Đó là tin nhắn mà cháu Trịnh Đình Hải (25 tuổi, sinh viên Đại học Milan) nhắn cho mẹ khi vừa bước chân xuống Sân bay Nội Bài – trong chuyến bay từ Ý về Việt Nam vào tối hôm 8/3. Nhận được tin nhắn trên từ người con trai đã xa cách lâu ngày, vào đúng cái thời điểm mà ngày Quốc tế Phụ nữ đã cận kề qua, chị Nguyễn Thị Phương (48 tuổi, trú quận Long Biên, Hà Nội) không thể nào quên giây phút đó, "Cả tôi và con gái cùng ôm nhau, mừng rỡ, khóc".
Được biết, chỉ cách đó vài tiếng, khi chuyến bay của cháu Hải từ Ý trở về Việt Nam, Thủ tướng Ý Giuseppe Conte đã ra sắc lệnh phong tỏa toàn bộ nước Ý từ ngày 8/3 đến ngày 3/4. Trước khi lệnh phong tỏa này được ban hành, hơn nửa triệu người đã "chạy trốn" khỏi Ý.
Cho đến thời điểm hiện tại, virus Corona chủng mới (SARS-CoV-2) gây bệnh Covid-19 lây lan ra hơn 140 quốc gia và vùng lãnh thổ, khiến hơn 5.600 người tử vong. Đến tối 14/3, Ý thông báo tổng số ca nhiễm tăng lên thành 21.157 với 1.441 ca tử vong. Trước đó, ngày 8/3, Thủ tướng Ý Giuseppe Conte đã ra sắc lệnh phong tỏa toàn bộ nước Ý từ ngày 8/3 đến ngày 3/4, nhằm kiểm soát chặt chẽ người ra vào vùng cách ly và ngăn chặn dịch Covid-19 lây lan, củng cố năng lực các bệnh viện trong bối cảnh số bệnh nhân liên tục tăng vọt tại quốc gia này.
Sau khi đáp xuống Sân bay Nội Bài, Hải cùng nhiều người Việt từ các vùng dịch ở châu Âu trở về liền được các cán bộ y tế đưa đến khu cách ly tập trung tại Trường Quân sự tỉnh Bắc Ninh. Trước đó, cháu Hải đã khai báo y tế bắt buộc bằng hình thức điện tử ngay trước khi thực hiện chuyến trở về Việt Nam.
Từ ổ dịch Hồ Bắc đến ổ dịch Milan
Với tâm thái an yên, vẻ mặt đầy phúc hậu, ngồi cạnh dòng sông Hồng với nước sóng trải dài như vô tận, những chiếc tàu vận tải như những con kiến càng rẽ sóng tiến về phía trước, lướt qua gầm cầu Chương Dương cao rộng, chị Phương chẳng thể nào quên quãng thời gian bão táp vừa qua.
Chị Phương kể lại hành trình đồng hành cùng con từ tâm đại dịch Covid-19 ở Ý trở về Việt Nam
Từ những ngày đầu dịch Covid-19 bùng phát ở tỉnh Hồ Bắc (Trung Quốc), chị Phương đã thường xuyên cập nhật tin tức hàng ngày và theo dõi những khuyến cáo của Bộ Y tế. Cho đến cuối tháng 2/2020, khi tại Ý bắt đầu xuất hiện những ca nhiễm đầu tiên, sau đó vài ngày, chị Phương thấy số lượng ca nhiễm tại quốc gia này tăng lên chóng mặt. Lúc này, con chị đã hoàn thành việc học và đang trong thời gian chuẩn bị làm lễ tốt nghiệp (diễn ra vào ngày 20/3).
Thấy tình hình trở nên căng thẳng, theo linh tính của người mẹ, chị Phương cảm thấy diễn biến ở Ý sẽ giống như ở Hồ Bắc, lúc đầu cũng chỉ là một ca nhiễm đầu tiên, rồi tăng lên 10 ca, 20 ca nhiễm, càng về sau số lượng càng tăng theo cấp số nhân. Chị Phương bèn gọi hỏi con và nhiều lần nhận được câu trả lời: "Ở đây không có vấn đề gì đâu mẹ!". Thấy con lạc quan quá, để tránh tình huống như ở Hồ Bắc, chị bèn nhắc nhở con, nếu con còn muốn chờ đến ngày tốt nghiệp thì cần mua sắm dần khẩu trang, dụng cụ sát khuẩn và cả những thực phẩm cần thiết – nên tránh mua đồ tươi, chủ yếu mua đồ khô (gạo, trứng, đồ hộp…) vì sẽ để được lâu ngày.
Hàng ngày, cứ tầm 1-2h sáng sau khi xong việc ở cửa hàng là chị Phương lại gọi điện thoại qua Messenger của Facebook để trò chuyện với con, tương ứng với thời gian trên ở bên Ý là vào khoảng 7-8h tối. Có lần, nghe con chia sẻ: "Mẹ ơi, ở bên đây họ nhởn nhơ lắm, ra ngoài đường họ không có đeo khẩu trang đâu!". Chị Phương cảm thấy lo lắng vì theo chị biết, ở Ý có rất nhiều sinh viên các nước đến học, đặc biệt sau kỳ nghỉ dài ngày sinh viên từ quốc gia quê hương (Đức, Pháp, Trung Quốc, Hàn Quốc,…) sẽ quay trở lại trường học. Vì thế, việc người dân không đeo khẩu trang khiến nguy cơ bị lây nhiễm virus Covid-19 rất cao. Thực tế đã chứng minh, càng về sau đó, số lượng ca nhiễm Covid-19 ở Ý tăng rất nhanh, đến ngày 29/2 có 888 ca nhiễm và 21 ca tử vong.
Nóng ruột gan, chị Phương luôn nhắc nhở con lúc nào cũng phải đeo khẩu trang, đặc biệt là khi ra ngoài, nhưng "Nếu đeo khẩu trang thì ra ngoài lại bị đánh. Bởi họ bảo, nếu đeo khẩu trang ra ngoài có nghĩa là bị bệnh rồi. Hãy ở nhà đi. Bị bệnh ra đường làm gì?" - Hải chia sẻ với mẹ. Lắng nghe vấn đề của con, chị Phương bèn bày cách: "Con lấy khăn quàng kín miệng và mũi, xong rồi mặc áo rét và chùm mũ lên thì họ sẽ không biết mình đeo khẩu trang, mà họ chỉ nghĩ rằng mình sợ lạnh".
Ngoài ra, từ việc nắm bắt những thông tin về phòng chống dịch bệnh mà Bộ Y tế nước nhà đã khuyến cáo, chị Phương lại truyền tải đến con như phải thường xuyên xúc miệng, bên mình lúc nào cũng phải có lọ dung dịch sát khuẩn để sát khuẩn tay và rửa tay liên tục. Ở ký túc xá, mỗi lần ra bếp hay làm bất kể một việc gì (quét nhà…), trước khi dùng con đều lau, khử trùng, sau khi dùng lại khử trùng. Làm như vậy trước hết là để bảo vệ mình, sau nữa là để các bạn ở chung phòng hay trong ký túc xá đỡ bị lây chéo nhau. Khi ra siêu thị, chị dặn con nên mua đồ gì về, con rửa như thế nào, khử trùng ra làm sao rồi mới ăn…
"Đấy là nỗi niềm của người mẹ khi cảm thấy bất an, phải dạy con từng tý một, dặn từng ly từng tý một", chị Phương tâm sự. Đến khi, dịch bệnh ở Ý trở nên kinh khủng quá, ngày 1/3 có 1.128 ca nhiễm và 29 ca tử vong, ngày 4/3 có 2.502 ca nhiễm và 79 ca tử vong… chị Phương không còn nghĩ gì nữa chị gọi ngay cho con: "Thôi, con bỏ hết đi, kể cả họ không cho mình tốt nghiệp hay chăng nữa. Về, mình bắt đầu lại từ đầu, không có sao cả, còn người còn của".
Nghe lời mẹ, sau khi giải quyết rất nhiều việc như trả phòng, làm thủ tục với trường… Hải đã đặt vé máy bay từ Ý trở về Việt Nam thành công, chuyến bay của cháu sẽ cất cánh vào ngày 8/3. Trước khi Hải về nước, chị Phương dặn con phải đăng ký y tế: "Con đăng ký để khi mà con về đến đây, bản thân là con bảo vệ cho con, nhưng chính bảo vệ cho mẹ, cho em con và nhiều người khác nữa".
"Mẹ ơi, con đã ở Việt Nam rồi!"
Càng gần đến ngày con về, những tin tức dồn tập từ Ý đến, ngày 6/3 có 3.853 ca nhiễm và 148 ca tử vong, ngày 8/3 tăng lên chóng mặt tới 5.883 ca nhiễm và 233 ca tử vong… khiến chị Phương bồn chồn, không yên. Trong căn nhà, mặc dù đã nhận được rất nhiều bó, lãng hoa gửi đến chúc mừng nhân ngày Quốc tế Phụ nữ nhưng vẫn không xoa được nỗi niềm của chị, vì là một người mẹ nên thứ chị mong muốn nhất bây giờ là con bình an trở về.
Bởi vậy khi, nhận được tin nhắn của con: "Mẹ ơi, con đã ở Việt Nam", Hải nhắn cho mẹ khi vừa đặt chân xuống Sân bay Nội bài trên chuyến bay từ Ý về Việt nam, chị Phương đã khóc vì mừng rỡ, vậy là món quà quan trọng nhất trong ngày 8/3 đã đến với chị. "Mình luôn nghĩ rằng, bản tính người Việt Nam vốn nhân hậu nên sẽ luôn luôn gặp được những điều may mắn và câu chuyện của mình cũng vậy. Vì vậy, khi con về đến Việt Nam rồi, mình nghĩ kể cả con có bị nhiễm bệnh đi chăng nữa, thì tại đây vẫn là nơi an toàn nhất", chị Phương chia sẻ.
"Thật đúng là, cám ơn Chính phủ Việt Nam, cảm ơn Bộ Y tế, cảm ơn rất nhiều người.... đã chung tay góp sức lại thì mới có được một đất nước Việt Nam an toàn như thế này.", chị Nguyễn Thị Phương chia sẻ.
Cùng lúc ấy, tại Dubai, một người bạn học cùng với con chị Phương nhắn với cháu Hải khi đang trên đường trở về Việt Nam: "Chết rồi, tớ bị đuổi ra khỏi Sân bay Dubai rồi!". Nghe con kể lại, chị Phương nói với con: "Lạy giời, còn rất nhiều người đang học ở bên đấy chưa thể về được Việt Nam, chưa được may mắn như con. Vậy nên, con hãy cố gắng truyền tải những thông tin về dịch bệnh và cách phòng chống dịch cho bạn bè của con còn đang ở bên Ý nhé".
Sau khi đáp xuống sân bay, Hải liền được các cán bộ y tế trực tại sân bay tiếp nhận và đưa đi cách ly ở Trường Quân sự tỉnh Bắc Ninh. Hiện tại, tinh thần của Hải rất ổn định. Hàng ngày chị Phương có liên lạc với con qua Messenger, Zalo, và được con cho biết, ở đây con được các quân nhân chăm sóc rất chu đáo, mỗi ngày kiểm tra y tế 2 lần, khẩu trang mỗi ngày được phát một lần, ngày ăn 3 bữa và được tập thể thao…
Từ ngày con trở về nước, chị Phương mới nhìn thấy con được một lần và chỉ còn vài ngày nữa thôi (22/3) khi hết hạn cách ly, mẹ con chị sẽ chính thức được đoàn tụ sau nhiều tháng xa cách. Với việc con có được tốt nghiệp nữa hay không chị cũng không đặt nặng nữa, bởi lượng kiến thức mà con được học và sự mở mang khi con được bước chân ra đến thế giới cũng đã theo con về Việt Nam rồi.
Cũng qua đây, chị Phương muốn chia sẻ với tất cả những bà mẹ có con ở xa mà chưa thể về được Việt Nam là hãy bình tĩnh. Thay vì nôn nóng, các mẹ hãy cùng con đưa ra những phương án để tự bảo vệ mình. Còn đối với những con chưa về được, chị Phương có lời gửi gắm: "Các con hãy an tâm, Chính phủ Việt Nam không bỏ rơi các con. Trong thời gian chờ đợi, các con hãy biết cách để tự bảo vệ và chăm sóc bản thân".
Bài, ảnh, video: Trường Hùng