Kẻ phóng hỏa sát hại cả gia đình em gái đối diện mức án nào?

Nguyễn Long
18/03/2020 - 18:10
Kẻ phóng hỏa sát hại cả gia đình em gái đối diện mức án nào?
Dưới góc độ pháp lý, Luật sư Diệp Năng Bình cho biết, mức án dành cho 2 kẻ gây ra vụ hỏa hoạn khiến 3 người trong một gia đình tử vong có thể sẽ phải đối diện mức án cao nhất.

Ngày 18/3, Công an tỉnh Hưng Yên ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can, bắt tạm giam đối với Đào Danh Việt (SN 1961, trú tại Khoái Châu, Hưng Yên) và Lò Văn Hà (SN 1990, trú tại Thuận Châu, Sơn La) để điều tra về hành vi Giết người. Đào Danh Việt là anh ruột của nạn nhân Đào Thị Chiến.

Theo tài liệu của cơ quan công an, Việt và Hà là 2 đối tượng đã phóng hỏa khiến 3 người trong một gia đình tử vong hôm 15/3 xảy ra tại xã Nhuế Dương (Khoái Châu, Hưng Yên). 

Bước đầu Việt khai nhận, do mâu thuẫn nên đã rủ Lò Văn Hà đi mua xăng về phóng hoả đốt nhà nhà em gái, tại địa chỉ thôn Lê Lợi (xã Nhuế Dương). 

Hai kẻ phóng hỏa đốt nhà khiến 3 người tử vong đối diện án tử - Ảnh 1.

Đào Danh Việt (SN 1961, trú tại Khoái Châu, Hưng Yên, bên phải) và Lò Văn Hà (SN 1990, trú tại Thuận Châu, Sơn La) tại cơ quan công an.

Trước đó, vụ hỏa hoạn xảy ra vào khoảng 23h50 ngày 15/3, tại nhà ông Vương Gia Mười. Hậu quả khiến hai vợ chồng ông Vương Gia Mười, bà Đào Thị Chiến (cùng SN 1967) và người con trai Vương Gia Cao Thắng (SN 2008) tử vong. Cháu Nguyễn Vương Ngọc Anh (SN 2012, cháu ngoại của ông Mười) bị thương, được đưa đi cấp cứu. 

Hiện cháu Ngọc Anh đã qua cơn nguy kịch và tiếp tục được điều trị tích cực tại Bệnh viện Bỏng Quốc gia.

Hai kẻ phóng hỏa đốt nhà khiến 3 người tử vong đối diện án tử - Ảnh 2.

Hiện tường vụ cháy.

Dưới góc độ pháp lý, Luật sư Diệp Năng Bình (Đoàn Luật sư TP. HCM) cho biết, quyền con người luôn là vấn đề quan tâm hàng đầu của mọi chính sách xã hội và pháp luật của Đảng và Nhà nước. Đấu tranh bảo vệ quyền con người là trách nhiệm của Nhà nước và mọi cá nhân trong xã hội, tại Điều 20 Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 2013 quy định: "1. Mọi người có quyền bất khả xâm phạm về thân thể, được pháp luật bảo hộ về sức khỏe, danh dự và nhân phẩm, không bị tra tấn, bạo lực, truy bức, nhục hình hay bất kỳ hình thức đối xử nào khác xâm phạm thân thể, sức khỏe, xúc phạm danh dự, nhân phẩm".

Hai kẻ phóng hỏa đốt nhà khiến 3 người tử vong đối diện án tử - Ảnh 3.

Luật sư Diệp Năng Bình (Đoàn Luật sư TP. HCM).

Hành vi phạm tội của các đối tượng là đặc biệt nghiêm trọng đã tước đoạt đi tính mạng của 03 người và làm 01 cháu bé bị thương nặng đã cấu thành tội giết người theo điểm a, b, n Khoản 1 Điều 123 Bộ luật hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung 2017. 

Mức án nặng nhất mà các đối tượng phải chịu có thể là tử hình.

Luật sư Bình cho biết thêm, hành vi phạm tội của các đối tượng còn gây thiệt hại nghiêm trọng đến tài sản của gia đình đã cấu thành tội hủy hoại tài sản theo Điều 178 BLHS. Kết quả định giá tài sản bị cháy sẽ là căn cứ xử lý tương ứng với với hậu quả thiệt hại gây ra.

"Hậu quả của vụ án là hết sức nặng nề, gây căm phẫn trong dư luận bởi sự tàn ác ngay với chính người ruột thịt trong gia đình nên thiết nghĩ cần phải điều tra, truy tố và xử lý nghiêm minh theo quy định của pháp luật", Luật sư Bình nói.

Điều 123. Tội giết người

1. Người nào giết người thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình:

a) Giết 02 người trở lên;

b) Giết người dưới 16 tuổi;

n) Có tính chất côn đồ;

Điều 178. Tội hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản

1. Người nào hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản của người khác trị giá từ 2.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng hoặc dưới 2.000.000 đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:

a) Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về một trong các hành vi quy định tại Điều này mà còn vi phạm;

b) Đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm;

c) Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội;

d) Tài sản là phương tiện kiếm sống chính của người bị hại và gia đình họ;

đ) Tài sản là di vật, cổ vật.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm:

a) Có tổ chức;

b) Gây thiệt hại cho tài sản trị giá từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng;

c) Tài sản là bảo vật quốc gia;

d) Dùng chất nguy hiểm về cháy, nổ hoặc thủ đoạn nguy hiểm khác;

đ) Để che giấu tội phạm khác;

e) Vì lý do công vụ của người bị hại;

g) Tái phạm nguy hiểm,

3. Phạm tội gây thiệt hại cho tài sản trị giá từ 200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 10 năm.

4. Phạm tội gây thiệt hại cho tài sản trị giá 500.000.000 đồng trở lên, thì bị phạt tù từ 10 năm đến 20 năm.

5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm