pnvnonline@phunuvietnam.vn
HVN liên tiếp chạm trần, nhìn kết quả kinh doanh cho thấy điều gì?
HVN liên tiếp chạm trần - Ảnh: Vietnam Airlines
Kết thúc phiên hôm nay (26/12), cổ phiếu Vietnam Airlines (mã chứng khoán: HVN, HOSE) đánh dấu phiên thứ 2 liên tiếp tăng trần.
HVN ở trạng thái "tím" với thị giá là 12.550 đồng/cp, "bay cao" gần 7% so với phiên hôm qua. Đáng chú ý, thanh khoản nhanh chóng cán mốc gần 2 triệu cổ phiếu được sang tay, cao hơn gấp nhiều lần so với bình thường chỉ đạt khoảng 100.000 – 300.000 đơn vị/phiên.
Diễn biến này xuất hiện ngay sau khi 2,2 tỷ cổ phiếu HVN được Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM (HOSE) quyết định đưa ra khỏi diện cảnh báo kể từ ngày 26/12. Bởi, Vietnam Airlines đã đã khắc phục được nguyên nhân dẫn đến chứng khoán bị đưa vào diện cảnh báo theo quy định, đó là tổ chức thành công Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) thường niên năm 2023 vào ngày 16/12 vừa qua.
Đây được xem là tín hiệu tích cực nhất trong năm nay của hãng hàng không quốc gia.
Thông tin công bố tại biên bản Nghị quyết ĐHĐCĐ thường niên 2023 còn công bố, tổng số cổ đông tại HVN đã giảm 10,4 nghìn cổ đông, toàn bộ đều là các nhà đầu tư nhỏ lẻ, trước bối cảnh hãng hàng không tái cơ cấu sau 3 năm chịu tác động mạnh bởi đại dịch.
Liên quan đến kết quả kinh doanh, cuối cùng HVN cũng đã công bố báo cáo tài chính kiểm toán 2022 sau nhiều lần trì hoãn. Theo đó, doanh thu đã tăng cao gấp 2,5 lần so với năm 2021, cao hơn 20% so với kế hoạch nhờ lượng khách phục hồi, đạt mức 70,8 nghìn tỷ đồng. Tuy nhiên, điều này không giúp HVN thoát lỗ tại 11,2 nghìn tỷ đồng.
Nguyên nhân chủ yếu do thị trường quốc tế hồi phục chậm, đặc biệt là thị trường Trung Quốc.
Bên cạnh đó, tình trạng thừa tải, giá vé bình quân thấp tại thị trường nội địa và chi phí nhiên liệu tăng cao là các yếu tố khiến HVN lỗ nặng trong năm 2022.
Phía công ty kiểm toán đặt ra nghi ngờ khả năng hoạt động liên tục của HVN, dựa vào những yếu tố sau: nợ ngắn hạn của công ty vượt quá tài sản ngắn hạn với số tiền là 39,5 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu âm 11,1 tỷ đồng, khoản phải trả quá hạn là 15,4 tỷ đồng.
Do vậy, hoạt động liên tục của Vietnam Airlines sẽ phụ thuộc vào sự hỗ trợ tài chính từ Chính phủ và gia hạn thanh toán các khoản vay từ ngân hàng, tổ chức tín dụng, nhà cung cấp và bên cho thuê.
Diễn biến doanh thu và lợi nhuận tại Vietnam Airlines những năm gần đây
Dù thoát diện cảnh báo, song, HVN vẫn đang đối mặt với rủi ro bị hủy niêm yết khi lỗ triền miên suốt nhiều năm và âm vốn chủ sở hữu.
Kết quả kinh doanh quý 3 vừa rồi, HVN tiếp tục tăng trưởng lùi khi lỗ 2,2 nghìn tỷ đồng mặc cho doanh thu có tăng 11,7% so với cùng kỳ, cán mốc 23,8 nghìn tỷ đồng. Nguyên nhân chủ yếu đến từ các khoản chi phí tăng như chi phí tài chính, chi phí bán hàng và chi phí quản lý doanh nghiệp.
Tổng 9 tháng đầu năm, hãng hàng không quốc gia thu về 68,1 nghìn tỷ đồng, tăng mạnh 32,5% so với cùng kỳ, nhưng HVN vẫn lỗ với lợi nhuận là âm 3,5 nghìn tỷ đồng. Điều này càng làm tăng lo ngại, HVN sẽ tiếp tục lỗ trong năm 2023.
Bên cạnh đó, vốn chủ sở hữu tính đến hết tháng 9/2023 đang âm gần 14 nghìn tỷ đồng, tăng khoảng 4 tỷ so với thời điểm đầu năm.
Về vấn đề này, Kế toán trưởng HVN, ông Trần Thanh Hiền cho biết, tình huống của Vietnam Airlines rất đặc biệt. Trước đại dịch COVID-19, Vietnam Airlines là một trong những doanh nghiệp có vốn hóa lớn, khả năng sinh lời và tài chính lành mạnh trên sàn HOSE. Tuy nhiên, đại dịch có ảnh hưởng lớn đến kinh tế toàn cầu và hàng không, đây là tình huống khách quan.
Vì vậy, ông bày tỏ kỳ vọng, HVN vẫn sẽ được duy trì tại sàn chứng khoán sau khi các cơ quan Nhà nước, cơ quan liên quan nghiên cứu, đánh giá khách quan và cẩn trọng.