pnvnonline@phunuvietnam.vn
Hướng dẫn 9 nội dung về kỳ họp thứ nhất HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021 – 2026
Cử tri đi bỏ phiếu bầu cử đại biểu Quốc hội và HĐND các cấp ngày 23/5/2021 tại một điểm bầu cử quận Ba Đình, Hà Nội. Ảnh: Lệ Thủy
Tại Hướng dẫn số 883/HD-UBTVQH14 ngày 2/6/2021, Ủy ban Thường vụ Quốc hội hướng dẫn 9 nội dung về việc tổ chức kỳ họp thứ nhất HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021 – 2026.
1. Về thời gian tiến hành kỳ họp thứ nhất HĐND các cấp
Kỳ họp thứ nhất của Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 được triệu tập chậm nhất là 45 ngày kể từ ngày bầu cử đại biểu HĐND. Đối với địa phương có bầu cử lại, bầu cử thêm đại biểu HĐND hoặc lùi ngày bầu cử thì thời hạn triệu tập kỳ họp thứ nhất kể từ ngày bầu cử lại, bầu cử thêm.
2. Triệu tập và chủ tọa kỳ họp thứ nhất HĐND
Việc triệu tập kỳ họp thứ nhất của HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026 do Chủ tịch, Quyền Chủ tịch HĐND cùng cấp nhiệm kỳ 2016 - 2021 triệu tập.
Người triệu tập kỳ họp tiến hành khai mạc và chủ tọa các phiên họp của HĐND cho đến khi bầu ra được Chủ tịch HĐND nhiệm kỳ 2021 - 2026. Chủ tọa kỳ họp có thể phân công người điều hành nội dung phiên họp.
3. Chương trình làm việc tại kỳ họp thứ nhất HĐND
Thường trực HĐND nhiệm kỳ 2016 - 2021 hoặc Triệu tập viên có trách nhiệm chuẩn bị dự kiến chương trình kỳ họp thứ nhất của Hội đồng nhân dân cùng cấp trình Hội đồng nhân dân nhiệm kỳ 2021 - 2026 xem xét, quyết định.
Tại kỳ họp thứ nhất, Hội đồng nhân dân tiến hành các công việc theo trình tự sau đây:
- Khai mạc, thông qua chương trình kỳ họp:
+ Chào cờ, cử Quốc ca;
+ Tuyên bố lý do, giới thiệu thành phần tham dự kỳ họp;
+ Chủ tọa đọc diễn văn khai mạc kỳ họp;
+ Đại diện Thường trực Hội đồng nhân dân nhiệm kỳ 2016 - 2021 hoặc Triệu tập viên báo cáo về dự kiến chương trình kỳ họp thứ nhất của Hội đồng nhân dân.
+ Hội đồng nhân dân biểu quyết thông qua chương trình kỳ họp.
- Hội đồng nhân dân nghe Ủy ban bầu cử cùng cấp báo cáo kết quả bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân và báo cáo kết quả xác nhận tư cách đại biểu Hội đồng nhân dân nhiệm kỳ 2021 - 2026.
- Chủ tọa kỳ họp mời đại diện lãnh đạo cấp ủy Đảng cùng cấp phát biểu.
- Hội đồng nhân dân tiến hành bầu các chức danh thuộc thẩm quyền của Hội đồng nhân dân, thành lập Ban Dân tộc của Hội đồng nhân dân theo trình tự quy định tại mục 5 và mục 6 của Hướng dẫn này.
- Hội đồng nhân dân nghe Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cùng cấp báo cáo tổng hợp những ý kiến, kiến nghị của cử tri ở địa phương trong cuộc bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân.
- Hội đồng nhân dân ban hành nghị quyết về kế hoạch tổ chức các kỳ họp thường lệ trong năm đầu tiên của nhiệm kỳ Hội đồng nhân dân và một số nội dung khác thuộc nhiệm vụ, quyền hạn của Hội đồng nhân dân nếu xét thấy cần thiết.
- Bế mạc kỳ họp:
+ Chủ tịch Hội đồng nhân dân nhiệm kỳ 2021 - 2026 đọc diễn văn bế mạc;
+ Chào cờ, cử Quốc ca.
4. Cách thứ quyết định các vấn đề tại kỳ họp thứ nhất HĐND
a) Hội đồng nhân dân quyết định biểu quyết bằng hình thức giơ tay hoặc biểu quyết bằng hệ thống biểu quyết điện tử đối với các vấn đề sau đây:
+ Thông qua chương trình kỳ họp hoặc điều chỉnh chương trình kỳ họp;
+ Thông qua nghị quyết thành lập Ban Dân tộc nhiệm kỳ 2021 - 2026 (nếu có);
+ Bầu Ban kiểm phiếu;
+ Thông qua nghị quyết về việc bầu chức danh thuộc thẩm quyền của Hội đồng nhân dân;
+ Thông qua nghị quyết về kế hoạch tổ chức các kỳ họp thường lệ năm 2021;
+ Quyết định các nội dung khác (nếu có), trừ các nội dung quy định tại điểm b mục này.
b) Hội đồng nhân dân quyết định bằng hình thức bỏ phiếu kín đối với các vấn đề sau đây:
+ Bầu Chủ tịch, Phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân; Trưởng ban, Phó Trưởng ban của Ban của Hội đồng nhân dân; Chủ tịch, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân và Ủy viên Ủy ban nhân dân; Hội thẩm nhân dân của Tòa án nhân dân;
+ Quyết định các vấn đề khác mà Hội đồng nhân dân xét thấy cần thiết phải bằng hình thức bỏ phiếu kín.
5. Việc bầu các chức danh thuộc thẩm quyền của HĐND
Hướng dẫn của Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định cụ thể:
+ Trình tự bầu Ban kiểm phiếu, nhiệm vụ, quyền hạn và nguyên tắc xác định kết quả bầu cử của Ban kiểm phiếu
+ Trình tự bầu Chủ tịch, Phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân, Trưởng ban, Phó Trưởng ban của Ban của Hội đồng nhân dân
+ Trình tự bầu Chủ tịch, Phó Chủ tịch, Ủy viên Ủy ban nhân dân
Theo đó, Chủ tịch Hội đồng nhân dân nhiệm kỳ 2021 - 2026 thực hiện nhiệm vụ ngay sau khi được Hội đồng nhân dân bầu và tiến hành chủ tọa kỳ họp. Các Phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân thực hiện ngay nhiệm vụ, điều hành phiên họp của Hội đồng nhân dân theo phân công của Chủ tịch Hội đồng nhân dân.
Trưởng ban, Phó Trưởng ban của Hội đồng nhân dân thực hiện nhiệm vụ của mình ngay sau khi được Hội đồng nhân dân bầu.
Chủ tịch Ủy ban nhân dân, các Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân và Ủy viên Ủy ban nhân dân nhiệm kỳ 2021-2026 thực hiện nhiệm vụ ngay sau khi được Hội đồng nhân dân bầu.
+ Đối với việc bầu Hội thẩm Tòa án nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện: HĐND cấp tỉnh, cấp huyện tiến hành bầu Hội thẩm Tòa án nhân dân cùng cấp theo giới thiệu của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cùng cấp. Với 2 thành phố Đà Nẵng và TP HCM thí điểm không tổ chức HĐND cấp quận thì HĐND TP Đà Nẵng, HĐND TPHCM bầu Hội thẩm Tòa án nhân dân quận theo giới thiệu của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố.
6. Về tổ chức các ban, tổ đại biểu HĐND
Hướng dẫn của Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định về việc thành lập Ban Dân tộc, các ban của HĐND các cấp. Theo đó, Ban của Hội đồng nhân dân có số lượng Ủy viên tối thiểu đối với cấp tỉnh là 5 Ủy viên, cấp huyện và cấp xã là 03 Ủy viên.
Số lượng ủy viên nêu trên không bao gồm chức danh Trưởng Ban và Phó Trưởng Ban các Ban.
Hướng dẫn cũng quy định về việc thành lập Tổ đại biểu Hội đồng nhân dân. Theo đó, các đại biểu Hội đồng nhân dân cấp tỉnh hoặc đại biểu Hội đồng nhân dân cấp huyện được bầu ở một hoặc nhiều đơn vị bầu cử hợp thành Tổ đại biểu Hội đồng nhân dân.
7. Công tác thư ký kỳ họp thứ nhất của HĐND
Hướng dẫn quy định về trách nhiệm tổ chức công tác thư ký kỳ họp HĐND và các nội dung cụ thể của công tác thư ký kỳ họp.
8. Về báo cáo kết quả kỳ họp HĐND
Chậm nhất là 10 ngày, kể từ ngày bế mạc kỳ họp, Thường trực Hội đồng nhân dân hoàn chỉnh hồ sơ kỳ họp Hội đồng nhân dân (gồm các tài liệu phát hành tại kỳ họp, nghị quyết thông qua tại kỳ họp và biên bản kỳ họp) và gửi đến Thường trực Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân cấp trên trực tiếp hoặc Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Chính phủ (đối với Hội đồng nhân dân cấp tỉnh) để báo cáo. Tài liệu trong hồ sơ báo cáo kết quả kỳ họp phải là văn bản chính thức.
9. Thực hiện phòng chống dịch Covid-19
+ Tại những nơi đang áp dụng các biện pháp giãn cách xã hội để phòng, chống dịch bệnh Covid-19 vẫn tổ chức kỳ họp thứ nhất của Hội đồng nhân dân theo hình thức tập trung nhưng phải bảo đảm thực hiện phòng, chống dịch Covid-19 theo đúng các chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ, hướng dẫn của Bộ Y tế và quy định của địa phương.
+ Trường hợp địa phương áp dụng các biện pháp cách ly xã hội, áp dụng biện pháp phong tỏa để phòng, chống dịch bệnh Covid-19 mà không thể tổ chức họp tập trung trong thời gian quy định tại mục 1 của Hướng dẫn này hoặc do có từ 1/2 tổng số đại biểu Hội đồng nhân dân trở lên thuộc diện phải cách ly y tế để phòng, chống dịch bệnh Covid-19 thì có thể lùi thời gian khai mạc kỳ họp thứ nhất của Hội đồng nhân dân đến khi có thể tổ chức được kỳ họp.
Việc lùi thời gian khai mạc kỳ họp thứ nhất của Hội đồng nhân dân cấp xã, cấp huyện do Thường trực Hội đồng nhân dân cấp tỉnh xem xét, quyết định.
Việc lùi thời gian khai mạc kỳ họp thứ nhất của Hội đồng nhân dân cấp tỉnh do Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định.