Hơn 9.000 doanh nghiệp tại TPHCM tạm ngưng hoạt động do dịch Covid-19

Đình Hưng
10/06/2021 - 15:01
Hơn 9.000 doanh nghiệp tại TPHCM tạm ngưng hoạt động do dịch Covid-19

Hơn 42.500 công nhân mất việc hoặc ngừng việc trong 5 tháng đầu năm tại TPHCM - Ảnh minh họa

Từ đầu năm đến nay, có tổng cộng 9.308 doanh nghiệp trên địa bàn TPHCM tạm ngưng hoạt động, hơn 42.500 công nhân mất việc hoặc ngừng việc.

Gặp khó trong vận chuyển liên tỉnh

Sáng 10/6, TPHCM tổ chức Hội nghị gặp gỡ trực tuyến giữa lãnh đạo thành phố và doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Tại hội nghị, ông Trần Lâm Hồng, Phó Tổng giám đốc Saigon Co.op cho biết, hiện nay mối lo lớn nhất đối với doanh nghiệp là nguy có các trường hợp F0, F1… vào mua sắm tại hệ thống siêu thị. Hiện nay, Saigon Co.op đã tạm ngưng đóng cửa 16 cửa hàng tại TPHCM.

Theo ông Hồng, trong khâu vận chuyển hàng hóa, Sở Giao thông Vận tải và Sở Công thương thành phố đã tháo gỡ những khó khăn trên địa bàn. Tuy nhiên, việc vận chuyển hàng hóa từ kho trung tâm đến các tỉnh thành gặp nhiều khó khăn do các quy định thiếu đồng bộ của các địa phương. Hiện tất cả các tài xế vận chuyển đều phải xét nghiệm Covid-19 âm tính. Tuy nhiên, kết quả này chỉ có giá trị trong 72 tiếng, dẫn đến việc thiếu tài xế, người đi cùng xe phục vụ.

Phó Tổng giám đốc Saigon Co.op đề xuất các sở ngành thành phố tham mưu quy trình, cho phép các cửa hàng được trở lại hoạt động sớm nhất trong thời gian quy định kịp thời phục vụ nhu cầu mua sắm, tiêu dùng của người dân. Đồng thời, trong trường hợp có kho phong tỏa thì cho phép có thời gian để giải phóng hàng, nhân viên được cách ly tại chỗ.

Hơn 9.000 doanh nghiệp tại TPHCM tạm ngưng hoạt động do dịch Covid-19 - Ảnh 1.

Đại diện doanh nghiệp chia sẻ tại hội nghị gặp gỡ trực tuyến giữa lãnh đạo thành phố và doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 - Ảnh: TTBC

Ông Nguyễn Đặng Hiến, Phó Chủ tịch Hội Lương thực thực phẩm TPHCM nhấn mạnh, hiện nay chí phí sản xuất tăng nhưng doanh nghiệp "không đủ dũng cảm" để tăng giá bán trong bối cảnh dịch Covid-19. Các doanh nghiệp lương thực thực phẩm hiện gặp rất nhiều khó khăn.

Theo ông Hiến, hiện tại một số địa phương, người lái xe vận chuyển hàng hóa từ TPHCM về phải có giấy xét nghiệm âm tính với Covid-19, có giá trị từ 24-72 tiếng, dẫn đến một tình huống cực kỳ khó khăn. Đề nghị thành phố làm sao tạo điều kiện cho hàng hóa của các doanh nghiệp được lưu thông thuận lợi đến các tỉnh thành. Đồng thời, kiến nghị thành phố hỗ trợ các vấn đề liên quan đến y tế, vệ sinh, nhất là với các doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Trong khi đó, ông Nguyễn Quốc Kỳ, Chủ tịch HĐQT Vietravel cho biết, hiện các công ty lữ hành đang phải dừng hoạt động, đây điều chưa từng có trong lịch sử ngành du lịch. Một bài toán đặt ra với doanh nghiệp là phải làm sao để giữ được người lao động trong hoàn cảnh không có nguồn thu, nhiều lao động phải ra ngoài. Đây là những người có kinh nghiệm, chất xám, phải đào tạo trong thời gian dài. Đối với Vietravel, số người lao động làm việc hiện chỉ còn 50 trên tổng số 1.750 người, còn lại là ở nhà.

Theo ông  Kỳ, các gói hỗ trợ của Chính phủ đa phần rất khó tiếp cận, cũng như nguồn vốn của ngân hàng, lãi suất cao. Bên cạnh đó, dù người lao động gặp khó khăn nhưng việc tiếp cận với nguồn hỗ trợ còn rất chậm. Do đó, ông Kỳ cho rằng cần xét lại cách thức triển khai việc chi trả tiền hỗ trợ cho người lao động, nên chăng thông qua doanh nghiệp để hỗ trợ cho người lao động một cách nhanh nhất.

