Hơn 21% thủ phạm xâm hại tình dục trẻ em ở Việt Nam là người thân trong gia đình

18/04/2019 - 10:45
Thống kê số các ca can thiệp, hỗ trợ trẻ em bị xâm hại tình dục thông qua Tổng đài điện thoại quốc gia bảo vệ trẻ em 111, cho thấy con số đáng lo ngại: Có tới gần 60% thủ phạm là hàng xóm, người quen; hơn 21% số vụ thủ phạm là người thân trong gia đình.

Sáng nay, 18/4, Bộ LĐ-TB&XH tổ chức Hôi thảo xây dựng kế hoạch hành động quốc gia phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em. Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Nguyễn Thị Hà cho biết: Chính phủ Việt Nam đã cam kết giải quyết vấn đề bạo lực, xâm hại trẻ em thông qua ban hành hệ thống pháp luật, chính sách nhằm phòng ngừa và chấm dứt bạo lực, xâm hại trẻ em.

Hệ thống các văn bản pháp luật liên quan tới trẻ em hiện nay khá đầy đủ; công tác bảo vệ trẻ em, phòng chống bạo lực, xâm hại trẻ em vẫn còn những khó khăn tồn tại. Theo bà Nguyễn Thị Hà, trung bình mỗi năm vẫn có khoảng 2.000 trẻ em bị bạo lực, bị xâm hại cần được hỗ trợ, can thiệp. Tính chất của các vụ việc bạo lực, xâm hại trẻ em có chiều hướng diễn biến phức tạp, nghiêm trọng. Trẻ em bị bạo lực, xâm hại với nhiều độ tuổi, xảy ra ngay trong môi trường gia đình hoặc trường học, do nhiều đối tượng gây ra, trong đó có cả chính người thân trong gia đình, giáo viên và bạn bè trong trường học.

 

xam-hai-tre-em.jpg
Ảnh minh họa

 

Quy định pháp luật, chính sách cụ thể liên quan đến bảo vệ trẻ em, phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em vẫn đang trong quá trình rà soát, nghiên cứu, kiến nghị hoàn thiện. Bà Nguyễn Thị Hà nêu ví dụ: Quy định và hướng dẫn về việc xác định các dấu hiệu cụ thể để định tội về tội dâm ô đối với người dưới 16 tuổi còn chưa cụ thể, rõ ràng; các quy định pháp lý về một quy trình tố tụng thân thiện, có sự phối hợp chặt chẽ, đồng bộ giữa các cơ quan tư pháp với các cơ quan, tổ chức cung cấp dịch vụ bảo vệ trẻ em bắt đầu từ giám định pháp y cho đến xét xử, phục hồi, hòa nhập đối với trẻ em tham gia quá trình tư pháp chưa cụ thể, chậm được sửa đổi, bổ sung.

Công tác giám sát, phản biện xã hội đối với việc thực thi pháp luật, chính sách về bảo vệ trẻ em chưa quyết liệt, chưa kịp thời và chưa thường xuyên nên những vấn đề nóng về trẻ em, trong đó có bạo lực, xâm hại tình dục trẻ em, chưa được các thành viên của tổ chức, cộng đồng dân cư quan tâm, phát hiện và chung tay giải quyết…

 

day-tre-tu-bao-ve.jpg
Hướng dẫn, giáo dục trẻ em các biện pháp tự bảo vệ bản thân

 

Bạo lực, xâm hại trẻ em ngày càng diễn biến phức tạp và xảy ra ở những nơi tưởng như an toàn nhất cho trẻ em. Theo UNICEF, ở Việt Nam, 68,4% trẻ em từng bị cha mẹ, người chăm sóc bạo lực tại nhà, xếp thứ 27 trên 75 quốc gia.

Bà Nguyễn Thị Nga, Phó cục trưởng Cục Trẻ em (Bộ LĐ-TB&XH), cho biết: Bạo lực học đường diễn ra ngày càng nhiều, học sinh đánh nhau trong và ngoài trường học, thầy cô giáo có hành vi bạo lực đối với học sinh. Có nhiều vụ việc bạo lực, xâm hại trẻ em xảy ra nghiêm trọng gây bức xúc trong dư luận.

Trong số các ca can thiệp, hỗ trợ trẻ em bị xâm hại tình dục thông qua Tổng đài điện thoại quốc gia bảo vệ trẻ em - Tổng đại số 111, cho thấy những con số thực sự đáng lo ngại. Cụ thể:

- Năm 2017 và 2018, trẻ em bị xâm hại tình dục bởi người quen, hàng xóm là 59,06%. 

- Trẻ bị xâm hại tình dục bởi người thân trong gia đình, thậm chí là bố đẻ, bố dượng, anh, em họ... cũng lên tới 21,12%.

- Giáo viên, nhân viên nhà trường xâm hại trẻ em chiếm 6,03%; các đối tượng khác là 13,79%.

Theo bà Nguyễn Thị Nga, nguyên nhân của tình trạng xâm hại trẻ em có chiều hướng gia tăng, nghiêm trọng bởi xã hội có sự thay đổi nhanh, tình trạng bất bình đẳng giới, bất bình đẳng về kinh tế và tình trạng nghèo đói còn nặng nề.

Đặc biệt, các quan niệm, văn hóa “ủng hộ bạo lực/xâm hại”, như tình trạng vợ không tố cáo chồng xâm hại tình dục con đẻ/con riêng; sử dụng bạo lực như một phương pháp giáo dục cả ở nhà trường và gia đình ”yêu cho roi cho vọt”. Bên cạnh đó phương pháp hòa giải, thương lượng tự giải quyết; che giấu vì thành tích của nhà trường, của địa phương... đã góp phần làm gia tăng tình trạng xâm hại trẻ em, đặc biệt là xâm hại tình dục gây bức xúc trong dư luận thời gian qua.

Tại hội thảo, các đại biểu cùng các chuyên gia quốc tế chia sẻ kinh nghiệm về phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em ở khu vực và quốc tế; thảo luận về cơ chế thúc đẩy, tăng cường phối hợp giữa các ngành, các cấp trong công tác phòng ngừa, ngăn chặn có hiệu quả tình trạng bạo lực, xâm hại trẻ em; đề xuất và bàn các giải pháp mang tính đột phá tháo gỡ các khó khăn, thách thức hiện nay trong công tác phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em để đáp ứng yêu cầu của công tác phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em trong tình hình mới.

Theo báo cáo của Bộ Công an, ở Việt Nam, năm 2018 cả nước xảy ra 1.547 vụ xâm hại trẻ em, với 1.669 đối tượng, xâm hại 1.579 em. Trong đó có tới 1.293 em bị xâm hại tình dục.

Trong năm 2017, có tới 1.592 vụ, bắt giữ 1.757 đối tượng, và có 1.642 trẻ em bị xâm hại. Trong đó có 1.397 em bị xâm hại tình dục.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm