Kết nối cung cầu, tiêu thụ nông sản cho vùng dân tộc thiểu số, miền núi và hải đảo

Thu An
19/09/2022 - 13:32
Kết nối cung cầu, tiêu thụ nông sản cho vùng dân tộc thiểu số, miền núi và hải đảo

Hoạt động kết nối cung cầu, tiêu thụ nông sản, đẩy mạnh phát triển thị trường nông sản.

Bà Lê Việt Nga, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước, Bộ Công Thương cho biết: Bộ Công Thương đã có các chương trình, đề án cụ thể, thực hiện nhiều hoạt động kết nối cung cầu, tiêu thụ nông sản để triển khai có hiệu quả Chương trình phát triển thương mại miền núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo trong giai đoạn 2021-2025.

Xoài tròn Yên Châu, nhãn sông Mã (tỉnh Sơn La), vải thiều Lục Ngạn (tỉnh Bắc Giang), cam Cao Phong (tỉnh Hòa Bình)... là những mặt hàng nông sản tiêu biểu của mỗi địa phương, không chỉ đáp ứng được nhu cầu tại địa phương mà còn được tiêu thụ mạnh ở thị trường trong nước và xuất khẩu.

Có được kết quả này là nhờ việc triển khai các chính sách hỗ trợ của Chính phủ và các Bộ, ngành, địa phương trong thời gian qua, góp phần thúc đẩy hoạt động kinh tế thương mại tại miền núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo đã có những chuyển biến đáng kể, góp phần tạo ra cơ hội giảm nghèo, cải thiện đời sống cho người dân nơi đây.

Kết nối cung cầu, tiêu thụ nông sản cho vùng dân tộc thiểu số, miền núi và hải đảo  - Ảnh 1.

Vải thiều Lục Ngạn được giới thiệu đến người tiêu dùng.

Ông Trần Duy Đông, Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) cho biết: Để triển khai có hiệu quả "Chương trình phát triển thương mại miền núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo trong giai đoạn 2021 - 2025", góp phần mở rộng thị trường tiêu thụ cho các sản phẩm tiềm năng, lợi thế của khu vực này, việc đẩy mạnh công tác tuyên truyền, quảng bá, giới thiệu về các sản phẩm của miền núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo đóng vai trò rất quan trọng. Đây là yếu tố góp phần kết nối và đưa sản phẩm đến gần hơn với người tiêu dùng nhằm kích thích tiêu thụ, thúc đẩy sản xuất, phát triển thương mại của miền núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo nhằm thu hẹp khoảng cách chênh lệch giữa các vùng miền.

Thông tin chi tiết hơn về hoạt động Kết nối cung cầu, tiêu thụ nông sản cho nông sản vùng dân tộc thiểu số, miền núi và hải đảo, bà Lê Việt Nga, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước, Bộ Công Thương chia sẻ: Hoạt động kết nối cung cầu tiêu thụ nông sản cho các địa phương đã được Bộ Công thương quan tâm, đẩy mạnh từ khi có cuộc vận động người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam do Bộ chính trị Việt Nam phát động năm 2009. Bên cạnh đó, Bộ Công thương cũng đã triển khai để thể chế hóa, đưa vào các cơ chế chính sách, các chương trình đề án cụ thể trình Thủ tướng Chính phủ ký ban hành và giao cho Bộ Công Thương thực hiện nhiều hoạt động hiệu quả. Trong đó, hoạt động kết nối cung cầu, tiêu thụ nông sản, đẩy mạnh phát triển thị trường nông sản.

Kết nối cung cầu, tiêu thụ nông sản cho vùng dân tộc thiểu số, miền núi và hải đảo  - Ảnh 2.

Hoạt động kết nối cung cầu, tiêu thụ nông sản, đẩy mạnh phát triển thị trường nông sản.

Các chương trình này có thể kể đến là:

Trước hết, đó là Cuộc vận động người Việt Nam ưu tiên dùng Việt Nam (Cuộc vận động) với giải pháp quan trọng là phát triển thị trường trong nước gắn với Cuộc vận động giai đoạn 2014 – 2020 và hiện nay đã có giai đoạn mới là 2021 – 2025. Trong đó hoạt động kết nối cung cầu là một trong những hoạt động quan trọng nhất được từ tuyến các địa phương, cụ thể là các Sở Công thương cho đến các Hiệp hội ngành hàng, ngành nghề và các tổ chức hiệp hội khác; các doanh nghiệp cũng tự tổ chức các hoạt động của mình.

Thứ hai dựa vào chương trình xúc tiến thương mại quốc gia giai đoạn 2010-2020 và giai đoạn hiện nay đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tiếp đến 10 năm tới. Trong đó hoạt động kết nối cung cầu cả về online và offline đã được triển khai tốt, không chỉ thị trường trong nước mà còn kết nối bằng các phiên online để đưa ra nước ngoài những mặt hàng nông sản, tiếp tục thu về kim ngạch xuất khẩu lớn đối với mặt hàng nông sản.

Chương trình thứ ba triển khai tích cực là lồng ghép tiêu thụ nông sản, kết nối đưa vào các chương trình bình ổn thị trường của các tỉnh, thành phố. Thời gian vừa qua đã có hơn 50 tỉnh, thành phố triển khai chương trình kết nối cung cầu này để đưa hàng nông sản đến với những thị trường tiêu thụ lớn tại các thành phố lớn như Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Đà Nẵng…

Các chương trình khác dựa vào để đẩy mạnh hỗ trợ cho đồng bào dân tộc ở miền núi, hải đảo, là chương trình phát triển thương mại ở vùng biên giới, hải đảo, miền núi được để thu hẹp khoảng các, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân ở các khu vực còn khó khăn này.

Giai đoạn mới này Thủ tướng Chính phủ rất quan tâm và phê duyệt 2 đề án mới hỗ trợ cho hàng hóa nông sản của khu vực có nhiều đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Đó là đề án đổi mới phương thức tiêu thụ nông sản giai đoạn 2021-2030, có nhiều hoạt động trong đó quan trọng là kết nối cung cầu tiêu thụ nông sản là một trong những điểm nhấn quan trọng nhất. Một đề án nữa là đề án nằm trong chương trình mục tiêu quốc gia phát triển đời sống xã hội của đồng bào dân tộc thiểu số giai đoạn đến năm 2030. Trong đó, Thủ tướng Chính phủ đã giao cho Bộ Công Thương hỗ trợ tiêu thụ hàng hóa cho đồng bào dân tộc, đặc biệt là đồng bào dân tộc sống ở khu vực miền núi.

Bốn năm gần đây, nhờ có chương trình mục tiêu quốc gia phát triển Nông thôn mới, với chương trình hàng hóa OCOP nằm trong khuôn khổ chương trình này, Bộ Công Thương tích cực kết nối hàng hóa đã được các cấp có thẩm quyền cấp chứng chỉ 3 sao – 5 sao để đưa vào hệ thống phân phối hiện đại uy tín, hệ thống phân phối online, các sàn thương mại điện tử, để đưa vào các thị trường khó tính nhất trong và ngoài nước.

Chương trình thương mại điện tử thời gian gần đây đã có bước tiến vượt bậc, khi trong đại dịch Covid-19 vẫn tiếp tục tiêu thụ được nông sản. Khi các kênh phân phối gặp nhiều khó khăn trong mùa dịch thì kênh thương mại điện tử kết nối, giải cứu hàng hóa, nông sản để đưa vào các kênh phân phố và đến với 100 triệu người dân Việt Nam và đảm bảo đời sống của người dân với những mặt hàng thiết yếu nhất, đặc biệt là hàng hóa nông sản.

"Đây là những chương trình, cơ chế chính sách quan trọng, này là bản lề, là khung cho các ngành cũng như các địa phương bám sát vào đó để hỗ trợ tiêu thụ nông sản cho đồng bào ở khu vực khó khăn nhất: miền núi, biên giới và hải đảo"- bà Lê Việt Nga nhấn mạnh.


Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm