pnvnonline@phunuvietnam.vn
Hướng nghiệp không phải là dán nhãn một ngành nghề lên con
Ảnh minh họa
Chia sẻ tại buổi hội thảo "Hướng nghiệp cùng con - Làm sao để không quá muộn", TS. Bùi Trân Phượng, nguyên Hiệu trưởng trường ĐH Hoa Sen, cho biết, hướng nghiệp cho con không phải là cha mẹ dán nhãn một nghề nghiệp lên con mà để con tìm hiểu về nghề có những khía cạnh nào, hay dở ra sao. Cha mẹ cần hiểu rõ, mỗi người có một nhu cầu khác nhau. Cha mẹ nên hiểu nhu cầu của con, không nên áp đặt mong muốn của mình lên con.
TS. Bùi Trân Phượng cho biết, nhu cầu nhân lực của thời cách mạng 4.0 không giống như trước, đòi hỏi người lao động phải tự chủ, sáng tạo, dám nghĩ dám làm, nghĩ khác, làm khác số đông. Trong khi đó, ở nhiều gia đình, trẻ ít có cơ hội tìm hiểu bản thân, không biết được sở trường, sở thích, khát vọng của mình. Khi đó, trẻ không biết mình muốn gì, làm gì. Nhiều trẻ từ bé đã bị bố mẹ ép ăn những thứ con không thích, làm những việc con không muốn. Nhiều cha mẹ cũng có thói quen làm thay, hoặc áp đặt, ép buộc con. Ngoài ra, trẻ cũng ít có cơ hội khám phá, thử cái mới lạ, tự chủ, tự lập, tự chịu trách nhiệm. Vì vậy, cha mẹ cần thay đổi trong việc giáo dục con. Cha mẹ cần dạy con thành người tự lập, người tự do và biết chịu trách nhiệm với bản thân, gia đình, xã hội. Bởi, con sẽ sống trong một xã hội rất khác với kinh nghiệm và sự hình dung của cha mẹ. Cha mẹ cần là người đồng hành cùng con, cho phép và ủng hộ sự thay đổi, ủng hộ những ước mơ của con kể cả khi mình không tán thành.
Khi tìm hiểu về một nghề nào đó, cha mẹ cùng con hiểu càng sâu càng tốt. Cha mẹ cần cho con biết nghề nào cũng có vui, có buồn, có mặt tốt và mặt xấu. Cha mẹ cần đề cao sự thật, không tô hồng một nghề nào đó. Với vai trò là người đồng hành, cha mẹ hãy là người trả lời câu hỏi, cung cấp thông tin, cùng con tìm hiểu và học hỏi.
Việc định hướng nghề cho con được nhiều cha mẹ chú trọng. Thực tế, nhiều phụ huynh có tâm lý định hướng con cái tới một công việc, một ngành nghề mà họ cho đó là "thời thượng". Tuy nhiên, theo PGS.TS Trần Thành Nam, Chủ nhiệm Khoa Các khoa học Giáo dục (ĐH Giáo dục, ĐH Quốc gia Hà Nội), vấn đề đặt ra chính là trong tương lai, thị trường lao động có sự thay đổi và công việc, ngành nghề đó không còn phù hợp với nhu cầu của xã hội nữa. Đặc biệt, nhiều trường hợp ngành nghề mà cha mẹ định hướng lại quá sức, không phù hợp với khả năng, tính cách của con, dẫn đến tâm lý chán nản, làm mất thời gian, tốn công sức và tiền bạc của gia đình mà không thu được thành quả gì.
Theo PGS.TS Trần Thành Nam, cha mẹ không nên áp đặt mà nên để con cái có sự chọn lựa phù hợp với sở thích và năng lực phát triển bản thân. Cha mẹ nên khuyến khích, cổ vũ con không ngừng cố gắng tự học hỏi, tự nâng cấp bản thân để tạo động lực vượt qua những khó khăn, thất bại. "Nhiệm vụ quan trọng mà mỗi bậc phụ huynh cần làm chính là giúp con cái hiểu được rằng, yếu tố cần thiết nhất trên con đường đi tới thành công là tinh thần kiên cường, ý chí mạnh mẽ không bao giờ bỏ cuộc giữa chừng, khi vấp ngã phải biết đứng lên để bước tiếp", PGS.TS. Trần Thành Nam cho biết.