pnvnonline@phunuvietnam.vn
Italy phong tỏa vì dịch Covid-19: Tồi tệ nhất là các gia đình bị ly tán
Tại sân bay Linate ở Milan, anh Daniele Merlì ôm con trai 7 tuổi và vợ mình trước khi họ tiến đến một cảnh sát chuyên kiểm tra giấy tờ đi lại. "Cha sẽ gặp lại con sớm thôi", anh nói với con trai. Tuy nhiên, anh Merlì không chắc rằng anh có thể giữ lời hứa với con được không khi cả nước chịu sự phong tỏa nghiêm ngặt.
Thủ tướng Italy, Giuseppe Conte, tối 9/3 đã ký ban hành một sắc lệnh mới, quyết định phong tỏa toàn bộ đất nước nhằm ứng phó với dịch bệnh Covid-19. Đây là sắc lệnh yêu cầu hạn chế đi lại nghiêm ngặt nhất ở châu Âu, tương tự như cách Trung Quốc đã làm với Vũ Hán để ngăn chặn dịch Covid-19. Quyết định có hiệu lực ngay từ ngày 10/3 đến ngày 3/4 khiến đất nước hơn 60 triệu dân này trở thành quốc gia đầu tiên trên thế giới bị phong tỏa. Tuy vậy, Viện Y tế (ISS) đã dự đoán đỉnh dịch có thể rơi vào giữa tháng 4 nên thời gian cách ly sẽ có thể bị kéo dài.
Các biện pháp để kiểm soát sự lây lan của virus bao gồm cấm các cuộc tụ họp công cộng và đình chỉ các sự kiện thể thao như các trận bóng đá trên cả nước. Các trường học đã bị tuyên bố đóng cửa. Di chuyển bằng đường hàng hay đường bộ trong và ngoài nước hiện chỉ được phép trong các trường hợp khẩn cấp. Những người vi phạm sẽ đối mặt với án tù và tiền phạt.
Sân bay Linate - một trung tâm hoạt động nhộn nhịp của các hãng hàng không giá rẻ - bỗng trở nên hoang vắng. Ngày 10/3 chưa tới một chục hành khách xếp hàng tại cổng an ninh duy nhất mở cửa. Các sĩ quan cảnh sát đã kiểm tra giấy chứng nhận nêu rõ lý do của chuyến đi trước khi cho phép họ làm thủ tục lấy thẻ lên máy bay.
Trong một quốc gia, nơi tình cảm gia đình ăn sâu vào tư tưởng văn hóa thì những hạn chế đi lại như vậy đã làm người dân nước này trở nên bối rối, lo lắng. Vợ của anh Merlì mang quốc tịch Nigeria, đang lên chuyến bay trở về quê hương, nơi con trai cô đang theo học. Hạn chế đi lại sẽ khiến họ không thể dễ dàng qua về giữa hai nước như trước đây và hai mẹ con sẽ khó trở lại Italy thăm chồng và cha vì anh Merlì đang làm việc ở đây. "Tôi không biết khi nào vợ con tôi sẽ trở lại", ông bố 48 tuổi thở dài.
Italy là quốc gia đầu tiên áp dụng các biện pháp nghiêm khắc như vậy nhằm hạn chế việc đi lại trong Liên minh châu Âu ((EU), nơi lâu nay người dân đi lại và cư trú tự do trong lãnh thổ của các quốc gia thành viên. Những lo ngại về một đại dịch đã khiến các nước tự mình cứu mình khỏi Covid-19. Áo, có 182 ca nhiễm, có chung biên giới với Italy. Áo là nước EU đầu tiên tuyên bố cấm tất cả các khách đến từ Italy bằng ô tô, tàu hỏa hoặc máy bay, trừ trường hợp khẩn cấp về y tế. Chính quyền Áo đã cử một đội cảnh sát và nhân viên y tế đến khu vực biên giới trên đèo Brenner giữa Italy và Áo nhằm kiểm tra y tế bắt buộc đối với tất cả những người đi qua để vào lãnh thổ Áo. Hãng hàng không Alitalia đã giảm số lượng chuyến bay hàng ngày khởi hành từ sân bay Linate từ 204 chuyến xuống còn 26 chuyến ngày 10/3. Ryanair, hãng hàng không bay có ngân sách lớn nhất châu Âu, cũng giảm lịch bay đến miền Bắc Italy.
Việc phong tỏa cũng làm chia rẽ sâu sắc giữa vùng công nghiệp miền Bắc Italy với các khu vực phía Nam. Leonardo Orrù, một công nhân xây dựng ở Milan, đã cố gắng bắt chuyến bay về quê nhà của mình trên đảo Sardinia. Anh sợ mình bị sa thải hoặc nhiễm bệnh ở thủ đô tài chính Milan, nơi mà giá thuê nhà đắt nhất ở châu Âu. "Tôi cần phải ở cùng với gia đình mình. Những lúc đối mặt với tình huống bất thường của đất nước, cần nhất là được ở trong vòng tay an toàn của người thân", anh chàng 24 tuổi này nói.
Italy ban bố lệnh phong tỏa đầu tiên với vùng Lombardy và 14 tỉnh miền Bắc thuộc các khu vực có dịch Covid-19, hàng nghìn người đã tháo chạy ra các ga đường sắt ngày 9/3 để lên những chuyến tàu cuối cùng đến các khu vực phía Nam. Anh Orrù cho biết một số người có thể đã đưa ra quyết định vội vàng như vậy có khả năng gây ra những hậu quả nghiêm trọng về sự lây lan của virus. Tuy nhiên, đối với những người lao động đến từ miền Nam, viễn cảnh không thể trở về nhà là một nỗi lo lắng sâu sắc. Từ ngày 8/3, sự hoảng loạn đã ngự trị ở miền Bắc Italy khiến chẳng ai biết mình phải đi đâu trong hoàn cảnh đó. Những người thường xuyên làm việc và có gia đình ở các khu vực khác của Italy phải chịu đựng sự chia ly hoặc có nguy cơ không thể trở lại nơi làm việc.
Dịch Covid-19 chỉ mới bùng phát tại Italy cách đây hơn 2 tuần nhưng số ca nhiễm bệnh và tử vong tăng mạnh, gây sức ép lớn cho hệ thống y tế tại đây. Tổng số ca Covid-19 ở Italy đã tăng lên đến 10.149 ca. Số ca tử vong vì Covid-19 ở nước này đã tăng thêm 168 ca lên 631 ca, mức tăng lớn nhất kể từ khi Italy ghi nhận các ca nhiễm đầu tiên. Quốc gia này hiện có số ca tử vong do dịch cao thứ hai trên thế giới, sau Trung Quốc.
"Trái tim của tôi như bị vỡ đôi", leo Rosj Camarda, một nhân viên người Sicilia làm việc tại một công ty dịch vụ năng lượng nói với phóng viên báo The Independent. Trong khi cha mẹ già của cô sống ở Sant'Agata Militello, một thị trấn nhỏ cách Palermo khoảng 80 dặm thì cô và vị hôn phu làm việc ở Milan. "Tôi phải lựa chọn giữa gia đình và hôn phu của mình", cô nói. Chiến dịch truyền thông rầm rộ kêu gọi người miền Nam kiềm chế trở về nhà đã khiến cô nhận ra sự nghiêm trọng của tình hình. "Tôi đã quyết định ở lại Milan để không khiến gia đình có nguy cơ nhiễm bệnh. Tuy nhiên, bị chia tách khỏi gia đình và không ở bên cha mẹ trong trường hợp nguy cấp thì còn gì tồi tệ hơn", cô Camarda chia sẻ.