pnvnonline@phunuvietnam.vn
Hơn 340 nghìn đơn vị sử dụng lao động được giảm đóng bảo hiểm thất nghiệp
Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh phát biểu khai mạc phiên họp. Ảnh: quochoi.vn
Riêng với chính sách hỗ trợ người bị ảnh hưởng bởi Covid-19, Thứ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Lê Văn Thanh cho biết: Việc triển khai chính sách theo quy định của Nghị quyết được người lao động, người sử dụng lao động đón nhận, đánh giá cao. Chính sách có độ bao phủ rộng, trực tiếp, thiết thực, kịp thời đối với người lao động, người sử dụng lao động tham gia bảo hiểm thất nghiệp.
Việc triển khai thực hiện chính sách minh bạch, khẩn trương, đúng đối tượng, đúng mục đích (trên 99% người lao động nhận tiền hỗ trợ qua tài khoản cá nhân), đảm bảo nguyên tắc hỗ trợ quy định tại Nghị quyết của Chính phủ và điều kiện quy định tại Quyết định của Thủ tướng Chính phủ.
Đến nay, việc xác định số giảm đóng cho các đơn vị sử dụng lao động thuộc đối tượng hỗ trợ và việc giải quyết hỗ trợ cho người lao động đang tham gia bảo hiểm thất nghiệp và người lao động đã dừng tham gia bảo hiểm thất nghiệp đề nghị hỗ trợ đã hoàn thành, tuân thủ các quy định tại Nghị quyết.
Theo Bộ LĐ-TB&XH, thực hiện các Nghị quyết, đã có 340.888 đơn vị sử dụng lao động được giảm đóng bảo hiểm thất nghiệp, tương ứng với 11.822.638 người lao động.
Tính đến hết ngày 07/9/2022, đã thực hiện chi trả hỗ trợ cho 13.261.552 lao động thuộc đối tượng hỗ trợ và có 33.470 người đang tham gia bảo hiểm thất nghiệp tự nguyện không nhận hỗ trợ.
Đưa ra ý kiến về vấn đề này, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Lâm Văn Đoan cho biết: Thường trực Ủy ban Xã hội cho rằng, việc tiếp nhận và xử lý hồ sơ đề nghị hỗ trợ của người lao động và người sử dụng lao động đã được thực hiện nhanh chóng, thủ tục nhanh gọn, tạo sự đồng thuận và củng cố niềm tin của người lao động vào chính sách bảo hiểm thất nghiệp, từ đó khuyến khích người lao động tham gia và chấp hành các quy định của pháp luật về chính sách bảo hiểm thất nghiệp.
Tuy nhiên, bên cạnh các địa phương triển khai nhanh chóng, kịp thời, một số địa phương vẫn còn thực hiện chậm, một bộ phận người lao động vẫn chưa được thực hiện chính sách hỗ trợ mặc dù đã hết thời hạn thực hiện theo quy định tại Nghị quyết số 03/2021/UBTVQH15 ngày 24/9/2021. Do đó đã làm mất đi tính cấp thiết, ý nghĩa của chính sách hỗ trợ đối với một số người lao động ở thời điểm gặp khó khăn, cần được hỗ trợ.
Ngoài ra, các chuyên gia cũng nêu một số bất cập trong triển khai thực hiện. Cụ thể, sau thời điểm hoàn thành việc hỗ trợ đối với người lao động, còn nhiều lao động thuộc đối tượng hỗ trợ đã nộp hồ sơ đề nghị hỗ trợ đúng thời hạn theo quy định tại Quyết định số 28/2021/QĐ-TTg nhưng chưa được chi trả, do số tiền chi trả hỗ trợ đã vượt mức kinh phí hỗ trợ theo Nghị quyết số 03/2021/UBTVQH15 ngày 24/9/2021 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Có ý kiến cho rằng, nguyên nhân của hạn chế này là do đánh giá tác động khi xây dựng chính sách còn hạn chế; trong quá trình xây dựng chính sách do các quy định về đơn vị sự nghiệp tự chủ rất phức tạp, nên khó xác định chính xác đối tượng được hưởng chính sách trong các đơn vị sự nghiệp.
Các đại biểu Quốc hội cũng cho rằng, việc xây dựng cơ sở dữ liệu, công nghệ thông tin là hết sức cần thiết, có ý nghĩa quan trọng trong công tác xây dựng chính sách, xác định đối tượng hỗ trợ, triển khai chính sách kịp thời. Vì vậy, cần quan tâm, tăng cường đầu tư vào công nghệ thông tin, quản lý dữ liệu lao động việc làm, bảo hiểm xã hội và bảo hiểm thất nghiệp, thúc đẩy công tác xây dựng các cơ sở dữ liệu để thực hiện công tác dự báo chính xác, nhanh và kịp thời.
Báo cáo kết quả thực hiện chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững, Bộ LĐ-TB&XH đã tổng hợp, công bố kết quả rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo đầu kỳ giai đoạn 2022-2025 trên phạm vi toàn quốc, cụ thể: Tỷ lệ nghèo đa chiều trên phạm vi toàn quốc là 9,35% (trong đó, tỷ lệ hộ nghèo là 5,2%, tỷ lệ hộ cận nghèo là 4,15%).
Ước kết quả thực hiện mục tiêu giảm nghèo năm 2022 theo chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2022-2025, cụ thể: Tỷ lệ nghèo đa chiều duy trì mức giảm 1-1,5%/năm; tỷ lệ hộ nghèo dân tộc thiểu số giảm trên 3%/năm; tỷ lệ hộ nghèo ở các huyện nghèo giảm từ 4-5%/năm.