Khơi dậy và phát huy gia phong trong gia đình Việt Nam hiện đại

Nhật An
10/12/2022 - 07:00
Khơi dậy và phát huy gia phong trong gia đình Việt Nam hiện đại

Gia đình là nơi con người sinh ra và lớn lên, được hình thành và bồi đắp nhân cách. Ảnh minh hoạ

Để thúc đẩy sự gắn kết, tình yêu thương, trách nhiệm của các thành viên trong gia đình, để lan toả truyền thống tốt đẹp của gia đình Việt Nam, rất cần củng cố và lan toả nề nếp, gia phong.

Gia phong thúc đẩy sự phát triển bền vững của gia đình

Nói đến gia phong là nói đến nề nếp, lễ nghi, tập tục bao gồm cung cách ăn nói, đi đứng, ứng xử giữa những người trong gia đình được truyền nối, chọn lọc qua nhiều thế hệ, trở thành chuẩn mực cho con cháu các đời răm rắp làm theo. Gia phong được hiểu là thói nhà, tập quán và giáo dục trong gia tộc, nền nếp riêng của một gia đình. Gia phong chỉ được giữ vững khi gia đình có sự giáo dục, truyền dạy, tiếp nối và kế tục giữa các thế hệ, các thành viên trong gia đình.

Gia phong ngày xưa rất coi trọng "gia huấn" (là những lời hay lẽ phải được đời trước truyền cho đời sau) và "gia pháp" (là quy định, pháp chế của riêng gia đình đó để thưởng, phạt nghiêm minh, bắt buộc mọi người trong gia đình phải noi theo). Dù định chuẩn gia phong mỗi thời kỳ có những quy định cụ thể khác nhau nhưng cốt lõi của gia phong luôn nhắm tới tinh thần hướng về nguồn cội (con người có tổ có tông), khuyến khích lòng hiếu thảo, phụng dưỡng ông bà cha mẹ, thờ kính tổ tiên, coi trọng giá trị gia đình, đề cao phẩm chất thủy chung, tình nghĩa, hiếu thuận…

Khơi dậy và phát huy gia phong trong gia đình Việt Nam hiện đại - Ảnh 1.

Cốt lõi của gia phong luôn nhắm tới tinh thần hướng về nguồn cội, khuyến khích lòng hiếu thảo, phụng dưỡng ông bà cha mẹ. Ảnh minh hoạ

Gia đình là nơi con người sinh ra và lớn lên, được hình thành và bồi đắp nhân cách. Sống trong gia đình nề nếp, hiền hòa thì ắt hẳn những người đó ra xã hội cũng sẽ biết nhường nhịn, làm điều thiện, là người có văn hóa. Một gia đình mẫu mực, hạnh phúc sẽ là cái nôi để tạo ra những con người biết yêu thương và có trách nhiệm. Nhiều gia đình mẫu mực, hạnh phúc sẽ là nền tảng hình thành các thế hệ con người Việt Nam mới văn hóa, văn minh, tiến bộ. Rõ ràng, trong gia đình, khi các thành viên đều có ý thức gìn giữ gia phong, xây dựng nếp nhà sẽ góp phần củng cố sự phát triển gia đình (rộng hơn là dòng họ) bền vững.

Lan toả, phát huy tính tích cực của gia phong

Trước đây, gia đình truyền thống có sự ràng buộc bởi lễ giáo "tam tòng tứ đức", "tam cương, ngũ thường"... nhưng với những tư tưởng tiến bộ trong xã hội hiện đại ngày nay, những chuẩn mực mang tính định kiến ấy không còn phù hợp. Thay vào đó là sự bình đẳng, tôn trọng, được tạo điều kiện để cùng phát triển, tiến bộ, hạnh phúc.

Gia đình hiện nay thường là ít người, ngoài quan hệ chung trong gia đình, mỗi người có những công việc, cuộc sống riêng. Điều chúng ta dễ nhận thấy, giờ đây, mọi người trong gia đình bận rộn hơn, chủ động hơn, việc ai người ấy làm. Họ làm việc cả ngày, có khi chỉ đến bữa tối mới có thời gian tụ họp, nhiều khi bữa cơm còn không đầy đủ các thành viên. Chính những điều ấy đã khiến cho quan hệ trong gia đình trở nên lỏng lẻo. Các thành viên trong gia đình ít có điều kiện gần gũi nhau, ít hiểu nhau hơn. Bởi vậy, hơn bao giờ, chúng ta càng cần khơi dậy những truyền thống, giá trị tốt đẹp của gia phong. Nề nếp, gia phong là "sợi chỉ đỏ" xuyên suốt, có tính tiếp nối, kế thừa và phát triển của mỗi gia đình. Nó phải được các thành viên trong gia đình đồng tình, ủng hộ và có thể điều chỉnh tùy theo điều kiện, hoàn cảnh của mỗi thành viên trong gia đình.

Khơi dậy và phát huy gia phong trong gia đình Việt Nam hiện đại - Ảnh 2.

Ảnh minh hoạ

Để có thể lan toả, phát huy tính tích cực của gia phong, mỗi con người, bằng lòng trân quý gia đình, hãy trở thành một sứ giả về gia đình. Trong công tác truyền thông, cần làm cho mọi người thực sự coi trọng gia đình, thực sự coi gia đình là nền tảng xã hội, vừa là nơi con người được sinh ra và lớn lên từ tấm bé cho đến khi trưởng thành vừa là nơi nương tựa về tình cảm, chỗ dựa vững chắc về tinh thần trong suốt cuộc đời, cả những lúc thuận lợi, suôn sẻ và cả những khi trắc trở, khó khăn. Bên cạnh đó, về mặt chính sách, cần tiếp tục bổ sung, hoàn thiện bộ Tiêu chí ứng xử trong gia đình trên cơ sở cụ thể hóa đường lối, chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước về công tác gia đình, định hướng cho hành động.

Bồi đắp gia phong qua bữa cơm gắn kết tình thân

Bữa cơm gia đình như chất xúc tác để mỗi thành viên trong gia đình luôn cảm thấy hạnh phúc và bình yên. Và như thế, khi nghĩ về bữa cơm gia đình sau một ngày mệt mỏi, mọi người sẽ mong được về nhà, chỉ đơn giản để tìm những phút bình yên. Có người ví, bữa cơm gia đình là "sợi chỉ hồng" xuyên suốt gắn kết các thành viên cùng chia bùi sẻ ngọt trong cuộc sống thường nhật, là nơi giữ lửa hạnh phúc gia đình.

Khơi dậy và phát huy gia phong trong gia đình Việt Nam hiện đại - Ảnh 3.

Bữa cơm gia đình gắn kết tình thân. Ảnh minh hoạ

Sau cả ngày dài dành cho công việc, các mối quan hệ cá nhân, khi trở về nhà, bữa cơm đầm ấm chính là khoảng thời gian sum họp hạnh phúc của ông bà, cha mẹ, vợ chồng, con cái. Bữa cơm quây quần đông đủ các thành viên là hình ảnh đẹp nhất về gia đình. Trong bữa cơm ấy, các thành viên không chỉ cảm nhận được sự ấm áp, tình thân, yêu thương, chia sẻ mà hơn thế nữa, họ sẽ thấy mình có trách nhiệm phải gìn giữ, hun đúc giá trị gia đình; có trách nhiệm chung tay để xây dựng gia đình ngày một bền vững hơn, hạnh phúc hơn.

Không phải ngẫu nhiên Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch nhiều năm chọn chủ đề của Ngày gia đình Việt Nam 28/6 với thông điệp: "Bữa cơm gia đình ấm áp yêu thương" gắn với chủ đề truyền thông về công tác gia đình là "Xây dựng nhân cách người Việt Nam từ giáo dục đạo đức, lối sống trong gia đình". Điều ấy cho thấy, sự quan tâm đặc biệt đến việc xây dựng và lan tỏa những giá trị tốt đẹp của gia đình, coi gia đình là trung tâm của sự phát triển con người.

Khơi dậy và phát huy gia phong trong gia đình Việt Nam hiện đại - Ảnh 4.

Gia đình hạt nhân gồm bố mẹ và con. Ảnh minh hoạ

- Đến năm 2025 đạt 70% và đến năm 2030 đạt trên 90% hộ gia đình đăng ký thực hiện Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình;

- Năm 2025 đạt 80% và đến năm 2030 đạt 100% hộ gia đình được cung cấp tài liệu về giáo dục đạo đức, lối sống trong gia đình;

- Năm 2025 đạt 80% và đến năm 2030 đạt trên 95% công nhân lao động tại các khu công nghiệp, khu chế xuất được tham gia sinh hoạt chuyên đề về giáo dục đạo đức, lối sống trong gia đình;

- 100% đơn vị cấp xã hằng tháng có nội dung tuyên truyền về giáo dục đạo đức, lối sống trong gia đình trên hệ thống thông tin cơ sở;

- Phấn đấu hằng năm 100% học sinh, sinh viên các cơ sở giáo dục được tham gia sinh hoạt về giáo dục đạo đức, lối sống trong gia đình;

- Phấn đấu hằng năm 100% cán bộ, chiến sỹ trong lực lượng vũ trang và cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong các cơ quan, doanh nghiệp nhà nước, các tổ chức chính trị - xã hội được tham gia sinh hoạt chuyên đề về giáo dục đạo đức, lối sống trong gia đình

(Theo Quyết định số 96/QĐ-TTg về việc phê duyệt Chương trình giáo dục đạo đức, lối sống trong gia đình đến năm 2030 của Thủ tướng Chính phủ).

* Vụ Gia đình, Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch thực hiện

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm