pnvnonline@phunuvietnam.vn
Nhiều người dân châu Âu vẫn coi virus corona "chỉ hơn cúm mùa thông thường chút"
Bài học từ tâm dịch Italy
Trong khi Trung Quốc đã vượt qua đỉnh dịch Covid-19 thì hơn 70% các ca nhiễm mới xuất hiện ở châu Âu.
Việc trở thành tâm dịch khiến châu Âu gần như bị "cách ly" với phần còn lại của thế giới, tương tự những gì đã diễn ra với Trung Quốc đại lục vào thời gian đầu bùng phát đại dịch.
Phát biểu sau cuộc họp trực tuyến của cại diện y tế từ khắp các khu vực, ông Hans Kluge cho biết, châu Âu đang là tâm điểm đầu tiên của đại dịch Covid-19. Ông kêu gọi tất cả các nước cùng nhau hợp tác, học hỏi lẫn nhau.
Chính vì người dân "Lục địa già" thờ ơ và xem thường chủng virus corona mới "chỉ hơn cúm mùa thông thường một chút", nên châu Âu đã không kịp trở tay khi bão dịch Covid-19 ập đến.
Trước tiên là ở Italy, với lệnh phong tỏa diễn ra, người dân Italy vẫn vô tư ra đường. Cho đến trước ngày 10/3, những khu nghỉ dưỡng trượt tuyết, sự kiện văn hóa tham gia tự do và các địa điểm vui chơi giải trí trên khắp đất nước vẫn đông người.
Từ những hoạt động chung đó, dịch bệnh lan nhanh khó kiểm soát. Đến nay, Italy tiếp tục là "ổ dịch" lớn nhất nằm ngoài Trung Quốc đại lục khi đến thời điểm này đã ghi nhận 31.506 người mắc bệnh COVID-19. Trong vòng 24 giờ qua, đã có thêm 345 ca tử vong vì nhiễm virus SARS-CoV-2, nâng tổng số ca tử vong ở quốc gia Nam Âu này lên 2.503 người.
Sau khi chứng kiến dịch bệnh ở Trung Quốc với thái độ thờ ơ lạ thường, châu Âu đã bị Italy làm cho khiếp sợ. Còn tại Pháp, tính đến 11h ngày 18/3, virus SARS-CoV-2 đã khiến 175 người tử vong, 7% trong số đó dưới 65 tuổi.
Pháp: Người dẫn vẫn vô tư tụ tập
Trong 24 giờ qua, Pháp xác nhận 1.067 trường hợp nhiễm mới, đưa tổng số bệnh nhân lên 7.730 người. Hiện nay, 2.579 bệnh nhân đang nhập viện, trong đó 699 người trong tình trạng phải chăm sóc đặc biệt.
Tình trạng dịch bệnh ở Pháp tăng lên cũng đến từ thái độ chủ quan của người dân. Dù dịch bệnh đang hoành hành khiến chính phủ phải ban hành nhiều biện pháp hạn chế, nhưng người dân dường như không quá bận tâm đến điều này. Sau khi Pháp hạn chế đi lại hôm 15/3, người dân vẫn thản nhiên ra đường mua sắm, đi dạo trong công viên và xếp hàng mua đồ. Mặc cho tình trạng trầm trọng hiện nay, người Pháp vẫn không tự hạn chế việc đi lại và khiến dịch bệnh có nguy cơ tăng theo cấp số nhân.
Các quảng trường thường đông đúc tại Paris trở nên vắng lặng sau những biện pháp mạnh tay của chính phủ. Thủ tướng Edouard Philippe nhấn mạnh ông buộc phải hành động quyết liệt sau khi những khuyến cáo hạn chế tụ tập đông người ban đầu không được người dân tuân thủ hiệu quả.
Tâm lý chủ quan dẫn đến dịch bệnh bùng phát là bài học đắt giá mà Pháp rút ra được từ "khu vực số 0" Italy. Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cũng cảnh báo người dân nên tuân thủ "kỷ luật" hơn, như hạn chế tiếp xúc với người khác, tránh mua sắm khi không cần thiết. Ông Macron quyết định đóng cửa hoàn toàn đất nước từ 12h ngày 17/3 để kiểm soát dịch bệnh, đồng thời cấm tập trung đông người trên toàn lãnh thổ, bao gồm cả những sự kiện gặp mặt gia đình. Chỉ những người ra có lý do cấp bách, thiết yếu và có bản cam kết mới được phép ra đường.
Chỉ trong vài giờ đầu áp dụng quy định mới, lực lượng cảnh sát Pháp đã thực hiện tới hơn 7.900 cuộc kiểm tra các phương tiện và người lưu thông trên đường phố tại thủ đô Paris và các khu vực lân cận. Cũng trong ngày 17/3, lực lượng cảnh sát đã xử phạt một số cơ sở kinh doanh như quán bar, nhà hàng vẫn mở cửa, bất chấp lệnh cấm của chính phủ.
Kể từ ngày 18/3, tất cả những người ra đường không có mục đích phù hợp và không có bản cam kết sẽ bị xử phạt hành chính với mức phạt tăng dần từ 38 Euro lên 135 Euro.
Các biện pháp hạn chế người dân ra ngoài nhằm mục tiêu lớn nhất là giảm tiếp xúc giữa người dân, với hy vọng giảm tình trạng lây nhiễm. Mặc dù tăng cường kiểm soát việc đi lại của người dân, nhưng chính phủ Pháp hiện chưa tính đến phương án thiết lập giờ giới nghiêm, cấm tuyệt đối người dân ra ngoài.
Giáo sư William Dab, cựu tổng giám đốc phụ trách y tế trong thời kỳ dịch SARS tỏ ra hết sức lo ngại và hy vọng việc cách ly sẽ thành công tại Pháp kẻo dịch corona sẽ biến thành thảm họa.
Giáo sư Dab nhận định tình hình rất trầm trọng, khiến ông chưa bao giờ lo sợ như thế. Hầu hết mọi người vẫn chưa ý thức được, vẫn cho rằng "cũng như cúm thông thường" mà thôi, các nhà hàng vẫn đầy người. Ông Dab cho rằng chính phủ đã nhận lấy trách nhiệm, nay đến lượt từng người dân phải nghiêm túc tôn trọng quy định tự cách ly: "Hãy ở nhà, ở nhà và ở nhà!".
Anh vẫn "bình chân như vại"
Bộ Y tế Anh cũng thông báo số ca nhiễm virus SARS-CoV-2 tại nước này trong vòng 24 giờ qua đã tăng 26%, từ 1.543 người lên thành 1.950 người, 71 người tử vong. Trong khi đó, Chính phủ Anh vẫn chưa áp dụng nhiều biện pháp kiểm soát dịch chặt chẽ như các nước châu Âu khác, bất chấp dịch COVID-19 đang lan rộng.
Người dân Anh dường như vẫn thờ ơ với dịch bệnh. Mọi hoạt động vui chơi, giải trí, du lịch, mua sắm... tại đây vẫn diễn ra bình thường giữa người dân và khách du lịch. Sự bình thản của nước Anh giữa thời điểm cả thế giới quay cuồng chống dịch khiến rất nhiều người ngạc nhiên.
Theo nhà báo Robert Peston của ITV – mạng lưới truyền hình của Anh có trụ sở chính tại London, chiến lược của chính phủ Anh nhằm hạn chế tác động của dịch Covid-19 là cho phép virus SARS-CoV-2 lây lan trong toàn bộ dân số để mọi người có thể đạt được miễn dịch cộng đồng.
Nếu Anh làm chậm sự lây lan của virus nhưng lại dựa vào miễn dịch cộng đồng để bảo vệ những người dễ bị tổn thương nhất, quốc gia này sẽ có tới 47 triệu người nhiễm bệnh. Thậm chí, nếu Anh nỗ lực để bảo vệ được những người dễ tổn thương nhất, tỷ lệ tử vong vẫn là 0,5% hoặc cao hơn. Điều đó tức là trong viễn cảnh "ít thiệt hại nhất", nước Anh sẽ có hơn 236.000 người tử vong vì dịch bệnh. Chờ đợi miễn dịch cộng đồng để chống dịch Covid-19 tại Anh bằng cách để virus lây lan trong cộng đồng không phải là một chiến lược y tế hiệu quả, dù thực hiện theo cách nào, nhất là khi "cái giá" phải trả của nó là quá đắt.
Dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 tiếp tục lây lan với tốc độ cao tại châu Âu khiến Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel thông báo các quốc gia thành viên của Liên minh châu Âu (EU) đã nhất trí quyết định đóng cửa biên giới ngoài EU trong 30 ngày đối với những người không phải là công dân của khối để ngăn chặn đại dịch.
Cùng với đó, EU thống nhất thiết lập các "tuyến đường xanh" ưu tiên cho giao thông thiết yếu để đảm bảo vận chuyển hàng hóa thông suốt. Điều này cũng áp dụng cho việc vận chuyển trang thiết bị y tế. EU cũng tìm cách phối hợp mua thiết bị y tế chung cho các nước thành viên. Các quốc gia thành viên cũng sẽ phối hợp để hồi hương các công dân châu Âu bị mắc kẹt ở nước ngoài bởi vô số lệnh đóng cửa biên giới và cấm giao thông áp được đặt trước sự lan rộng của đại dịch.