Bí mật về sở thích bắt nạt bạn của cậu bé 10 tuổi

Gia Linh
19/06/2020 - 20:11
Bí mật về sở thích bắt nạt bạn của cậu bé 10 tuổi

Ảnh minh hoạ

Cô con gái lớp 5 về kể với mẹ thường xuyên bị một bạn trai trong lớp bắt nạt, chị Huyền Trang (Kim Liên, Hà Nội) khá lo lắng. Tuy nhiên, thấy con vẫn vui vẻ và không bị ảnh hưởng tâm lý, chị không làm ầm ĩ và theo dõi xem sao.

Theo như con gái kể, cậu bé tên Dũng này là học sinh cá biệt ở lớp. Cậu bé không bao giờ chịu ngồi yên trong lớp. Chỉ cần cô giáo mải viết bảng là cậu tìm cách trêu chọc các bạn xung quanh. Lúc thì cậu ném sách vở của các bạn sang bàn khác, lúc lại giấu bút, giấy, dụng cụ học tập của bạn cùng bàn.

Con gái chị Huyền Trang cũng là nạn nhân thường xuyên của cậu bạn ấy. Đang ngồi học, con liền bị bạn giật tóc, kéo áo khiến con không tập trung được. Đặc biệt, giờ ra chơi, cậu bé này thường xuyên trêu chọc, làm phiền các bạn gái. Các bạn gái đang chơi ở đâu, cậu cũng phải nhảy vào giữa phá đám. Thỉnh thoảng các bạn gái có mách cô giáo nhưng cậu bé vẫn không thay đổi. "Sở thích" của cậu là khiến các bạn gái tức phát điên lên, thậm chí khóc càng tốt.

Có hôm, đi học về, con gái chị Huyền Trang mách với mẹ bị bạn Dũng hét lên là "Anh yêu em". Cô con gái có vẻ rất tức giận, hậm hực. Chưa hết, con còn bị bạn Dũng ôm và vuốt tóc. Ở vào tuổi lên 10, trước hành động của bạn trai mà con không yêu quý, con cảm thấy rất sợ hãi.

Bí mật về sở thích bắt nạt bạn của cậu bé 10 tuổi - Ảnh 1.

Ảnh minh họa

Chị Huyền Trang quyết định gặp cô giáo để nói chuyện. Cô giáo không bất ngờ khi học sinh cá biệt trong lớp bị phụ huynh "tố". Chỉ có điều, nghe hoàn cảnh của cậu bé, chị Huyền Trang mới hiểu và thông cảm cho đứa trẻ thiệt thòi. Cậu bé từ nhỏ đã không được sống cùng mẹ. Bố cậu bé bị đi tù, mẹ đi làm ăn xa. Cậu bé sống cùng ông bà ngoại.

Chị Huyền Trang hiểu rằng, đó không phải là đứa trẻ hư. Chẳng qua, tất cả những hành động của cậu chỉ để gây sự quan tâm, chú ý của mọi người xung quanh. Ở nhà, cậu là đứa trẻ cô đơn. Khi những đứa trẻ khác cả ngày đi học ở trường, tối về được mẹ ôm ấp, vỗ về thì bao nhiêu tủi thân, ấm ức với bạn bè, với người khác sẽ tan biến. Còn cậu bé không có cơ hội ấy. Ông bà cậu không thể thay mẹ cậu làm việc đó. Ông bà đã già, chỉ lo nuôi cậu ăn học cũng đã khiến ông bà mệt mỏi lắm rồi.

Chị Huyền Trang liền nói chuyện với con gái không nên xa lánh, "kỳ thị" cậu bé. Thỉnh thoảng, có quyển truyện gì hay, chị bảo con mang đến cho bạn mượn. Chị hy vọng, khi được tiếp cận với sách, cậu bé sẽ bớt cô đơn hơn và sẽ tìm thấy niềm vui trong các câu chuyện thú vị. Chị Huyền Trang cũng dặn con thường xuyên nói chuyện với bạn, kéo bạn vào các trò chơi tập thể.

Một thời gian sau, con gái khoe với mẹ, cậu bé đã thôi hẳn trò bắt nạt các bạn gái trong lớp. Chỉ có điều, lực học của cậu bé vẫn không thay đổi, vẫn đứng ở cuối lớp. Vì không hiểu bài nên trong lớp cậu vẫn còn ngọ nguậy, không tập trung học. Chắc do ở nhà không có ai kèm học bài nên cậu ấy đã hổng những kiến thức cơ bản. Với tình hình này, không biết cậu ấy có theo được ở các lớp cao hơn. Cũng không biết rằng, khi bước vào tuổi dậy thì, không có bố mẹ bên cạnh, cậu ấy có đi đúng đường không? Chị Huyền Trang cảm thấy lo ngại cho tương lai của cậu bé. Chị định sẽ xin số điện thoại của cậu bé để tâm sự, mong sẽ tìm được cách giúp cậu bé thiết thực nhất.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm