Không phải đợi nhiều tiền mới tự tin khởi nghiệp

Nhóm PV
31/08/2023 - 11:58
Không phải đợi nhiều tiền mới tự tin khởi nghiệp

Chủ tịch Hội LHPN xã Kinh Môn Lê Thị Chinh

Chúng tôi cho rằng không phải đợi đến khi nhiều tiền mới khởi nghiệp. Quan điểm của tổ chức Hội chúng tôi là hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp từ khoản tiền 1 triệu đồng trở lên. Bắt đầu với những mô hình nhỏ thôi nhưng mang lại hiệu quả thiết thực”, Chủ tịch Hội LHPN thị xã Kinh Môn (tỉnh Hải Dương) Lê Thị Chinh chia sẻ.

Trên địa bàn thị xã Kinh Môn, nhiều mô hình khởi nghiệp của hội viên, phụ nữ đã cho thấy hiệu quả trong thực tiễn như các mô hình: gạo sạch, may, mật ong rừng hay một số mô hình hỗ trợ phụ nữ khuyết tật phát triển kinh tế…

Chia sẻ cùng PNVN về kinh nghiệm hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp tại địa phương, Chủ tịch Hội LHPN thị xã Kinh Môn Lê Thị Chinh cho biết:

Thực hiện Đề án Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp (Đề án 939), tổ chức Hội chúng tôi nhận được sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy Đảng, sự tạo điều kiện chính quyền, các cấp, các ngành tại địa phương. Tuy nhiên, bên cạnh những thuận lợi, chúng tôi cũng gặp phải một số khó khăn khi thực hiện hỗ trợ phụ nữ địa phương khởi nghiệp.

Thứ nhất, ở góc độ phụ nữ, nhận thức của phụ nữ về hoạt động khởi nghiệp còn hạn chế. Chị em còn thiếu tự tin và cũng còn có những trường hợp chờ đợi vào sự hỗ trợ sự giúp đỡ từ bên ngoài. 

Bên cạnh đó, phụ nữ khởi nghiệp thì vẫn còn thiếu kiến thức, thiếu năng lực, nhất là việc áp dụng công nghệ thông tin trong sản xuất kinh doanh, quảng bá, xây dựng thương hiệu và tìm kiếm sản phẩm. Đa số các sản phẩm các chị em làm ra thì mới dừng lại ở việc tiêu thụ trên địa bàn thị xã.

Thứ hai, đội ngũ cán bộ Hội còn thiếu kinh nghiệm, kỹ năng, năng lực để hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp như xây dựng và hiện thực hóa ý tưởng.

Thứ ba là về cơ chế quản lý. Chị em còn gặp hạn chế trong việc tiếp cận các vấn đề về tài chính, nguồn vốn vay dành cho khởi nghiệp. Bên cạnh đó, mặc dù có sự vào cuộc của cấp ủy Đảng, chính quyền thời gian qua rất tích cực song, việc phối hợp giữa các ngành, các cơ quan và địa phương trong việc hỗ trợ khởi nghiệp còn có những vấn đề hạn chế.

- Hội LHPN thị xã Kinh Môn đã khắc phục những khó khăn như trên như thế nào, thưa bà?

+ Thực tế kinh nghiệm của chúng tôi trước hết là triển khai thực hiện chỉ đạo của cấp ủy Đảng, sự hỗ trợ của chính quyền để vận dụng vào thực tiễn tại cơ sở nhằm tìm ra và tạo nên những sản phẩm có thế mạnh, giúp cho phụ nữ có thể khởi nghiệp một cách tốt nhất. 

Đối với đội ngũ cán bộ Hội, chúng tôi lựa chọn những người thực sự có kỹ năng công tác, có kỹ năng hỗ trợ lựa chọn được các ý tưởng khởi nghiệp. Chúng tôi khảo sát nhu cầu của phụ nữ trong vấn đề khởi nghiệp, lựa chọn các sản phẩm để hiệu quả khởi nghiệp đạt cao nhất.

- Từ thực tiễn hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp của Hội LHPN thị xã Kinh Môn, bà có đề xuất cũng như những kiến nghị gì để Đề án 939 phát huy hiệu quả hơn nữa?

Theo tôi, để thực hiện tốt được đề án hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp trong thời gian tới, vấn đề đầu tiên để chúng ta phải quan tâm là tập huấn nâng cao năng lực kỹ năng và cách thức xây dựng thương hiệu quảng bá sản phẩm và tìm kiếm đầu ra, tìm kiếm thị trường cho chính các sản phẩm phụ nữ.

Thứ hai là vấn đề tăng cường nguồn vốn cho phụ nữ trong quá trình khởi nghiệp. Ban đầu có thể từ khoản vốn nhỏ nhưng cùng với sự phát triển của mô hình thì ngoài nguồn vốn tự huy động được, chị em rất cần được hỗ trợ về các nguồn vốn bên ngoài để phát triển. 

Thực tế từ các mô hình nơi tôi công tác cho thấy, các nguồn vốn vay chưa đủ để đáp ứng nhu cầu khởi nghiệp của phụ nữ. Chính vì vậy, chúng tôi cũng rất mong muốn sẽ có thêm nguồn vốn hỗ trợ cho phụ nữ khởi nghiệp hơn nữa.

- Xin cảm ơn những chia sẻ của bà!

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm