Mới đây, một nữ nhân viên (sinh năm 1990) quê ở Thái Bình, làm việc tại Hà Nội, bất ngờ đột tử sau giờ làm.
Theo cơ quan chức năng, khi vừa kết thúc ca làm, nạn nhân chuẩn bị ra về thì bất ngờ ngã gục xuống đất ngay trong cửa hàng. Thấy vậy, những nhân viên khác trong quán đưa nạn nhân đi cấp cứu. Tuy nhiên, bệnh nhân đã không qua khỏi. Qua điều tra, nạn nhân có tiền sử bị bệnh tim, mới đây mới đi điều trị về.
Theo cơ quan chức năng, khi vừa kết thúc ca làm, nạn nhân chuẩn bị ra về thì bất ngờ ngã gục xuống đất ngay trong cửa hàng. Thấy vậy, những nhân viên khác trong quán đưa nạn nhân đi cấp cứu. Tuy nhiên, bệnh nhân đã không qua khỏi. Qua điều tra, nạn nhân có tiền sử bị bệnh tim, mới đây mới đi điều trị về.
Các chuyên gia nhận định, có thể nạn nhân tử vong do đột quỵ.
Theo thống kê, trên thế giới mỗi năm có 17 triệu trường hợp đột quỵ. Trong đó có khoảng 6 triệu người tử vong, 5 triệu bệnh nhân sống sót với các di chứng gây tàn tật trong thời gian dài, thậm chí vĩnh viễn.
Ở Việt Nam ước tính mỗi năm có hơn 200.000 người bị đột quỵ và hơn 30% bệnh nhân trong số này tử vong. Nhiều trường hợp thoát khỏi "cửa tử”, phải sống chung với các di chứng về thần kinh và vận động.
Bác sĩ Nguyễn Huy Thắng, Phó Chủ tịch Hội Đột quỵ Việt Nam cho biết, tỷ lệ đột quỵ ở những người trẻ và trung niên đang gia tăng mạnh, chiếm khoảng 30% số ca đột quỵ. Trung bình, tỷ lệ đột quỵ ở người trẻ tuổi tăng 2%/năm, trong đó số nam giới cao gấp 4 lần nữ giới.
Theo bác sĩ Thắng, sở dĩ người trẻ bị đột quỵ ngày càng tăng là do các yếu tố nguy cơ liên quan đến lối sống hiện đại. Trước hết, do áp lực công việc, người trẻ bị căng thẳng, stress ngày càng nhiều, thúc đẩy nhiều tình trạng bệnh lý nguy hiểm, đặc biệt là đột quỵ.
Hơn nữa, người trẻ tuổi cũng ít vận động, lạm dụng bia rượu, thuốc lá, chất kích thích. Những yếu tố này làm tăng huyết áp, biến chứng thần kinh trung ương, tạo tiền đề xơ vữa động mạch dễ gây thiếu máu cục bộ khiến đột quỵ.
Bác sĩ Thắng cũng cho biết, những người bị mất ngủ nhiều cũng dễ bị đột quỵ. Trong khi đó, giới trẻ do áp lực của công việc, kinh tế, gia đình nên sẽ căng thẳng, mất ngủ. Nếu tình trạng mất ngủ kéo dài sẽ trở thành mạn tính, rất khó điều trị và là yếu tố nguy cơ gây đột quỵ.
Ngoài ra, giới trẻ thường chủ quan, cho rằng đột quỵ chỉ xảy ra ở người cao tuổi nên không dự phòng, tầm soát sớm và có thể bỏ qua các triệu chứng của đột quỵ để cấp cứu kịp thời. Đặc biệt, những căn bệnh như tăng huyết áp, béo phì, rối loạn mỡ máu, tiểu đường, xơ vữa động mạch… đang có xu hướng trẻ hóa do mất cân bằng dinh dưỡng, cũng dẫn đến nguy cơ gia tăng đột quỵ.