Kỷ niệm 120 năm Ngày sinh Tổng Bí thư Lê Hồng Phong

Theo TTXVN
06/09/2022 - 12:07
Kỷ niệm 120 năm Ngày sinh Tổng Bí thư Lê Hồng Phong

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc và các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước dâng hương tưởng niệm Tổng Bí thư Lê Hồng Phong tại Khu tưởng niệm Tổng Bí thư Lê Hồng Phong ở huyện Hưng Nguyên, tỉnh Nghệ An. Ảnh: TTXVN

Sáng 6/9/2022, tại huyện Hưng Nguyên, tỉnh Nghệ An, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng cùng các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng và Nhà nước dự Lễ kỷ niệm 120 năm Ngày sinh Tổng Bí thư Lê Hồng Phong (6/9/1902 - 6/9/2022) - Tổng Bí thư của Đảng, người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Diễn văn ôn lại cuộc đời và sự nghiệp cách mạng liên tục, oanh liệt của Tổng Bí thư Lê Hồng Phong, Bí thư Tỉnh uỷ Nghệ An Thái Thanh Quý nhấn mạnh, đồng chí Lê Hồng Phong đã hiến dâng tất cả cho sự nghiệp cách mạng vẻ vang của Đảng và dân tộc ta. Lịch sử mãi khắc ghi công lao to lớn của đồng chí Lê Hồng Phong - người chiến sĩ cộng sản kiên cường, nhà lãnh đạo xuất sắc của Đảng và cách mạng Việt Nam.

Kỷ niệm 120 năm Ngày sinh Tổng Bí thư Lê Hồng Phong - Ảnh 1.

Bí thư Tỉnh uỷ Nghệ An Thái Thanh Quý trình bày diễn văn tại lễ kỷ niệm. Ảnh: Thành Cường

Đồng chí Lê Hồng Phong tên khai sinh là Lê Huy Doãn, sinh ngày 6/9/1902, tại làng Thông Lạng, tổng Phù Long, nay là xã Hưng Thông, huyện Hưng Nguyên, tỉnh Nghệ An.

Đồng chí Lê Hồng Phong từng là Ủy viên Ban Chấp hành Quốc tế Cộng sản, Tổng Bí thư Đảng Cộng Sản Đông Dương, chiến sĩ cộng sản kiên cường, nhà lãnh đạo tiêu biểu và tài năng của Đảng và cách mạng Việt Nam, một trong những học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, người con ưu tú của quê hương Nghệ An.

Sau nhiều năm hoạt động cách mạng oanh liệt, sôi nổi, đến năm 1940, đồng chí Lê Hồng Phong bị thực dân Pháp bắt lần thứ hai tại quê hương, rồi đưa vào giam ở Khám Lớn (Sài Gòn) và bị kết án 5 năm tù, đày ra Côn Đảo. Tại đây, sau nhiều tháng ngày bị tra tấn dã man, sức khỏe suy kiệt, đồng chí Lê Hồng Phong trút hơi thở cuối cùng vào trưa 6/9/1942.

Trước khi hy sinh, đồng chí nhắn lại: “Nhờ các đồng chí báo cáo với Đảng rằng, tới phút cuối cùng, Lê Hồng Phong vẫn một lòng tin tưởng vào thắng lợi vẻ vang của cách mạng”. Tấm gương hy sinh bất khuất của đồng chí Lê Hồng Phong đã truyền thêm niềm tin mãnh liệt, ý chí kiên cường cho đồng chí, đồng đội tiếp tục đấu tranh cho đến ngày cách mạng toàn thắng.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm