Đại biểu Bùi Huyền Mai (Hà Nội) chất vấn đánh giá của Bộ Công an về mức độ nghiêm trọng của tình trạng xâm hại trẻ em, nhất là xâm hại tình dục và vì sao một số vụ xâm hại chỉ khi có ý kiến của lãnh đạo cấp cao hoặc cơ quan báo chí lên tiếng mới giải quyết rốt ráo.
Bộ trưởng Tô Lâm cho hay tình trạng xâm hại tình dục trẻ em diễn ra rất phức tạp và nhận được sự quan tâm đặc biệt của dư luận. Năm 2017, cả nước đã phát hiện hơn 1.500 vụ, giảm 3% so với năm 2016. Trong 6 tháng đầu năm 2018, toàn quốc phát hiện hơn 721 vụ xâm hại trẻ em, trong đó chủ yếu là xâm hại tình dục, chiếm 84%.
Nạn nhân bị xâm hại chủ yếu là bé gái, chiếm khoảng 80%. Đối tượng xâm hại phần lớn chưa có tiền án, tiền sự, chủ yếu là người thân quen với nạn nhân, gây bức xúc trong dư luận xã hội.
Việc đưa tin, bài của các phương tiện đại chúng về các vụ xâm hại tình dục trẻ em đã đẩy nóng sự việc, khiến gia đình nạn nhân tổn thương trong một thời gian dài. Một số vụ xử lý ban đầu không hợp lý nên gây nghi ngờ với các cơ quan tham gia xử lý vụ việc.
Bộ trưởng cho rằng, nguyên nhân chung là do tuyên truyền giáo dục đạo đức hiệu quả chưa cao, sự phối hợp trong quản lý giáo dục trẻ em chưa chặt chẽ. Nhiều gia đình thiếu quan tâm, giáo dục con cái. Công tác phát hiện, xử lý, việc tiếp nhận, phân loại, xử lý tin báo tố giáo tội phạm chưa kịp thời, kỹ năng thu thập thông tin còn nhiều hạn chế. Việc tố cáo chậm nên công tác khám nghiệm hiện trường, thu thập chứng cứ còn nhiều khó khăn.
Xâm hại tình dục trẻ em nhạy cảm nên gia đình nạn nhân thường giấu kín, có trường hợp nạn nhân thiếu hợp tác với cơ quan điều tra trong cung cấp chứng cứ. Hầu hết các vụ xâm hại tình dục trẻ em đều không có nhân chứng trực tiếp, nạn nhân nhỏ tuổi nên khai báo không thống nhất, gây khó khăn cho công tác điều tra, nhiều vụ việc kéo dài đến nay vẫn chưa xử lý được. Việc đánh giá tài liệu chứng cứ giữa các cơ quan tố tụng nhiều khi không thống nhất dẫn đến nhiều vụ việc kéo dài.
Về giải pháp, Bộ trưởng Tô Lâm cho biết đã chỉ đạo công an các địa phương chủ động tăng cường công tác tuyên truyền, nâng cao ý thức chấp hành, phòng, chống xâm hại trẻ em; chấn chỉnh công tác tiếp nhận, xử lý tin tố giác tội phạm xâm hại trẻ em.
Cũng theo Bộ trưởng, không phải khi có lãnh đạo có ý kiến mới quan tâm mà tất cả các vụ việc đều được xem xét, xử lý. Nhưng trong quá trình xử lý còn nhiều khó khăn, thậm chí có những khó khăn về mặt chủ quan, trong khi xem xét các tình tiết chưa tạo được sự thống nhất giữa các cơ quan tố tụng nên nhiều vụ việc kéo dài.
“Tinh thần là quyết liệt xử lý”, Bộ trưởng Bộ Công an nói.
Chưa thỏa mãn với câu trả lời của Bộ trưởng, đại biểu Nguyễn Bá Sơn (Đà Nẵng) chất vấn, nguyên nhân dẫn đến nạn xâm hại trẻ em tăng đột biến hơn 12% trong 6 tháng đầu năm, trong đó có 84% là xâm hại tình dục trẻ em với câu hỏi đến lúc nào có đủ cơ cấu tổ chức của cơ quan điều tra chuyên trách và trình tự thủ tục xử lý đối với điều tra, truy tố, xét xử các vụ án xâm hại tình dục trẻ em.
Bộ trưởng Tô Lâm cho biết số tăng lên là do Bộ đã tập trung chỉ đạo quyết liệt trong khám phá, điều tra, ngăn chặn tội phạm này; sự hợp tác của quần chúng nhân dân và gia đình người bị hại. Số thực tế còn phải tiếp tục đánh giá.
Bộ đã nhiều lần đề nghị Ủy ban Tư pháp của Quốc hội đề xuất có trình tự thủ tục đặc biệt để điều tra tội xâm hại tình dục trẻ em. Tòa đã có hình thức tòa gia đình, điều tra thân thiện nhưng đối chiếu với quy định của pháp luật, thủ tục điều tra tội phạm này phải được tuân thủ theo trình tự đặc biệt.
Nếu có quy định về trình tự đặc biệt sẽ tháo gỡ được khó khăn trong quá trình điều tra, sớm ngăn chặn, vạch trần được loại tội phạm xâm hại tình dục trẻ em. Bộ Công an đã hình thành lực lượng điều tra chuyên trách đấu tranh với loại tội phạm này.
Liên quan đến quy trình đặc biệt với điều tra xử lý tin báo và truy tố tội xâm hại tình dục trẻ em, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga cho biết, với tình hình tội phạm xâm hại tình dục trẻ em như thời gian qua, Ủy ban đã đề nghị Bộ trưởng Bộ Công an chủ trì phối hợp với Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao, trên cơ sở những quy định chung của Bộ luật Tố tụng hình sự, ban hành quy trình điều tra đặc biệt đối với loại tội phạm này.
Bộ trưởng Công an đã đồng ý và đề nghị Ủy ban Tư pháp làm trọng tài tham gia cùng làm quy trình này. Tuy nhiên, đến nay chưa thấy Bộ Công an trình.
Bộ trưởng Tô Lâm cho hay, trên cơ sở học tập kinh nghiệm của nước ngoài và vận dụng phù hợp với thực tế của Việt Nam, Bộ Công an sẽ trao đổi với Viện Kiểm sát và Tòa án để hình thành quy trình điều tra đặc biệt đối với loại tội phạm này.