Chưa đến 6 giờ sáng, trong con ngõ trên phố Ngô Gia Tự (phường Việt Hưng, quận Long Biên), vợ chồng chị Hoàng Thị Quyên - anh Phạm Hải Lăng (45 tuổi) đã dậy. Ngày hôm nay, khác với mọi năm về trước, con gái của anh chị vừa tròn 18 tuổi và đây là lần đầu tiên cháu tham gia bầu cử đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND các cấp cùng với bố mẹ.
Trong tà áo dài trắng của tuổi học trò, trên môi điểm một chút son nhẹ, Yến Linh giờ đây đã cao hơn cả bố mẹ. Chuẩn bị cho giờ bầu cử, Yến Linh ngồi xem lại danh sách các ứng cử viên đợt này và cố gắng ghi nhớ quy trình 6 bước khi đi bầu cử. Có vài chi tiết chưa hiểu rõ, cô đem thắc mắc này hỏi cha mẹ.
Ngoài ngõ, những lá quốc kỳ treo trước nhà các hộ dân đang tung bay trong nắng sớm. Cứ đi hết con ngõ sẽ dẫn ra Đình Trường Lâm, đây là khu vực bỏ phiếu của người dân Tổ dân phố số 1, 2 và 3. Trước khi vào khu vực bỏ phiếu, gia đình Yến Linh được các cán bộ kiểm tra thân nhiệt và sát khuẩn tay.
Trong khuôn viên Đình có 3 khu vực bỏ phiếu riêng rẽ, gia đình Yến Linh bỏ phiếu ở khu vực bầu cử số 2. Mọi người đều phải xếp hàng giãn cách theo quy định, Yến Linh đứng trước, phía sau là bố, cuối cùng là mẹ và trên tay cả 3 người đều cầm Thẻ cử tri.
Cũng không phải đợi quá lâu mới tới lượt mình, Yến Linh nhanh chóng được các bác lớn tuổi hướng dẫn tới bàn nhận phiếu bầu cử. Được biết, để mọi việc có thể diễn ra quy củ như vậy, lực lượng chuẩn bị cho công tác bầu cử - chỉ tính riêng Hội LHPN phường đã lên tới 65 người. Người trao cho Yến Linh lá phiếu đầu đời của mình là bác Chương, Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ Tổ dân phố số 2, nơi gia đình Linh sinh sống.
Nhờ có những người hết lòng vì việc chung như bác Chương, Yến Linh và gia đình đã nhanh chóng hoàn thành việc bỏ phiếu của mình. Chia sẻ ít phút sau khi rời khu vực bỏ phiếu, Linh vẫn còn chưa hết cảm giác hồi hộp: "Trước đấy em có hơi lo lắng thật, vì mình chưa từng thực hiện bầu cử bao giờ. Nhưng rất may nhờ sự hướng dẫn tận tình của các bác, việc bầu cử của em đã diễn ra suôn sẻ. Em cảm thấy tự hào vì đã góp phần xây dựng bộ máy chính quyền nhà nước".
Với lá phiếu của mình, Yến Linh mong muốn ứng cử viên trúng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND các cấp tới đây sẽ có những hành động cụ thể để giải quyết vấn đề việc làm, vấn đề khởi nghiệp ở thanh niên. Đặc biệt, trong thời điểm này, khi mà kỳ thi THPT Quốc gia đang đến gần, "Em mong muốn các đại biểu và lãnh đạo các ban ngành sẽ có những quyết định và điều chỉnh phù hợp để kỳ thi diễn ra một cách an toàn trong bối cảnh dịch Covid-19, các thí sinh đạt kết quả tốt".
Cử tri Phạm Hải Lăng (45 tuổi), cha của Yến Linh, cho hay: "Tôi mong các đại biểu trúng cử sẽ quan tâm hơn nữa tới vấn đề an sinh xã hội trong thời điểm dịch Covid-19, cần duy trì việc làm và thu nhập ổn định cho người lao động".
Theo anh Hải Lăng, từ trước ngày bầu cử, hai vợ chồng anh đã nhiều lần cùng con gái trao đổi, thảo luận kỹ về các đại biểu, các vấn đề kinh tế - xã hội hiện nay. Nhờ vậy, Linh đã sớm ý thức được trách nhiệm, nghĩa vụ của bản thân, tầm quan trọng của lá phiếu. Càng gần đến ngày bầu cử, cả 3 người trong gia đình, ai cũng háo hức chờ đợi.
"Hôm nay, cả gia đình chúng tôi đi bầu cử, chúng tôi để con tự lựa chọn theo tâm lý, quan điểm của mình. Điều gì cho con rằng tốt nhất đối với xã hội và bản thân thì con chọn, chúng tôi không định hướng con trong vấn đề này", cử tri Hải Lăng chia sẻ.
Được biết, phường Việt Hưng có 8 khu vực bỏ phiếu bầu cử đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND các cấp với tổng số hơn 14.000 cử tri (cử tri nữ chiếm trên 50%) tham gia bỏ phiếu, trong đó có 53 cử tri 18 tuổi lần đầu tiên đi bầu cử.
"Các bạn trẻ thường có tâm lý nhờ bố mẹ đi bỏ phiếu hộ. Nắm bắt được vấn đề đó, chúng tôi đã vận động các bậc phụ huynh, giải thích cho các cháu hiểu bầu cử là quyền lợi và nghĩa vụ của mỗi người khi đủ 18 tuổi", bà Lê Thị Minh Châu, Phó Chủ tịch Hội LHPN phường Việt Hưng, cho biết.