Chủ tịch Vietravel cũng kiến nghị Nhà nước, Chính phủ có chính sách vay vốn với lãi suất 0 đồng cho du lịch - là một ngành kinh tế mũi nhọn, giảm giá thuê nhà đất đối với các cơ sở lưu trú.

Kiến nghị giảm thuế VAT từ 10% xuống 5%

Bà Lê Thị Huỳnh Mai, Giám đốc Sở Kế hoạch - Đầu tư TPHCM cho biết, với tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, doanh nghiệp đã bị ảnh hưởng nặng nề. Cụ thể, lao động sụt giảm, nguồn nguyên liệu phụ thuộc nhập khẩu khan hiếm, việc tiếp cận khách hàng bị ảnh hưởng, chuỗi cung ứng của nhiều doanh nghiệp bị gián đoạn, số lượng đơn hàng giảm và cắt đột ngột... Cùng với đó, người lao động cũng bị ảnh hưởng khi bị cắt giảm giờ làm buộc phải nghỉ việc, giãn việc, giảm thu nhập.

Theo bà Mai, thành phố sẽ tiếp tục đánh giá, rà soát, cập nhập khó khăn của doanh nghiệp, người lao động để có đề xuất, hỗ trợ kịp thời. Kiến nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ ngành nghiên cứu xem xét giảm thuế VAT từ 10% xuống 5% trong năm 2021, xem xét kéo dài giảm tiền thuê đất đối với doanh nghiệp du lịch 2021; xem xét tiếp tục gia hạn giảm phí thẩm định hồ sơ cấp phép kinh doanh lữ hành và cấp thẻ hướng dẫn viên du lịch đến hết năm 2021. Cho phép doanh nghiệp lữ hành được giảm 80% số tiền ký quỹ của doanh nghiệp trong thời gian 2 năm.

Hơn 9.000 doanh nghiệp tại TPHCM tạm ngưng hoạt động do dịch Covid-19 - Ảnh 2.

Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong phát biểu tại hội nghị - Ảnh: TTBC

Đối với lĩnh vực lao động, thương binh và xã hội, xem xét cho phép kéo dài thời gian tạm dừng đóng bảo hiểm hưu trí, tử tuất, lùi thời hạn đóng kinh phí công đoàn... Tăng mức trợ cấp thất nghiệp từ bằng 60% lên 80% mức bình quân tiền lương đóng bảo hiểm.

Ông Nguyễn Thành Phong - Chủ tịch UBND TPHCM cho biết, trong 5 tháng đầu năm, khi tình hình dịch bệnh cơ bản được kiểm soát tốt, thành phố đã ghi nhận những tín hiệu khởi sắc về kinh tế. Đáng tiếc, ngay từ khi đợt dịch thứ 4 bùng phát, kinh tế thành phố nói chung và cộng đồng doanh nghiệp nói riêng đang bị ảnh hưởng nặng nề.

Theo số liệu của sở Lao động -Thương binh và xã hội, từ đầu năm đến nay, trên địa bàn thành phố có 1.365 doanh nghiệp báo cáo gặp khó khăn do dịch Covid-19, hơn 42.500 công nhân mất việc hoặc ngừng việc, 410 doanh nghiệp có nhu cầu vay vốn để trả lượng cho công nhân, 2.274 doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể, 9.308 doanh nghiệp tạm ngưng hoạt động.

Theo ông Nguyễn Thành Phong, sự phát triển của thành phố không thể tách rời sự phát triển của doanh nghiệp. Thành phố sẽ tiếp thu đầy đủ các ý kiến, đóng góp, hiến kế của các doanh nghiệp. Qua đó hoàn thiện chính sách hỗ trợ, hoàn thiện môi trường đầu tư. Đồng thời, đề nghị các sở ngành, UBND TP Thủ Đức và các quận huyện cần phải triển khai tập hợp các ý kiến đề xuất của các doanh nghiệp một cách quyết liệt, khẩn trương, thể hiện sự chia sẻ với doanh nghiệp.

"Những vấn đề nào thuộc thẩm quyền thành phố, chúng tôi sẽ báo cáo với Thành ủy, HĐND để có gói hỗ trợ tiền mặt, chính sách. Còn những vấn đề nào thuộc về thẩm quyền của Trung ương thì thành phố sẽ hệ thống hóa lại để có kiến nghị", Chủ tịch UBND TPHCM nhấn mạnh.


Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm