pnvnonline@phunuvietnam.vn
Hơn 50 trai tráng thủ đô tham gia nghi lễ "Kéo co ngồi”
Lễ hội Đền Trấn Vũ (cụm Ngọc Trì, phường Thạch Bàn, quận Long Biên, Hà Nội) được tổ chức thường niên vào ngày mùng 3 tháng 3 âm lịch. Một trong những giá trị văn hóa độc đáo của Lễ hội Đền Trấn Vũ là nghi lễ "Kéo co ngồi" - tập quán xã hội, tín ngưỡng có từ lâu đời trong hội làng của người dân nơi đây.
Theo sử sách, nghi lễ "Kéo co ngồi" được tổ chức trong Lễ hội Đền Trấn Vũ vào ngày mùng 3 tháng 3 âm lịch hàng năm với 3 mạn tham gia: mạn Chợ, mạn Đường và mạn Đìa. Điểm độc đáo của nghi lễ này là các đội tham gia ngồi trên nền đất để kéo, người kéo co ngồi chân co chân duỗi và ngồi xen kẽ, người quay mặt bên này, người bên kia của dây. Thông qua trò chơi và nghi lễ "Kéo co ngồi", người dân cầu cho mưa thuận, gió hòa và mùa vụ bội thu.
Hơn 50 trai tráng tham gia nghi lễ "Kéo co ngồi" tại Lễ hội Đền Trấn Vũ năm 2024
Ngày 19/12/2014, nghi lễ "Kéo co ngồi" Đền Trấn Vũ được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia. Tháng 12/2015, Kéo co truyền thống châu Á đã được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại dưới tên "Nghi lễ và trò chơi kéo co", do 4 quốc gia: Campuchia, Hàn Quốc, Philippines và Việt Nam cùng đệ trình.
Theo hồ sơ đề nghị của Việt Nam, UNESCO công nhận "Nghi lễ và trò chơi kéo co" là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại cho 4 tỉnh, thành phố: Lào Cai, Vĩnh Phúc, Bắc Ninh, Hà Nội, trong đó có "Kéo co ngồi" Đền Trấn Vũ, phường Thạch Bàn (quận Long Biên, thành phố Hà Nội).
Đại diện Ban tổ chức Lễ hội Đền Trấn Vũ 2024 cho biết, việc tổ chức trình diễn nghi lễ "Kéo co ngồi" - Di sản Văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại tại Lễ hội nhằm đưa đến cho nhân dân, khách thập phương xa gần cùng chiêm ngưỡng nghi lễ cổ của ông cha, tái hiện lại nét văn hóa truyền thống đặc sắc.
Theo truyền thuyết, xưa kia vùng Ngọc Trì bị hạn hán nặng, có 12 cái giếng thì chỉ còn giếng thuộc xóm (gọi là mạn) Đìa còn nước. Trai mạn Đường, mạn Chợ xuống giếng mạn Đìa lấy nước bị trai mạn Đìa ngăn không cho lấy. Thời đó, nước gánh bằng quang làm từ dây song. Khi hai bên giằng co, sợ nước đổ nên ngồi xuống đất ôm lấy cả thùng nước. Hạn hán qua đi, nhớ lại tích ấy, các cụ nghĩ ra trò Kéo co ngồi để trình diễn trong hội làng, cầu cho mưa thuận, gió hòa.
Tiêu chuẩn để tuyển chọn người tham gia "Kéo co ngồi" là gia đình phải nền nếp, gia giáo, có 5 đời sinh sống ở làng trở lên. Trước khi thực hành kéo co, các mạn chuẩn bị lễ vật là mâm xôi, thủ lợn, hoa quả và tập trung trước sân đền Trấn Vũ lễ Thánh. Tiếp đó, các mạn nghe thể lệ thi đấu, bốc thăm và đại diện 3 đội lên nâng cây song 3 lần theo nghi lễ để mang song ra nơi kéo.
Mỗi đội kéo co từ 15, 17 hoặc 19 người tùy theo từng năm và có 1 Tổng cờ. Trai kéo co cởi trần, mặc quần ngắn, buộc thắt lưng đỏ, đầu chít khăn đỏ in tên từng mạn.