pnvnonline@phunuvietnam.vn
Khám chữa bệnh từ xa qua: Thay đổi từ thói quen cũ sang phương pháp mới
Hệ thống khám chữa bệnh từ xa (Telehealth) là một bước tiến lớn của ngành y tế Việt Nam. Ảnh: VTS
Tại thời điểm dịch Covid-19 đang hoành hành thì nền tảng khám chữa bệnh từ xa sẽ thực sự phát huy hiệu quả khám chữa bệnh cho người dân mà vẫn đảm bảo yêu cầu giãn cách xã hội, đặc biệt là đối với bệnh nhân cao tuổi, khó khăn trong việc di chuyển, bệnh nhân ở vùng sâu, vùng xa trên khắp cả nước.
Theo Nguyễn Mạnh Hổ, Tổng giám đốc Tổng Công ty Giải pháp Doanh nghiệp Viettel (Viettel Solutions), cho biết, trong thời gian tới, Viettel sẽ đưa các ứng dụng công nghệ mới vào hệ thống khám chữa bênh từ xa như trí tuệ nhân tạo AI trong việc chẩn đoán hình ảnh, chỉ ra những bệnh án thường gặp, hạn chế rủi ro; ứng dụng công nghệ phân tích dữ liệu BigData giúp bác sĩ đưa ra quyết định dựa trên lịch sử hàng nghìn các bệnh án trước... Đặc biệt, Viettel sẽ phát triển thêm các phân hệ mới, trong đó có phân hệ cho người dân - Telecare, giúp kết nối bệnh nhân với bác sĩ, bệnh viện thông qua ứng dụng trên điện thoại, có chức năng đặt lịch khám, khám bệnh định kỳ, tư vấn, video call…
Có thể nói, mỗi khi ngã bệnh, ai cũng có tâm lý mong muốn được các bác sĩ giỏi nhất cùng với các trang thiết bị y tế hiện đại thăm khám và được dùng các loại thuốc tốt nhất. Việc chuyển tuyến mặc dù đã có thông tư quy định rõ nhưng từ trước đến nay vẫn luôn là vấn đề phức tạp.
Hệ thống khám chữa bệnh từ xa Telehealth có thể làm giảm lưu lượng chuyển tuyến của người dân, đồng thời giúp cho mọi chi phí của người bệnh giảm tối đa. Qua Telehealth, bác sĩ có thể chuyển các ca bệnh khó, phức tạp để các bệnh viện tuyến trên hội chẩn. Thông qua hệ thống Telehealth, các bác sĩ tại tuyến trên có thể xem được các thông tin xét nghiệm, kết quả siêu âm, X-quang và lịch sử khám bệnh của bệnh nhân, từ đó đưa ra chẩn đoán và chỉ định trên hệ thống. Đối với các trường hợp cần chuyển tuyến, bệnh nhân không phải đến bệnh viện để nhận giấy tờ chuyển tuyến mà bệnh viện tuyến dưới sẽ chuyển thông tin của bệnh nhân lên tuyến trên qua hệ thống.
Telehealth còn có thể tích hợp được với các hệ thống đang triển khai tại các bệnh viện theo chuẩn kết nối dữ liệu y tế do thế giới quy định của ngành y tế. Cho phép cập nhật thông tin lịch sử khám chữa bệnh của người dân và lưu trữ hồ sơ bệnh án trong suốt quá trình điều trị cũng như chia sẻ thông tin bệnh án (khi được người bệnh cho phép) giữa các cơ sở y tế. Đưa ra các cảnh báo về những trường hợp bệnh tương tự và các lỗi thường gặp của bác sĩ, giúp hỗ trợ tốt hơn công tác điều trị. Qua đó rút ngắn cho bác sĩ ít nhất 1/3 thời gian. Đặc biệt là hệ thống đảm bảo an toàn, bảo mật tuyệt đối thông tin cho người bệnh cũng như bệnh viện.
Bên cạnh đó, quy trình "siêu âm từ xa" được thực hiện nhanh chóng, hiệu quả thông qua thiết bị siêu âm tại bệnh viện tuyến dưới. Hệ thống kết nối trực tiếp với máy siêu âm tại cơ sở y tế tuyến dưới, chuyển dữ liệu lên hệ thống Telehealth để các bác sĩ tuyến trên tham gia siêu âm cùng và tư vấn trực tiếp cho tuyến dưới. Telehealth đảm bảo chất lượng hình ảnh siêu âm được truyền tải.
Một vấn đề được quan tâm là các dịch vụ liên quan đến sinh đẻ. Việc phải thường xuyên theo dõi thai kỳ và thai nhi khiến cho những lượt đi lại của thai phụ tăng lên, bên cạnh đó còn có những ca buộc phải thăm khám ở tuyến trên mà nhiều người dân không có điều kiện để di chuyển.
"Hiện tại sản phụ khám bệnh vẫn phải đến cơ sở y tế tuyến dưới để khám bệnh. Tuy nhiên với các trường hợp đặc biệt, khó thì sản phụ có thể được các bác sĩ tại các bệnh viện tuyến trên chẩn đoán và hỗ trợ kịp thời, hạn chế việc sản phụ phải di chuyển lên các bệnh viện trên. Ngoài ra, bên cạnh các ca bệnh cần hỗ trợ thì thông qua Telehealth có thể thực hiện tư vấn siêu âm thai từ xa", ông Nguyễn Mạnh Hổ cho biết.
Trong thực tế, Telehealth đã cứu được nhiều sản phụ trong những trường hợp đặc biệt, khẩn cấp ví dụ trường hợp thai phụ L.M.D (20 tuổi, dân tộc Dao ở Pác Nặm, Bắc Kạn) được chuẩn đoán chửa trứng ở tháng thứ 2 của thai kỳ. Chị D. đã được Bệnh viện tỉnh Bắc Kạn đưa ca bệnh ra xin ý kiến hội chẩn tại buổi khám, chữa bệnh từ xa của Bệnh viện Phụ sản Hà Nội. Tại buổi hội chẩn qua Telehealth, phương án được đưa ra với bệnh nhân D là cần hút buồng tử cung để giải phẫu bệnh, từ đó mới có kết luận chính xác xem có đúng là thai trứng không và thai trứng phát triển ở mức độ nào…
Cũng theo ông Nguyễn Mạnh Hổ, khi dự khai trương nền tảng khám chữa bệnh từ xa, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc kỳ vọng nền tảng này có thể được triển khai khắp 14.000 cơ sở y tế trên cả nước. Tuy nhiên, ông Hổ cũng cho rằng, thách thức lớn nhất cho việc triển khai này là phải thay đổi thói quen của người dân, các y bác sĩ từ cách thức khám chữa bệnh cũ sang phương pháp khám chữa bệnh mới.
Telehealth là một bước tiến lớn của ngành y tế Việt Nam, có thể ngăn chặn bệnh lây lan, giúp người dân dễ dàng tiếp cận dịch vụ y tế hơn, đồng thời tạo ra những bước tiến mạnh mẽ cho y tế "hậu Covid-19".