pnvnonline@phunuvietnam.vn
Kỷ nguyên mới và văn hoá phát triển Việt Nam - Bài 3: Càng phát triển văn hóa, kỷ nguyên mới càng phát triển toàn diện

Là một ngành thuộc công nghiệp văn hóa, nghệ thuật biểu diễn phát triển hiệu quả sẽ đem lại nhiều lợi ích về kinh tế và văn hóa. Ảnh minh họa
Văn hóa phải xứng đáng ngày càng là cội nguồn của mọi mục đích và động cơ phát triển kinh tế, ngày càng trở thành nền tảng tinh thần - xã hội. Đến lượt mình, sự phát triển của kinh tế trở thành tiền đề vật chất quan trọng, một điều kiện cơ bản để văn hóa phát triển với xu hướng ngày càng thống nhất và hiệu quả;
và văn hóa có sức đề kháng, trước sự xâm lăng văn hóa từ bên ngoài, phù hợp với yêu cầu phát triển của đất nước. Nói một cách hình ảnh, mọi quyết sách kinh tế luôn được xem xét trước hết là một quyết sách có tính văn hóa, chính trị và xã hội, trước khi là một quyết sách kinh tế đơn thuần; và đến lượt văn hóa cũng vậy, mỗi quyết sách phải thấm đẫm tính chính trị và tính kinh tế.
Chân lý, dưới góc nhìn văn hóa, là phát triển lợi ích của đất nước và lợi ích của Nhân dân. Đây chính là sự bảo đảm và ưu thế vượt trội cho mọi sự phát triển của chính kinh tế và xã hội không chỉ mạnh mẽ mà còn bền vững và thấm đẫm nhân văn.
Một môi trường văn hóa - chính trị - xã hội ổn định được xây dựng toàn vẹn để phát triển kinh tế và thu hút đầu tư. Đến lượt mình, sự phát triển của kinh tế một cách thực sự thấm đẫm văn hóa đã tạo những tiền đề chăm sóc và phát triển văn hóa, giải quyết những vấn đề xã hội một cách chủ động, cụ thể, thiết thực và hiệu quả bằng chính sức mạnh kinh tế, cổ vũ văn hóa phát triển xoay quanh lợi ích của đất nước thống nhất với lợi ích của Nhân dân.
Thực tiễn gần 40 năm đổi mới càng cho thấy, con người luôn là trung tâm của mọi sự phát triển và mọi sự phát triển phải xoay quanh con người, chứ không phải ngược lại. Đây chính là tư tưởng phát triển kinh tế, phát triển văn hóa và phát triển xã hội.
Có thể nói gọn, suy cho cùng, chính trị hướng tới phụng sự con người, kinh tế phải vì con người, văn hóa chính là con người, cho nên con người vừa là chủ thể vừa là trung tâm vừa là mục tiêu của mọi sự phát triển đất nước. Lựa chọn trọng tâm, trọng điểm thúc đẩy thực hiện ba đột phá chiến lược.
Đặc biệt, chủ động chăm lo phát triển con người, xây dựng nền văn hóa giàu bản sắc, đảm bảo công tác an sinh, phúc lợi xã hội, giảm nghèo, nhân lên sức mạnh lòng tin của Nhân dân làm nền tảng căn bản, là động lực chủ yếu của mọi sự phát triển.
Đồng thời, phải chủ động đổi mới cơ chế lãnh đạo, chỉ đạo hoạch định chính sách phát triển đúng đắn theo hướng thiết thực, khả thi, có trọng tâm, trọng điểm, toàn diện trên các lĩnh vực; chú trọng khâu tổ chức thực hiện, kiểm tra, giám sát, đôn đốc, sơ kết, tổng kết... quán xuyến toàn bộ, tổng thể và cụ thể trong hoạt động lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành và bằng sự phối hợp, sự thống nhất.
Đồng thời, xây dựng chiến lược phát triển công nghiệp văn hóa, văn hóa trở thành thị trường tiềm năng, hướng tới "xuất khẩu văn hóa", góp phần thúc đẩy kinh tế, xã hội phát triển bền vững. Chủ động rà soát, bổ sung và điều chỉnh các quy hoạch, kế hoạch phát triển văn hóa phù hợp với điều kiện thực tiễn;
mở rộng và phát triển các ngành công nghiệp văn hóa, phát huy các giá trị bản sắc văn hóa nhằm phát triển bền vững theo mô hình tăng trưởng xanh, văn minh, giàu bản sắc thích ứng với môi trường sinh thái, nhất là biến đổi khí hậu cục bộ và toàn cầu.
Mặt khác, bảo đảm ổn định kinh tế - xã hội, giữ vững tốc độ tăng trưởng bền vững làm nền móng phát triển cao và hài hòa một cách chủ động, hiệu quả. Tập trung chỉ đạo xây dựng khu vực công nghiệp và xây dựng là trụ cột, bù đắp cho du lịch, dịch vụ, đảm bảo chỉ tiêu tăng trưởng kinh tế và thu ngân sách;
trọng tâm là công nghiệp chế biến, chế tạo trở thành động lực dẫn dắt tăng trưởng. Tiếp tục cơ cấu lại sản xuất nông nghiệp, đẩy kinh tế nông, lâm nghiệp và thủy sản, nhất là phát triển biển bền vững.
Càng phát triển văn hóa, nhất định Kỷ nguyên mới càng phát triển toàn diện, đồng bộ, vì chủ nghĩa xã hội càng phát triển nhanh, mạnh, bền vững và nhân văn.

Ảnh minh họa: Báo Dân tộc
Hiện nay và sắp tới, dù muốn hay không, phải tiếp tục giải quyết hiệu quả tối thiểu 9 mối quan hệ nổi bật trên lộ trình xác lập nền văn hóa của sự phát triển toàn diện, bền vững trong tổng thể phát triển thống nhất, hài hòa, mạnh mẽ, bền vững và nhân văn nhằm nâng cao vị thế chính trị, sức mạnh và uy tín quốc gia trong tầm nhìn 2045:
(1) Văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc với kinh tế thị trường xã hội chủ nghĩa; (2) Văn hóa chính trị với văn hóa kinh tế và văn hóa xã hội; (3) Sự gia tăng dân số và môi trường sinh thái biến động với phát triển văn hóa và tăng trưởng kinh tế và phát triển con người;
(4) Giáo dục với phát triển văn hóa và tăng trưởng kinh tế; (5) Cơ chế thị trường với phát triển văn hóa và tăng trưởng kinh tế và phát triển xã hội; (6) Truyền thống và hiện đại, bản sắc dân tộc và hội nhập quốc tế trong phát triển văn hóa và tăng trưởng kinh tế, phát triển xã hội, bảo vệ môi trường sinh thái;
(7) Sự thống nhất và mâu thuẫn giữa trước mắt và lâu dài trong phát triển văn hóa và tăng trưởng kinh tế, phát triển xã hội, chăm lo phát triển toàn diện con người; (8) Nạn tham nhũng với sự phát triển văn hóa, phát triển kinh tế, phát triển xã hội, với trung tâm của mọi sự phát triển là con người;
(9) Độc lập về kinh tế và văn hóa với sự chủ động, tích cực và có trách nhiệm trong hội nhập quốc tế nhằm phát triển văn hóa, kinh tế, chính trị… với chủ thể và động lực là con người. Tất cả phải vươn tới xác lập một nền văn hóa của sự phát triển mạnh mẽ, bền vững và nhân văn, với nền tảng là bản sắc văn hóa dân tộc và hiện đại;
trong đó, xung lực là kinh tế tri thức - kinh tế số - môi trường sinh thái phát triển hài hòa, bảo đảm sự ổn định toàn vẹn nền chính trị đất nước trên con đường phát triển xã hội chủ nghĩa, trong thời đại ngày nay.
Vì lẽ đó, trong tầm nhìn tới năm 2045, trước mắt tới năm 2030, cần phát triển về: tầm nhìn hoạch định chính trị, xây dựng Bộ Tiêu chí giá trị con người Việt Nam, xây dựng nền văn hóa giàu bản sắc gắn với thu hẹp nhanh khoảng cách giàu nghèo và chênh lệch vùng miền; phát triển du lịch cộng đồng bền vững...
Định vị quy mô và đẩy mạnh tốc độ chuyển đổi mô hình tăng trưởng gắn với chuyển đổi phương thức phát triển sinh thái, cơ cấu lại, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, tính tự chủ, khả năng thích ứng, sức cạnh tranh mạnh mẽ và nhân văn của nền kinh tế - giá đỡ của sự phát triển xã hội.
Kinh tế là thể hiện trực tiếp của văn hóa phát triển. Nói cách khác, văn hóa là tầng sâu thực thể của sự phát triển kinh tế, là cái không thể định lượng thuần túy và đó chính là cội nguồn, là căn bản để phát triển.
Đó chính là đường lối phát triển kinh tế, chính là văn hóa. Thực tiễn luôn cho thấy, một quyết sách chính trị không đặt trên nền móng văn hóa, mang tính chất văn hóa, chắc chắn đó chỉ là một quyết sách chính trị hay kinh tế một cách cô độc, phi nhân văn;
cũng như trên địa hạt kiến tạo quyết sách phát triển kinh tế, hậu họa như nhau mà thôi, nếu cũng như vậy, chắc chắn sẽ rơi vào vũng bùn của "cá lớn nuốt cá bé", kinh tế vị kinh tế, tiền vị tiền vô nhân đạo.
Từ đây, tạo cơ sở để thúc đẩy phát triển văn hóa gắn với kinh tế, xã hội góp phần nâng cao đời sống vật chất, văn hóa, tinh thần cho Nhân dân.
Nói một cách khái quát, văn hóa chính là con người. Phát triển văn hóa chính là phát triển mỗi con người, với tư cách là một nhân cách văn hóa. Nếu không có sự phát triển con người sẽ không có bất cứ một sự phát triển nào về kinh tế hay chính trị như mong muốn.
Nhìn sâu hơn, có thể nói một luận đề rằng, người ta có thể đạt được tốc độ tăng trưởng, thậm chí trở thành một cường quốc kinh tế chỉ trong dăm chục năm, nhưng để có một nền văn hóa, trở thành một cường quốc văn hóa, đòi hỏi người ta phải mất hàng trăm năm, thậm chí hàng nghìn năm, trước hết và sau cùng là con người.
Để khẳng định vị thế, sức mạnh đất nước, phát huy tư chất và sức mạnh Nhân dân cần tiếp tục bồi đắp và phát triển hệ tư chất nhân tố con người: Cầu thị - Mềm dẻo - Tinh tế - Hài hòa - Khẳng khái - Khoan dung - Danh dự - Hòa mục, với phương châm hành động gồm 10 chữ: Viễn kiến - Tiếp biến - Bản sắc - Dung hợp và Phát triển, vì đất nước hùng cường và Nhân dân hạnh phúc.
Bài sau: Hiện thực hoá khát vọng hùng cường và nhân văn