Nam “bảo thủ”, nữ “tự do” trong Gen Z

Gen Z đang phân tách thành 2 thế hệ

Việc phân chia xã hội thành các thế hệ là một phương pháp được sử dụng bởi nhiều chuyên gia khi nghiên cứu ý kiến của công chúng về một vấn đề bất kỳ. Theo cách hiểu này, thế hệ là tập hợp của tất cả những người cùng một lứa tuổi, được sinh ra và sống trong cùng một khoảng thời gian. Trong việc thăm dò ý kiến dư luận, các nhóm tuổi thường được xem là có cùng quan điểm, suy nghĩ về các vấn đề xã hội. Lý do là những người trong cùng một thế hệ lớn lên với những sự kiện mang tính định hình giống nhau, đạt được những cột mốc quan trọng trong cuộc sống vào cùng một thời điểm và tương tác, trò chuyện trong cùng một không gian.

Ở nhiều hệ thống phân loại, quan điểm của một người về các vấn đề chính trị, kinh tế, xã hội thường được phân loại là "bảo thủ" (conservative) hoặc "tự do" (liberal). Trong đó, những người theo hướng "bảo thủ" tin vào việc bảo tồn những giá trị đạo đức truyền thống, thận trọng hơn với các thay đổi, thường theo chính trị cánh hữu, còn những người theo hướng "tự do" tin vào sự thay đổi, ủng hộ cải cách, đảm bảo bình đẳng xã hội, thường theo chính trị cánh tả.

Thế nhưng, những báo cáo liên quan đến thế hệ Z (Generation Z, viết tắt: Gen Z, chỉ những người sinh từ cuối những năm 1990 đến đầu những năm 2000) lại cho thấy sự khác biệt về quan điểm giữa 2 giới. Theo đó, nam giới trẻ có quan điểm bảo thủ trong khi nữ giới trẻ có quan điểm cởi mở, tự do.

Theo Alice Evans, nghiên cứu sinh tại Đại học Stanford và là một trong những nhà nghiên cứu hàng đầu về chủ đề này, câu trả lời có thể là sự phân tách theo giới tính của nhóm những người dưới 30 tuổi. Ở nhiều quốc gia hiện nay, nữ giới trẻ nghiêng về phía tự do và nam giới trẻ nghiêng về phía bảo thủ.

Thế hệ Z thực chất là hai thế hệ, không phải một. Hàng chục triệu người sống cùng thành phố, chia sẻ cùng nơi làm việc, phòng học và thậm chí cả nhà cửa giờ đây không còn nhìn nhận thế giới theo cùng một cách.

Nam “bảo thủ”, nữ “tự do” trong Gen Z- Ảnh 1.

Biểu đồ về kết ủa khảo sát tại một số quốc gia cho thấy khoảng cách về quan điểm của nam và nữ trong Thế hệ Z.

Dữ liệu của Gallup, công ty tư vấn và phân tích đa quốc gia có trụ sở tại Thủ đô Washington, D.C., Mỹ, cho thấy; Sau nhiều thập kỷ nam và nữ tại Mỹ có sự thay đổi về quan điểm tương tự nhau, nữ giới từ 18 đến 30 tuổi hiện nay có xu hướng tự do hơn 30% so với nam giới cùng độ tuổi. Dữ liệu nghiên cứu cũng cho thấy, sự khác biệt này mới diễn ra trong khoảng 6 năm gần đây.

Số liệu tại Đức hiện cũng cho thấy khoảng cách 30% giữa nam giới trẻ ngày càng bảo thủ và nữ giới trẻ tự do, còn ở Anh, khoảng cách này là 25%. Ở Ba Lan vào năm 2023, gần 50% nam giới trẻ từ 18-21 tuổi ủng hộ đảng chính trị có xu hướng bảo thủ trong khi chỉ khoảng 16% nữ giới trẻ cùng độ tuổi có xu hướng tư tưởng này.

Sự phân tách này thậm chí còn rõ ràng hơn ở các quốc gia châu Á. Hàn Quốc hiện đã xuất hiện một "hố sâu" giữa nam và nữ trẻ. Tại Trung Quốc, hiện tượng tương tự cũng đang diễn ra, với tỷ lệ nữ giới ủng hộ bình đẳng giới toàn diện nhiều hơn đáng kể so với nam giới.

Ở châu Phi, số liệu khảo sát từ Tunisia cũng cho thấy những kết quả tương tự.

Đáng chú ý, ở mọi quốc gia, sự chia tách mạnh mẽ này chỉ xảy ra đối với thế hệ trẻ, hoặc trở nên rõ ràng hơn nhiều so với nhóm nam và nữ trên 30 tuổi.

Nam “bảo thủ”, nữ “tự do” trong Gen Z- Ảnh 2.

Một cuộc tuần hành hưởng ứng phong trào #MeToo phản đối bạo lực tình dục ở Los Angeles, Mỹ vào năm 2018. Ảnh: AP

Ảnh hưởng từ phong trào nữ quyền #MeToo

Một trong những yếu tố được cho là đóng vai trò quan trọng cho sự phân hoá này là phong trào #MeToo (tạm dịch: Tôi cũng vậy). Đây là một phong trào xã hội và chiến dịch nâng cao nhận thức có mục tiêu giúp chống lại lạm dụng tình dục và quấy rối tình dục, trong đó phụ nữ công khai những trải nghiệm bị lạm dụng và quấy rối của họ. Phong trào bắt đầu đạt được sự chú ý toàn cầu trên mạng xã hội vào năm 2017 và đã truyền đi những giá trị nữ quyền mạnh mẽ trong cộng đồng những người phụ nữ trẻ.

Trong giai đoạn cao điểm của phong trào #MeToo, thế hệ Z khi đó đang học trung học và đại học. Vì vậy sự kiện này đã có tác động sâu sắc, giúp định hình cách nhìn của những người trẻ, đặc biệt là phụ nữ trẻ, về thế giới. Một người phụ nữ 21 tuổi tại Mỹ khi nói về phong trào này cho biết: "Khi phong trào này ngập tràn trên mạng xã hội đã giúp tôi hình thành góc nhìn của tôi về việc hẹn hò và nam giới". Cô cho rằng phong trào đã giúp cô "sử dụng trải nghiệm của những người khác để có sự cảnh giác cao hơn. Một người phụ nữ 20 tuổi khác cũng suy nghĩ tương tự, cho rằng #MeToo đã trao quyền để cô dũng cảm lên tiếng hơn.

Có nhiều ý kiến cho rằng phong trào #MeToo đã tạo ra một tinh thần đoàn kết giữa các phụ nữ trẻ toàn cầu. Một cuộc khảo sát được thực hiện vào năm 2022 tại Mỹ cho thấy 2/3 nhóm nữ giới trẻ tin rằng, những gì xảy ra với phụ nữ nói chung sẽ ảnh hưởng đến cuộc sống riêng của chính họ. Tại Hàn Quốc, #MeToo còn được thể hiện mạnh mẽ hơn, qua phong trào 4B - "4 không": không hẹn hò, không tình dục, không đám cưới, không con cái.

Nam “bảo thủ”, nữ “tự do” trong Gen Z- Ảnh 3.

Yoon Ji-hye giơ bức ảnh cũ của cô tại khu mua sắm Myungdong ở Seoul, khi đó cô theo đuổi các chuẩn mực truyền thống đối với con gái như để tóc dài, mua sắm, trang điểm... Giờ đây, Yoon Ji-hye là một trong số ngày càng nhiều phụ nữ Hàn Quốc hưởng ứng phong trào 4B - "4 không": không hẹn hò, không tình dục, không đám cưới, không con cái để phản đối các chuẩn mực gia trưởng trong xã hội.

#MeToo tác động tới nam giới trẻ

Ngược lại, trong khi phụ nữ có xu hướng đoàn kết hơn, nhiều nam giới ở các thế hệ trẻ bắt đầu cảm thấy như xã hội đang quay lưng lại với họ. Theo viện nghiên cứu xã hội Pew (có trụ sở tại Mỹ), hiện nay, gần một nửa nam giới trẻ tin rằng họ phải đối mặt với ít nhất một số sự phân biệt đối xử. Bảy năm sau sự bùng nổ của #MeToo, sự khác biệt về thế giới quan theo giới tính vẫn tiếp tục duy trì.

Ở Mỹ, Anh và Đức, nữ giới trẻ hiện nay có quan điểm tự do hơn nhiều về nhập cư và bình đẳng chủng tộc so với nam giới trẻ, trong khi các nhóm tuổi lớn hơn vẫn giữ quan điểm cân bằng. Xu hướng ở hầu hết các quốc gia là nữ giới chuyển dịch về "cánh tả" (xu hướng cởi mở) trong khi nam giới đứng yên và đã có dấu hiệu cho thấy nam giới trẻ đang chuyển dịch về "cánh hữu" (xu hướng bảo thủ), như ở Đức. Quốc gia này có tỷ lệ người dưới 30 tuổi phản đối nhập cư nhiều hơn so với nhóm lớn tuổi.

Nam “bảo thủ”, nữ “tự do” trong Gen Z- Ảnh 4.

Những người biểu tình tham gia phong trào 4B - “4 không” tại Hàn Quốc. Thế hệ trẻ ở quốc gia này có một trong những sự phân hoá về quan điểm sâu sắc nhất giữa nam và nữ. Trong cuộc bầu cử tổng thống năm 2022, nam giới trẻ nghiêng mạnh về đảng Quyền lực Quốc dân cánh hữu, còn nữ giới trẻ thì ủng hộ đảng Dân chủ tự do. Ảnh: AFP

Theo các nhà nghiên cứu, không thể cho rằng đây chỉ là một hiện tượng nhất thời bởi khoảng cách về quan điểm hiện vẫn đang tiếp tục gia tăng giữa nam và nữ giới trẻ tuổi. Sự phổ biến của điện thoại thông minh và mạng xã hội sẽ làm trầm trọng hoá điều này. Lý do là mỗi giới sẽ tương tác tại những không gian riêng biệt trong cộng đồng của họ trên Internet.

Sự phân tách trong quan điểm những người trẻ tuổi có thể ảnh hưởng sâu sắc tới các thế hệ sau này và đem lại những tác động đối với chính trị, kinh tế, văn hoá, xã hội. Khoảng cách này khiến thế hệ trẻ ngày càng xa cách nhau hơn, dẫn đến một xã hội trong đó nam giới và nữ giới coi lợi ích của họ không tương hợp với nhau.