Hơn 3.000 nạn nhân bị mua bán, trong đó 90% là phụ nữ, trẻ em

13/11/2018 - 19:43
“Tội phạm mua bán người xảy ra ở 63 tỉnh/thành với 3.090 nạn nhân, trong đó còn 519 nạn nhân chưa trở về. Ngoài ra, có 868 phụ nữ vắng mặt lâu ngày ở địa phương và hàng nghìn người đang ở nước ngoài chưa có điều kiện xác minh, xác định họ có phải là nạn nhân hay không”, bà Phạm Thị Thanh Thủy, đoàn Đại biểu Quốc hội Thanh Hóa, cho biết.
Trong phiên thảo luận của Quốc hội về "Báo cáo của Chính phủ về công tác phòng chống tội phạm và vi phạm pháp luật năm 2018" chiều ngày 13/11, bà Phạm Thị Thanh Thủy, đoàn Đại biểu Quốc hội Thanh Hóa, cho biết, từ báo cáo của các ngành chức năng và thực tiễn, có 5 vấn đề đặt ra.
 
Theo báo cáo của Bộ Công an, giai đoạn 2012 - 2017, tội phạm mua bán người xảy ra ở 63 tỉnh/thành với 3.090 nạn nhân, trong đó còn 519 nạn nhân chưa trở về. Ngoài ra, có 868 phụ nữ vắng mặt lâu ngày ở địa phương và hàng nghìn người đang ở nước ngoài chưa có điều kiện xác minh, xác định họ có phải là nạn nhân hay không. Bà Thủy cho rằng, con số này trên thực tế còn lớn hơn nhiều, bởi việc xác định nạn nhân rất khó khăn do nạn nhân và gia đình không muốn hoặc chậm báo cơ quan chức năng.
 
Nạn nhân bị mua bán chủ yếu là phụ nữ và trẻ em (chiếm 90%) thường tập trung ở vùng nông thôn, miền núi, nhất là vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới. Nguyên nhân chủ yếu khiến nạn nhân rơi vào cạm bẫy của tội phạm mua bán người là do đời sống kinh tế còn nghèo khó, trình độ dân trí thấp, thiếu hiểu biết.
thuy.jpg
Đại biểu Quốc hội Phạm Thị Thanh Thủy, Chủ tịch Hội LHPN tỉnh Thanh Hóa
 

Báo cáo của Ủy ban Tư pháp cho thấy, 37,2% các nạn nhân bị buôn bán do gặp những chuyện éo le về tình cảm gia đình, trình độ học vấn thấp; 6,8% các cô gái trẻ học sinh, sinh viên thiếu kỹ năng sống, thiếu hiểu biết xã hội, thích thụ hưởng, ăn chơi, đua đòi, thiếu cảnh giác… Trong khi đó, việc giáo dục đạo đức và truyền thống văn hóa ở một số gia đình, nhà trường và cộng đồng xã hội còn hạn chế; nền tảng đạo đức xã hội, nhân cách của một bộ phận dân cư bị lung lay, sa vào lối sống vật chất, xem thường đạo lý, bất chấp pháp luật,… Đây là một trong những nguyên nhân dẫn đến tội phạm mua bán người ngày càng tăng cao.

 

Hơn nữa, công tác tuyên truyền về phòng chống mua bán người chưa thực sự hiệu quả, chưa đến được với người dân tại cơ sở. Mặt khác, do sự khác biệt về trình độ, ngôn ngữ của đồng bào vùng dân tộc ít người, trong khi cơ quan chức năng vẫn áp dụng các hình thức tuyên truyền thiếu linh hoạt, nặng về tổ chức hội nghị, phổ biến, phát tài liệu, tờ rơi bằng tiếng phổ thông khiến việc tiếp cận thông tin của người dân còn hạn chế.
 
Trong khi đó, quản lý nhà nước, quản lý xã hội ở một số lĩnh vực còn bất cập, sơ hở để tội phạm lợi dụng hoạt động. Các đối tượng phạm tội lợi dụng chính sách mở, thông thoáng trong thủ tục xuất nhập cảnh, việc cấp hộ chiếu công dân và giấy thông hành qua biên giới thuận lợi, một số nước miễn thị thực nên các đối tượng nước ngoài vào Việt Nam câu kết với đối tượng cò mồi, môi giới tổ chức nhiều vụ đưa người trái phép ra nước ngoài dưới dạng du lịch, thăm thân, lao động trái phép. Đặc biệt, chúng thu giữ giấy tờ, hộ chiếu, không làm các thủ tục cư trú, bắt lao động cưỡng bức và lạm dụng tình dục, ép buộc lấy dân bản địa.
57a84f922e7fb6a09900076b.jpg
Bộ đội Biên phòng tỉnh Lai Châu bàn giao cháu Phàn Lở Mẩy (2 tuổi) cho gia đình. Cháu bé này bị các đối tượng người Trung Quốc bắt cóc. Ảnh: Trần Hoàng Anh
 
 
Giải pháp giảm thiểu tình trạng mua bán người         
 
Để giảm thiểu tình trạng mua bán người, theo bà Thủy cần phát động phong trào toàn dân đấu tranh, tham gia phòng chống tội phạm mua bán người; đổi mới công tác tuyên truyền theo hướng các cơ quan thông tấn báo chí tăng cường xây dựng mới chuyên trang, chuyên mục, tin bài bằng cả tiếng phổ thông và tiếng dân tộc ít người; truyền thông trực tiếp tại các phiên chợ vùng cao, trường học để truyền tải các thông điệp về phòng, chống mua bán người, nhằm giúp người dân nâng cao nhận thức, chủ động phòng ngừa tội phạm.
 
anh_lnh_gui_a-14_58_15_252.jpg
Bộ đội biên phòng tuyên truyền tại chợ phiên vùng cao để truyền tải các thông điệp về phòng, chống mua bán người. Ảnh minh họa

Cơ quan chức năng tăng cường đấu tranh với các phương thức, thủ đoạn mới ngày càng tinh vi, xảo quyệt của tội phạm; tăng cường công tác quản lý địa bàn dân cư, nhân khẩu, hộ khẩu; quản lý chặt chẽ hoạt động đưa người đi làm việc ở nước ngoài, tránh việc lợi dụng hoạt động này để mua bán người.

 

Tổ chức các hoạt động hỗ trợ nạn nhân tái hòa nhập cộng đồng, nhân rộng các mô hình hoạt động có hiệu quả, đặc biệt là mô hình Ngôi nhà bình yên, Trung tâm hỗ trợ nạn nhân bị mua bán của Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam; Chính phủ, các địa phương cần tiếp tục quan tâm dành nguồn lực để tổ chức triển khai các chương trình, đề án phát triển kinh tế, tạo việc làm, xóa mù chữ, phổ cập giáo dục và hỗ trợ xây dựng gia đình hạnh phúc, bền vững cho người dân, cho phụ nữ vùng nông thôn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số để họ có nền tảng tự bảo vệ, cảnh giác trước tội phạm mua bán người.
 
Tăng cường chỉ đạo của các cấp ủy đảng, điều hành của chính quyền, sự vào cuộc đồng bộ của Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội trong việc tuyên truyền, vận động, quản lý và hỗ trợ các hoạt động để các thành viên, hội viên tham gia phòng chống, ngăn chặn và tố giác tội phạm, làm trong sạch địa bàn.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm