Italy bỏ rơi các gia đình sau khi nới lỏng lệnh cách ly vì Covid-19

N.A
10/05/2020 - 13:15
Italy bỏ rơi các gia đình sau khi nới lỏng lệnh cách ly vì Covid-19
Hàng triệu công dân Italy đã đi làm trở lại sau khi lệnh giãn cách xã hội được dỡ bỏ. Nhưng các trường học, trung tâm chăm sóc trẻ em vẫn đóng cửa khiến các phụ huynh gặp khó khăn trong việc chăm sóc con cái của mình.

Italy từng là ổ dịch của châu Âu và cũng là nước đầu tiên của cựu lục địa áp dụng lệnh giãn cách xã hội từ ngày 10/3. Sau gần 2 tháng, một số hạn chế mới được dỡ bỏ. Khoảng 4 triệu người ở quốc gia bên bờ Địa Trung Hải này đã trở lại với công việc. Tuy nhiên, trường học, nơi trông trẻ và trại hè vẫn đóng cửa.

Nhiều người nói rằng chính phủ không tính toán đến những thách thức người làm cha mẹ phải đối mặt trong đại dịch. Nhiều bậc phụ huynh, đặc biệt là các bà mẹ sợ phải chọn lựa giữa gia đình hoặc công việc. Họ kêu gọi chính phủ phải thực thi những biện pháp phù hợp để không ảnh hưởng đến gia đình của họ.

Italy bỏ rơi các gia đình sau khi nới lỏng lệnh cách ly vì Covid-19 - Ảnh 1.

Chị Chiara Monti không yên tâm đi làm khi 3 đứa con nhỏ của chị ở nhà không có ai chăm sóc

Cũng như rất nhiều bậc phụ huynh khác ở Italy lúc này, chị Chiara Monti không thể yên tâm đi làm khi 3 đứa con nhỏ của chị ở nhà không có ai chăm sóc. Nhà thiết kế tại công ty trang trí ở ngoại ô của thành phố Milan có 3 con (12, 10 và 3 tuổi), chia sẻ: "Tôi rất vui khi được trở lại làm việc, nhưng tôi không thể toàn tâm toàn ý với công việc khi các con của tôi không có ai chăm sóc. Chồng của tôi cũng không thể ở nhà vì anh ấy đã đi làm trở lại". Sau khi bàn bạc với chồng, chị Monti đành phải gửi hai con nhỏ cho mẹ, dù biết người già có nguy cơ nhiễm Covid-19 cao. Cậu con trai cả của cô, 12 tuổi, đã có thể tự lập được và hai vợ chồng để cậu bé ở nhà một mình để giảm gánh nặng cho bà ngoại.

Chính phủ Italy đã ban hành một số biện pháp hỗ trợ các gia đình như: tăng thêm 15 ngày nghỉ phép năm và tặng một phiếu trị giá 600 euro (648 USD) cho việc trông trẻ. Tuần trước, đại diện của chính phủ Italy tuyên bố, họ đang tính toán kế hoạch mở lại nhà trẻ, trường mẫu giáo vào mùa hè. Tuy nhiên, các trường học dự kiến sẽ chỉ hoạt động vào tháng 9/2020.

Italy bỏ rơi các gia đình sau khi nới lỏng lệnh cách ly vì Covid-19 - Ảnh 2.

Chị Chiara Monti dạy con học bài trong thời gian chính phủ áp dụng lệnh giãn cách xã hội vì Covid-19

Luật sư Jac Palomba, Chủ tịch hội phụ nữ Italy và cũng là bà mẹ có 3 con nhỏ sống ở Florence phản ứng gay gắt: "Ở Italy, vấn đề bất bình đẳng giới đã trở nên nghiêm trọng. Quốc gia hình chiếc ủng này vốn dĩ đã tụt hậu so với phần còn lại của châu Âu về vấn đề việc làm của phụ nữ. Việc chính phủ không quan tâm đến vấn đề nuôi dạy con cái cho các gia đình sau thời gian cách ly Covid-19 càng khiến phụ nữ phải chịu thêm áp lực".

Trong thời gian áp dụng lệnh giãn cách xã hội, chị Palomba nhận thấy việc dạy cho các con của chị bằng hình thức học online không hề dễ dàng. Phải chăm sóc thêm con gái 2 tuổi khiến chị không thể tập trung vào công việc. Chị Palomba tỏ ra rất bức xúc: "Khách hàng trả tiền cho công việc của tôi. Chính phủ không đúng khi đổ mọi thứ lên vai các gia đình. Điều này là không thể chấp nhận được".

Italy bỏ rơi các gia đình sau khi nới lỏng lệnh cách ly vì Covid-19 - Ảnh 3.

Theo Lavoce.info, một trang web của Italy, 72% người trở lại làm việc sau thời điểm nới lỏng giãn cách xã hội ở Italy là đàn ông

Ở Italy, số lượng lao động nữ chiếm 54% trong khi con số này của Liên minh châu Âu (EU) là 67%. Theo một bài báo xuất bản tháng trước trên Lavoce.info, một trang web của Italy, 72% người trở lại làm việc sau thời điểm nới lỏng giãn cách xã hội ở Italy là đàn ông. Vì những nơi được hạn chế phong tỏa là công trường, nhà máy, nơi phần lớn là lao động nam. Chính vì vậy, khối lượng công việc tại nhà của phụ nữ, vốn đa phần phải chăm sóc con nhỏ, sẽ lại tăng lên.

Nhiều phụ nữ ở xứ sở mỳ ống đã lên tiếng. Bà Elena Bonetti, Bộ trưởng bộ Gia đình và Cơ hội bình đẳng Italy cho rằng, các biện pháp của chính phủ không đủ, cần có chiến lược dài hạn. Bà Bonetti phát biểu: "Tôi vạch ra kế hoạch kéo dài thời gian nghỉ của cha mẹ, hỗ trợ thêm phí thuê người trông giữ trẻ... Tuy nhiên, mọi thứ bị cho vào quên lãng". Theo bà Bonetti, Italy là một trong những quốc gia có mức sinh thấp nhất ở châu Âu. Những áp lực chăm sóc con cái có thể khiến mức sinh tiếp tục giảm, sẽ là một thảm họa.

Chính quyền của thành phố Milan đang kêu gọi các công ty cho phép nhân viên tiếp tục làm việc tại nhà cho đến khi có nhiều giải pháp hơn. Nhưng cách làm này cũng có những thách thức riêng. Bà Diana de Marchi, một ủy viên hội đồng thành phố của Đảng Dân chủ ở Milan nói: "Thật xấu hổ khi rất ít phụ nữ được đưa vào các ủy ban để tư vấn cho chính phủ trong cuộc khủng hoảng này. Đàn ông không nghĩ quan điểm và kinh nghiệm của phụ nữ là cần thiết". Thủ tướng Italy Giuseppe Conte tuyên bố muốn phụ nữ tư vấn cho chính phủ nhiều hơn nữa trong thời gian tới nhưng thực tế có vẻ diễn ra ngược lại.  

Italy bỏ rơi các gia đình sau khi nới lỏng lệnh cách ly vì Covid-19 - Ảnh 4.

Một sân chơi khép kín ở thủ đô Rome, Italy

Chị Alessandra Spada, một phụ nữ độc thân ở Cagliari, Sardinia, đã trở lại làm việc vào thứ Hai và buộc phải để 2 con 14 tuổi và 11 tuổi ở nhà một mình. Những nơi thường hỗ trợ các gia đình như nhà thờ, chương trình sau giờ học và trung tâm thể thao lại đều chưa hoạt động trở lại.

Và không chỉ phụ nữ lên tiếng, anh Gigi De Palo, cha của 5 đứa trẻ và là Chủ tịch của Diễn đàn Hiệp hội Gia đình, tổ chức thúc đẩy các vấn đề gia đình cũng phàn nàn rằng, gia đình của anh chưa biết xoay sở thế nào trong việc chăm sóc con cái khi chúng chưa thể trở lại trường học.

Anh Gigi cho rằng, trong khi các doanh nghiệp, những người tự làm chủ được hỗ trợ tài chính, gia hạn quyết toán thuế, thì các gia đình hầu như chẳng được chính phủ quan tâm. Theo anh Gigi, trong thời gian cách ly Covid-19, các gia đình đã giúp chính phủ tiết kiệm một khoản lớn ngân sách về giáo dục và lẽ ra bây giờ, khi đời sống đã trở lại bình thường, chính phủ phải có trách nhiệm với các gia đình, thay vì có thái độ "đem con bỏ chợ" như hiện nay.

Nguồn: Theo New York Times
Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm