pnvnonline@phunuvietnam.vn
Nỗi đau ly biệt ám ảnh y, bác sĩ Italy mỗi ngày
"Sóng thần" càn quét
Các bác sĩ Italy đang phải vật lộn với tỷ lệ bệnh nhân mắc Covid-19 ngày càng tăng. Nhiều người lo sợ rằng hệ thống y tế quốc gia của Italy, vốn được xem là tốt nhất thế giới, có thể không đủ sức để ứng phó với dịch bệnh. Cuộc chiến chống Covid-19 ở Italy không chỉ là chạy đua với thời gian, mà còn phải giải quyết nhiều chướng ngại liên quan đến cơ sở vật chất không đủ để đáp ứng của quốc gia này.
Nhiều bệnh viện ở Italy rơi vào tình trạng quá tải do số lượng ca nhiễm virus corona tăng quá nhanh. Số ca tử vong liên tục nối dài danh sách chờ chôn cất và hỏa táng. Họ phải tận dụng và cải tạo nhanh chóng những khu nhà cũ làm cơ sở điều trị cho bệnh nhân. Các bác sĩ, nhân viên y tế thường xuyên phải làm việc cả ngày lẫn đêm để nhanh chóng xác định những người nhiễm bệnh. Dù thiếu thốn, song các nhân viên y tế vẫn nỗ lực hết mình để chăm sóc cho các bệnh nhân tại các khu điều trị.
Tính đến 7h sáng 20/3, Italy đã có 3.405 ca tử vong trên 41.035 ca nhiễm bệnh, cao hơn Trung Quốc cả về số ca thiệt mạng (3.245) lẫn tỷ lệ tử vong. Italy trở thành nước bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi đại dịch.
Nguyên nhân một phần là Italy là quốc gia có số người cao tuổi lớn nhất châu Âu và thứ hai trên thế giới, đồng thời, số lượng bệnh nhân nhiễm virus SARS-CoV-2 của Italy trên thực tế có thể cao hơn nhiều con số trên 40.000 ca do nước này không đủ điều kiện để thực hiện nhiều xét nghiệm.
Nữ bác sĩ Francesca Cortellaro tại bệnh viện San Carlo Borromeo ở Milan, vùng Lombardy chia sẻ: "Bạn có biết cảm giác kinh khủng nhất là gì không? Đó là phải chứng kiến cảnh những bệnh nhân ra đi một mình, phải nghe thấy họ van nài bạn rằng, hãy cho họ được từ biệt các con cháu của họ". Thông thường, cách duy nhất để bệnh nhân nói lời chào cuối cùng tới người thân của họ là gọi điện thoại qua video.
Roberto Cosentini, bác sĩ tại bệnh viện Papa Giovanni XXIII, ví tình hình ở Lombardy như "tâm chấn của một trận động đất chưa có hồi kết". Ông cho biết phần lớn bệnh nhân thường đến bệnh viện trong tình trạng xấu đến mức phải đặt nội khí quản hoặc sử dụng máy thở. "Mỗi buổi chiều, tình hình lại giống như một cơn địa chấn mới. Các bệnh viện đều quá tải. Nếu chúng tôi không có thêm giường bệnh, thêm bác sĩ hoặc y tá, chúng tôi sẽ không thể cầm cự được lâu", bác sĩ Cosentini cho biết.
Giáo sư Stefano Muttini, người đứng đầu khoa hồi sức tại bệnh viện San Carlo Borromeo, cũng mô tả tình hình như "cơn sóng thần". Ông đã quyết định mở rộng phòng hồi sức của bệnh viện để đáp ứng nhu cầu điều trị cho các bệnh nhân nhiễm virus corona. Ông gọi cuộc khủng hoảng hiện nay là "cuộc chạy đua với thời gian".
Tại một bệnh viện ở Milan, cứ 5 phút sẽ có một bệnh nhân nhập viện để điều trị virus corona. Bác sĩ Massimo Galli, người đứng đầu khoa bệnh truyền nhiễm tại bệnh viện Sacco, cho biết bệnh viện này đã đến mức quá tải. Theo bác sĩ Galli, tin tốt là nhiều bệnh nhân khỏi bệnh đã được ra viện, tuy nhiên bệnh viện vẫn không có đủ giường bệnh để chữa trị cho tất cả bệnh nhân.
Mặt của các bác sĩ, y tá in hằn những nét mệt mỏi vì phải đeo kính bảo hộ liên tục trong suốt ca làm việc dài. Bức ảnh của 2 nữ y tá Alessia Bonari và Elena Pagliarini đã khiến dân mạng xúc động khi lột tả những cực khổ, sự nhọc nhằn và hy sinh của đội ngũ y bác sĩ trong tuyến đầu chiến đấu. Y tá Alessia Bonari (23 tuổi) ở thị trấn Tuscan của Grossetto với gương mặt bơ phờ sau ca làm việc. "Tôi là y tá và tôi đang phải đối mặt với dịch bệnh này hàng ngày. Tôi cũng cảm thấy sợ, tôi sợ phải đi làm. Tôi sợ vì khẩu trang có thể không bám kín vào mặt hoặc tôi có thể đã chạm găng tay bẩn vào người, hay kính đã không che hết mắt tôi và virus đã có thể xâm nhập lúc nào đó. Thân xác tôi mệt mỏi vì các thiết bị bảo vệ làm tôi bị thương, áo khoác phòng thí nghiệm khiến tôi đổ mồ hôi và một khi mặc bộ đồ bảo hộ này, tôi không còn có thể đi vệ sinh hoặc uống nước trong suốt 6 giờ đồng hồ", cô kể.
Bonari cho biết, dù cũng lo sợ và mệt mỏi nhưng sẽ chăm sóc tốt cho các bệnh nhân vì cô yêu công việc của mình. "Những khó khăn này sẽ không thể ngăn cản chúng tôi làm công việc của mình. Tôi sẽ tiếp tục chăm sóc những bệnh nhân vì tôi tự hào và yêu công việc. Điều tôi mong là mọi người đừng bao giờ ngừng nỗ lực, đừng ích kỉ, hãy ở nhà nếu bạn nghi ngờ mình bị nhiễm để bảo vệ những người yếu ớt hơn" Bonari chia sẻ.
Hình ảnh nữ y tá gục trên bàn phím, đang được chia sẻ rộng rãi, trở thành biểu tượng của các nhân viên y tế Italy trong cuộc chiến với đại dịch Covid-19. Bức ảnh đó là của Elena Pagliarini, một y tá ở khu vực phía Bắc của Lombardy, nơi dịch bệnh bùng phát nặng nhất tại Italy. Khi dịch bệnh bùng phát, những nhân viên y tế tại đây như Pagliarini đã bị đặt vào tình trạng căng thẳng rất lớn. "Tôi thực sự không cảm thấy mệt mỏi về thể chất. Tôi có thể làm việc liên tục trong 24 giờ nếu cần thiết nhưng tôi sẽ không che giấu sự thật rằng hiện tại tôi đang lo lắng vì tôi đang chiến đấu với kẻ thù mà tôi nắm rõ", cô Pagliarini nói.
Nhiều y bác sĩ đã thiệt mạng trong cuộc chiến với virus corona. Trong đó có Roberto Stella (67 tuổi) là người đứng đầu Hội y tế tỉnh Varese. Ông đã nỗ lực chữa trị cho các bệnh nhân, cho đến khi chính mình xuất hiện triệu chứng rồi nằm điều trị ở phòng chăm sóc tích cực. Ông qua đời ngày 11/3.
Lệnh phong tỏa kéo dài
Tình hình dịch bệnh ở Italy giờ đây bi đát đến mức nhiều địa phương ở miền Bắc phải huy động xe tải quân đội để chở các bệnh nhân thiệt mạng đến nhà thiêu xác. Mục cáo phó hàng ngày trên L'Eco di Bergamo, tờ báo địa phương tỉnh Bergamo tăng từ 2-3 trang lên đến 10 trang, có khi lên đến hơn 150 cái tên khiến Tổng biên tập Alberto Ceresoli đã phải ví đây như "bản tin chiến tranh".
Rất nhiều đám tang đã diễn ra với chỉ một linh mục và một nhân viên nhà tang lễ, các thành viên của gia đình không thể có mặt vì quy định cấm tụ tập, hoặc đang trong thời gian cách ly, hoặc bản thân họ quá ốm. Người dân mô tả Bergamo như một "vùng đất ma" nơi mà ban đêm chỉ thấy xe cứu thương và xe tang chạy trên đường phố.
Thủ tướng Italy Giuseppe Conte tuyên bố gần như chắc chắn, lệnh phong tỏa toàn bộ đất nước Italy sẽ được kéo dài quá thời hạn ngày 3/4 như dự tính ban đầu. Tại các vùng dịch ở miền Bắc, các quan chức bắt đầu hết kiên nhẫn và yêu cầu Chính phủ phải siết chặt hơn nữa các biện pháp phong tỏa. Trong tuần qua, cảnh sát Italy đã chặn hơn 1,2 triệu người cố tình ra đường mà không có việc khẩn cấp và phạt 51.000 người. Hơn 63.000 cửa hàng cũng đã bị kiểm tra và phạt vì vi phạm lệnh phong tỏa.