, Nhà nước về tăng trưởng kinh tế đi đôi với thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội, là yêu cầu có tính nguyên tắc bảo đảm sự phát triển lành mạnh, bền vững của đất nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa, thể hiện tính ưu việt của chế độ ta, được các tổ chức quốc tế đánh giá cao.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm