Hướng tới biện pháp phòng ngừa bền vững với tình trạng bạo lực gia đình

PVH
27/05/2022 - 14:59
Hướng tới biện pháp phòng ngừa bền vững với tình trạng bạo lực gia đình

Ông Nguyễn Văn Hùng, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, phát biểu. Ảnh quochoi.vn

Trình bày tờ trình về dự án Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi), Bộ trưởng Bộ VH,TT&DL Nguyễn Văn Hùng cho biết: Luật Phòng, chống bạo lực gia đình hiện hành còn tồn tại nhiều bất cập, không phù hợp với thực tiễn.

Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 3, chiều 27/5, Quốc hội xem xét tờ trình dự án Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi).

Trình bày tại Quốc hội, ông Nguyễn Văn Hùng, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, cho biết: Sau gần 15 năm thực hiện, Luật hiện hành đã tạo chuyển biến tích cực về nhận thức trong phòng, chống bạo lực gia đình, góp phần bảo vệ người bị bạo lực gia đình, xử lý các hành vi bạo lực gia đình, vi phạm pháp luật trong phòng, chống bạo lực gia đình, nâng cao bình đẳng giới trong gia đình. Nhiều địa phương tổ chức triển khai các mô hình phòng, chống bạo lực gia đình sáng tạo, năng động, phát huy hiệu quả tốt cũng như huy động nguồn lực xã hội tham gia công tác phòng, chống bạo lực gia đình.

Theo số liệu thống kê của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổng hợp, trong giai đoạn 2009 - 2021, tổng số vụ bạo lực gia đình các địa phương đã phát hiện trên cả nước là 324.641 vụ.

Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Văn Hùng, bạo lực gia đình vẫn còn là một vấn đề nhức nhối, nan giải ở Việt Nam. Nhiều vụ việc xuất hiện những hành vi bạo lực gia đình có mức độ gây hại nghiêm trọng, diễn biến phức tạp, tinh vi, khó lường và khó xử lý bằng các quy định pháp luật hiện hành.

Vấn nạn bạo lực gia đình có xu hướng trầm trọng hơn, đa dạng hơn, phức tạp hơn đã và đang để lại những hậu quả thương tâm, đau xót cho nhiều gia đình, tạo ra những thiệt hại to lớn cho toàn xã hội.

Theo ông Nguyễn Văn Hùng, nếu không được giải quyết kịp thời, bạo lực gia đình sẽ đe doạ đến sự phát triển bền vững của gia đình, làm xói mòn các giá trị văn hoá truyền thống tốt đẹp của dân tộc, làm suy yếu động lực phát triển và là rào cản đối với tiến trình phát triển bền vững của đất nước.

Theo Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, nguyên nhân cơ bản của tình trạng trên là do các quy định, chính sách trong Luật Phòng, chống bạo lực gia đình hiện hành còn tồn tại nhiều bất cập, không phù hợp với thực tiễn. Quá trình thi hành Luật cũng xuất hiện nhiều hạn chế, đặc biệt là vấn đề trách nhiệm và công tác phối hợp liên ngành trong phòng, chống bạo lực gia đình….

Điều tra quốc gia bạo lực với phụ nữ được Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Tổng cục Thống kê, Quỹ Dân số Liên hợp quốc tại Việt Nam thực hiện năm 2019, công bố năm 2020 cho thấy, năm 2019, có 31,6% phụ nữ phải chịu ít nhất 1 hình thức bạo lực trong 12 tháng (kể từ lúc điều tra).

Cứ 3 phụ nữ thì có gần 1 người (32%) bị chồng bạo lực thể xác/hoặc bạo lực tình dục.

Đáng chú ý có 90,4% phụ nữ bị chồng bạo lực thể xác và/hoặc tình dục không tìm kiếm sự giúp đỡ, chỉ có 4,8% tìm kiếm sự giúp đỡ của công an.

Theo đó, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cho biết: Dự thảo Luật nhằm giải quyết những bấp cập trong thực tiễn thi hành luật Phòng chống bạo lực gia đình hiện hành, tập trung ở 3 nội dung chính gồm: Về công tác phòng ngừa, ngăn chặn, hỗ trợ, bảo vệ trong phòng, chống bạo lực gia đình; Về công tác phối hợp liên ngành và điều kiện đảm bảo để thực hiện phòng, chống bạo lực gia đình; Về công tác xã hội hoá trong phòng, chống bạo lực gia đình.

Trong đó, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cho biết, dự thảo Luật hướng tới sửa đổi nhằm khắc phục những bấtcập của các quy định về phòng ngừa bạo lực gia đình, cụ thể như: Luật hiện hành xác định rõ nguyên tắc lấy phòng để chống nhưng biện pháp phòng ngừa trong Luật hiện hành chưa chủ động, không bảo đảm tính liên tục. Việc phòng, chống bạo lực gia đình cần thực hiện trước khi xảy ra, khi đang xảy ra và khi kết thúc.

Hướng tới biện pháp phòng ngừa bền vững với tình trạng bạo lực gia đình - Ảnh 3.

Toàn cảnh phiên họp

Với vụ việc bạo lực gia đình đã kết thúc, ngoài xử lý hành vi vi phạm theo quy định của pháp luật thì cũng cần có những biện pháp hỗ trợ để giúp người có hành vi bạo lực gia đình chuyển đổi hành vi bạo lực, nói cách khác là phòng ngừa vòng xoáy bạo lực gia đình tái diễn.

Theo ông Nguyễn Văn Hùng, bạo lực gia đình có nguyên nhân sâu xa từ bất bình đẳng giới trong gia đình. Các yếu tố lạm dụng rượu, bia và xử lý hành vi vi phạm không nghiêm minh là những nguyên nhân trực tiếp dẫn đến các vụ bạo lực gia đình ngày càng gia tăng về số lượng, mức độ nghiêm trọng hơn và nhiều vụ việc không được xử lý thích đáng, hoặc bị lãng quên, bỏ mặc đằng sau cánh cửa gia đình. Việc hỗ trợ, giúp đỡ người có hành vi bạo lực gia đình sau khi bị xử lý theo quy định của pháp luật để họ không tái diễn cũng là một biện pháp phòng ngừa bền vững song chưa được quy định trong Luật hiện hành…

Nghiên cứu về bạo lực gia đình do Viện Nghiên cứu gia đình và Giới thực hiện năm 2019 chỉ ra rằng 69% trẻ em cho biết đã từng bị bố mẹ xử phạt bằng bất kỳ hình thức nào như đánh, đấm, đạp, tát… và 31,6% cha mẹ thừa nhận họ đã xử phạt con bằng hình thức bạo lực. Đáng chú ý, trẻ em cũng là nhóm xã hội có nguy cơ cao bị xâm hại tình dục trong gia đình, theo đó trong số trẻ bị xâm hại tình dục có tới 21,3% bị chính người thân trong gia đình xâm hại.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm