“Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp là đòn bẩy góp phần phát triển kinh tế, xã hội ở địa phương”

Hải Linh (thực hiện) - Ảnh: PNQB
06/08/2023 - 22:11
“Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp là đòn bẩy góp phần phát triển kinh tế, xã hội ở địa phương”

Chị Vũ Thị Nhi, hội viên Hội LHPN xã Tiên Nguyên, huyện Quang Bình, khởi nghiệp với mô hình trồng ổi, lê Đài Loan (Trung Quốc).

Đây là nhận định của chị Nguyễn Thị Quyên, Chủ tịch Hội LHPN huyện Quang Bình, tỉnh Hà Giang, khi chia sẻ về kết quả và những hoạt động đã đúc kết trong quá trình hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp tại địa phương thời gian qua.

Là một huyện miền núi vùng cao nơi địa đầu Tổ quốc, xin chị cho biết phong trào khởi nghiệp đã được Hội LHPN huyện Quang Bình thực hiện thế nào trong quá trình hỗ trợ hội viên, phụ nữ vươn lên phát triển kinh tế?

Chúng tôi xác định vận động, hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp là một trong 3 khâu đột phá mà Đại hội Đại biểu Phụ nữ tỉnh Hà Giang lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2021-2026 đã đề ra. Đây cũng là một trong những nhiệm vụ xuyên suốt từ đầu nhiệm kỳ 2016-2021 đến nay.

“Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp là đòn bẩy góp phần phát triển kinh tế, xã hội ở địa phương” - Ảnh 1.

Với 1.000 cây ổi và lê/ha, chị Vũ Thị Nhi, hội viên Hội LHPN xã Tiên Nguyên, huyện Quang Bình đã khởi nghiệp thành công, bước đầu cho thu nhập ổn định

Ngay từ đầu, Hội LHPN huyện Quang Bình xác định đây là một trong các đòn bẩy quan trọng trong việc góp phần phát triển kinh tế, xã hội tại địa phương. Một trong các chỉ tiêu xuyên suốt qua các năm, đó là: Hàng năm mỗi cơ sở Hội hỗ trợ ít nhất 1 phụ nữ khởi nghiệp hoặc khởi sự kinh doanh, theo loại hình kinh tế hộ.

Hội LHPN huyện chúng tôi nỗ lực hỗ trợ các chị em phụ nữ khởi nghiệp xây dựng kế hoạch sản xuất, kinh doanh thành công, tạo cơ hội để chị em tham gia "Ngày Phụ nữ khởi nghiệp" do Hội LHPN cấp trên và các ngành tổ chức.

Từ khi triển khai hoạt động này, Hội LHPN huyện Quang Bình đã hỗ trợ các chị em ở địa phương khởi nghiệp thế nào, thưa chị?

Phong trào khởi nghiệp thời gian qua trên địa bàn huyện chúng tôi ngày càng được chị em hội viên hưởng ứng và quan tâm thông qua việc tư vấn, định hướng, tập huấn của tổ chức Hội phụ nữ. Từ đó, giúp chị em mạnh dạn tiếp cận các nguồn vốn có ưu đãi về lãi suất để đầu tư sản xuất, chăn nuôi và kinh doanh như: Nguồn uỷ thác Ngân hàng chính sách xã hội, các dự án đầu tư của tổ chức phi chính phủ và các nguồn vốn tự huy động trong tổ chức Hội.

“Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp là đòn bẩy góp phần phát triển kinh tế, xã hội ở địa phương” - Ảnh 2.

Sản phẩm ớt chuông trồng trong nhà kính của mô hình khởi nghiệp tại thị trấn Yên Bình, huyện Quang Bình đang thành công, cho hiệu quả tốt trên thị trường

Thực tế qua hai nhiệm kỳ, số phụ nữ được Hội LHPN huyện hỗ trợ khởi nghiệp là 105 chị (mỗi năm hỗ trợ 15 chị). Với các loại hình kinh doanh như trang trại chăn nuôi, kinh doanh nội thất, điện lạnh, kinh doanh điện thoại, dịch vụ cưới hỏi, trồng nấm, kinh doanh lò ấp trứng, sản xuất bún phở khô, vận động phụ nữ làm chủ; thành lập 45 Tổ phụ nữ liên kết phát triển kinh tế có hiệu quả…, bước đầu tạo được phong trào liên kết chặt chẽ trong chị em phụ nữ ở cơ sở.

Bên cạnh đó, để liên kết các chị em có ý tưởng khởi nghiệp và khởi sự kinh doanh, tạo cơ hội cho chị em trao đổi kinh nghiệm trong quá trình khởi nghiệp, Hội LHPN huyện đã thành lập "Câu lạc bộ phụ nữ khởi nghiệp" với 23 thành viên. Các thành viên trong câu lạc bộ có vai trò kết nối, liên kết và hỗ trợ chị em trong suốt quá trình khởi nghiệp.

“Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp là đòn bẩy góp phần phát triển kinh tế, xã hội ở địa phương” - Ảnh 3.

Chị Nguyễn Hiền Lương thành công với mô hình khởi nghiệp trồng dưa leo và ớt chuông, dưa lưới trong nhà kính tại địa phương

Phong trào hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp của Hội LHPN huyện Quang Bình đã đi vào nề nếp, ổn định, vậy xin chị cho biết hiện nay các chị em phụ nữ khởi nghiệp ở địa phương vùng cao Quang Bình còn gặp khó khăn gì?

Thực tế, bên cạnh những nỗ lực và hiệu quả đạt được của các mô hình câu lạc bộ, tổ nhóm khởi nghiệp tại địa phương vẫn còn những khó khăn, ảnh hưởng không nhỏ đến quá trình hỗ trợ chị em khởi nghiệp ở địa bàn vùng núi cao, đó là: Địa bàn giao thông đi lại vô cùng khó khăn, sóng điện thoại, internet còn hạn chế, điện sinh hoạt thắp sáng ở một số địa phương chưa có.

Bên cạnh đó, sự đồng hành và ủng hộ của gia đình, đặc biệt là người chồng trong một số đồng bào dân tộc thiểu số còn xảy ra bất bình đẳng giới trong gia đình như: Ghen tuông, coi thường và không tin tưởng ủng hộ vợ. Bên cạnh đó, kiến thức về khởi nghiệp, thị trường, công nghệ, khoa học, kỹ thuật của chị em còn hạn chế.

“Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp là đòn bẩy góp phần phát triển kinh tế, xã hội ở địa phương” - Ảnh 4.

Sản phẩm dưa leo từ mô hình trồng cây sạch của hội viên phụ nữ Quang Bình đã có nguồn tiêu thụ ổn định

Ngoài ra, việc tiếp cận nguồn vốn của chị em còn gặp nhiều khó khăn do phụ nữ dân tộc thiểu số thường không phải là chủ hộ gia đình, nên việc sử dụng vốn vay để khởi nghiệp ít được quyết định. Một số chị em còn dè dặt, thiếu tự tin trong việc hiện thực hoá các ý tưởng của mình, như: Sợ thất bại, sợ nợ nần, sợ không tiêu thụ được sản phẩm...

Vậy để giúp chị em ở huyện vùng cao như Quang Bình khắc phục khó khăn như chị vừa chia sẻ, để chị em nơi đây có cơ hội khởi nghiệp tốt hơn, Hội LHPN huyện có mong muốn gì, thưa chị?

Trước hết, Hội LHPN huyện chúng tôi đề xuất: Cần xây dựng kế hoạch thực hiện đồng bộ các giải pháp về bình đẳng giới trong cộng đồng. Nâng cao hiệu quả của việc thi hành pháp luật liên quan đến phụ nữ như: Luật phòng chống bạo lực gia đình, Luật Bình đẳng giới.

Đồng thời, cần đầu tư xây dựng, nâng cấp các tuyến đường giao thông, hệ thống điện lưới, cột tiếp sóng, nâng cao tỷ lệ phủ sóng Internet tại các địa bàn vùng cao. Bên cạnh đó, cũng cần đơn giản hóa và công khai quy trình, thủ tục hành chính liên quan đến tổ chức và hoạt động của doanh nghiệp tại cơ quan, đơn vị cũng như trên cổng thông tin điện tử của sở, ban, ngành và địa phương.

“Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp là đòn bẩy góp phần phát triển kinh tế, xã hội ở địa phương” - Ảnh 5.

"Chúng tôi cũng mong phát hiện và nhân rộng những mô hình do phụ nữ khởi nghiệp thành công" - chị Nguyễn Thị Quyên, Chủ tịch Hội LHPN huyện Quang Bình, cho biết.

Chúng tôi cũng mong phát hiện và nhân rộng những mô hình do phụ nữ khởi nghiệp, tổ chức đối thoại giữa phụ nữ và doanh nghiệp, thống nhất được tiếng nói chung, qua đó tháo gỡ khó khăn trong quá trình liên kết các mô hình khởi nghiệp. Cần tuyên truyền, phổ biến các chính sách pháp luật của Nhà nước về hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp bằng các buổi hội nghị, hội thảo, tọa đàm chuyên đề dành cho phụ nữ. Hình thành liên kết giữa phụ nữ khởi nghiệp với các doanh nghiệp trong và ngoài địa bàn để đảm bảo liên kết tiêu thụ sản phẩm cho phụ nữ địa phương.

Chúng tôi cũng mong Nhà nước bố trí nguồn vốn ổn định dành cho phụ nữ khởi nghiệp với lãi suất thấp, hoặc có những chính sách ưu đãi dành riêng cho phụ nữ khởi nghiệp. Đồng thời, tổ chức các lớp tập huấn về khởi nghiệp, kinh doanh, công nghệ, khoa học dành cho hội viên phụ nữ, hỗ trợ phụ nữ tiếp cận các nền tảng như Shopee, Lazada, Tiki…để kinh doanh, giới thiệu sản phẩm nhằm nâng cao khả năng tiếp cận thị trường tốt hơn.

Xin cảm ơn chị!

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm