Khí cười được nghiên cứu bổ sung vào danh mục các chất ma túy và tiền chất

Linh Trần
11/05/2020 - 13:54
Khí cười được nghiên cứu bổ sung vào danh mục các chất ma túy và tiền chất
Ngày 11/5, Bộ Y tế cho biết, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam vừa có ý kiến chỉ đạo về việc tăng cường quản lý, kiểm soát khí cười (N2O). Nghiên cứu bổ sung khí cười và các chất tương tự vào danh mục các chất ma túy và tiền chất ma túy.

Theo đó, Phó Thủ tướng giao Bộ Y tế quản lý, kiểm soát chặt chẽ việc sử dụng khí N2O trong lĩnh vực y tế; nghiên cứu, đánh giá tác động của việc sử dụng khí N2O đối với sức khỏe con người để cung cấp cho các cơ quan truyền thông và kiến nghị các biện pháp quản lý, kiểm soát phù hợp.

Phó Thủ tưởng yêu cầu Bộ Công thương chủ trì, phối hợp với Bộ Công an, Bộ Tài chính, Bộ Y tế, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và các cơ quan liên quan tăng cường công tác quản lý, kiểm tra, giám sát các đơn vị, doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân nhập khẩu, sản xuất, kinh doanh, sử dụng khí N2O; khẩn trương rà soát, nghiên cứu đề xuất sửa đổi, bổ sung các quy định pháp luật có liên quan để thống nhất biện pháp quản lý, quy định đầy đủ hành vi vi phạm và chế tài xử phạt hành chính bảo đảm tính răn đe.

Bổ sung khí cười vào danh mục các chất ma túy và tiền chất  - Ảnh 1.

Khí cười được nhiều bạn trẻ sử dụng để tạo cảm giác hưng phấn

Ngoài ra, Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Công an nghiên cứu sửa đổi giải thích từ ngữ về Chất hướng thần trong quá trình xây dựng Luật Phòng, chống ma túy (sửa đổi) để có cơ sở bổ sung khí N2O và các chất tương tự vào danh mục các chất ma túy và tiền chất trong Nghị định của Chính phủ.

Phó Thủ tướng cũng chỉ đạo các các đơn vị chức năng tăng cường quản lý địa bàn, phát hiện, xử lý đối với các hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động kinh doanh khí N2O.

Theo các chuyên gia, bóng cười thực chất là quả bóng bay được bơm khí nitrous oxide. Người sử dụng dùng miệng ngậm vào đầu quả bóng, hít khí trong quả bóng.

Hiện nay, giới trẻ đã lạm dụng khí cười chỉ để tìm sự tê mê, lâng lâng trong cảm giác mà thực chất là ảo giác. Nếu lạm dụng chất gây ảo giác lâu ngày sẽ rất dễ đi đến sử dụng thuốc gây nghiện thật sự, thậm chí là sử dụng ma túy. 

Bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên, phụ trách Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai, cho hay trung tâm thường xuyên tiếp nhận bệnh nhân cấp cứu vì bóng cười. Bác sĩ Nguyên giải thích khí N2O khiến cơ thể có cảm giác tê tê, phấn khích, cười ngả nghiêng.

Với tính chất nguy hiểm (gây tổn thương thần kinh, gây liệt, rối loạn cảm giác, đồng thời có thể gây thiếu máu, ức chế tủy xương và một loạt tác động khác lên cơ thể, thậm chí khả năng sinh sản cũng bị giảm), chuyên gia khuyến cáo các bạn trẻ không sử dụng các khí này.

Trước đó, Sở Y tế Hà Nội, Công an Hà Nội đã có kiến nghị lên UBND thành phố về việc siết chặt các quy định quản lý, sử dụng khí N2O cho mục đích giải trí. Từ các đề xuất đó, UBND Hà Nội kiến nghị lên Bộ Y tế, đề xuất xếp khí N2O vào danh mục các chất cấm sử dụng cho mục đích giải trí.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm