pnvnonline@phunuvietnam.vn
Lá đơn xin được ở với mẹ của cậu bé 10 tuổi và những bất thường trong phiên tòa ly hôn
Những lời cầu xin tha thiết của cháu bé N.S.N (10 tuổi, trú tại quận Hoàng Mai, Hà Nội) trong lá đơn xin được ở với mẹ khiến người đọc không khỏi xúc động, xót xa.
Mới 10 tuổi, nhưng cháu N. đã trải qua khá nhiều biến cố của gia đình khiến cậu học sinh lớp 4 tỏ ra chững chạc, người lớn. Bố mẹ ly hôn, N. được TAND quận Hoàng Mai phán quyết ở với bố là anh N.S.B (SN 1968, trú tại Hoàng Mai, Hà Nội). Tuy nhiên, điều này trái với nguyện vọng của mẹ con cháu nên ngay sau đó, cháu N. đã viết đơn xin được ở với mẹ.
Trong lá đơn gửi tới cơ quan chức năng và Báo Phụ nữ Việt Nam, N. bày tỏ, khi bố mẹ ly hôn, TAND quận Hoàng Mai đã gọi cháu lên để cháu bày tỏ nguyện vọng của mình. Mặc dù, tại tòa cháu N. trình bày mong muốn được ở với mẹ nhưng HĐXX sơ thẩm đã "ép sang ở với bố, không lắng nghe nguyện vọng của con" (trích lời cháu N.).
"Con muốn được ở với mẹ bởi vì mẹ là người chăm sóc và dạy dỗ con trong suốt thời gian qua, nhất là từ khi bố không còn ở với hai mẹ con. Con có thể chia sẻ mọi chuyện vui buồn với mẹ và chỉ có mẹ là người hiểu được con thích gì, muốn gì", cháu N. trình bày trong đơn.
Cũng theo cháu N. bố cháu bận rộn công việc lại hay đi công tác nên ít có thời gian để chăm sóc, hướng dẫn cháu học và chơi với cháu. "Bố hay áp đặt mọi việc hơn là lắng nghe ý kiến của con. Con rất mệt mỏi và buồn chán khi ở với bố", cháu N. chia sẻ.
Vì vậy, N. đã làm đơn xin HĐXX phúc thẩm cho cháu được ở với mẹ đúng như nguyện vọng của cháu. "Con hứa sẽ chăm ngoan và giúp mẹ nhiều hơn, không làm mẹ buồn. Chỉ ở với mẹ con mới vui được", cậu bé 10 tuổi kết lá đơn của mình.
Những dòng chữ được viết ra từ tâm can của một đứa trẻ khiến không ít người xót xa, thương cảm.
Những điều "bất thường" tại phiên tòa sơ thẩm
Trong đơn kêu cứu gửi tới Báo Phụ nữ Việt Nam, chị Đỗ Thị Kim Th. (giảng viên Đại học Kiến trúc Hà Nội, trú tại quận Hoàng Mai) phản ánh nhiều điểm bất thường tại phiên tòa sơ thẩm trong vụ án hôn nhân và gia đình mà chị là bị đơn.
Theo trình bày của chị Th., TAND quận Hoàng Mai đã có nhiều vi phạm tố tụng, không xác định sự thực khách quan của vụ án dẫn đến xét xử không công bằng, ảnh hưởng đến quyền, lợi ích hợp pháp của mẹ con chị.
Ngoài việc tòa sơ thẩm không xác minh, không đưa tài sản chung của vợ chồng chị vào giải quyết trong vụ án thì một vấn đề khiến chị rất bức xúc là tòa sơ thẩm đã bỏ qua nguyện vọng chính đáng của cháu N.S.N (là con chung của chị và anh B.) là được ở với mẹ và tước quyền được nuôi con của chị Th.
Cháu N.S.N đã trình bày nguyện vọng tha thiết được ở với mẹ nhưng HĐXX đã phớt lờ nguyện vọng chính đáng của cháu bé 10 tuổi.
"Tôi là giảng viên, có đầy đủ thời gian và điều kiện kinh tế để nuôi dưỡng, chăm sóc, dạy dỗ cháu N. Mặt khác, cháu N. cũng tha thiết được ở với mẹ. Vậy vì sao tòa lại tước đi quyền lựa chọn của bé và tước quyền làm mẹ của tôi?".
Chị Đỗ Thị Kim Th. (giảng viên Đại học Kiến trúc Hà Nội, trú tại quận Hoàng Mai)
Trong bản án sơ thẩm, HĐXX đã có nhiều nhận định mang tính chủ quan, thiếu căn cứ, chỉ dựa vào lời khai của một bên để đưa ra phán quyết. Như việc tòa nhận định con trai lớn của chị Th. (con riêng) "có những biểu hiện không tốt trong cuộc sống, giao du với bạn bè xấu và có biểu hiện sử dụng chất gây nghiện nên anh B. sợ ảnh hưởng đến cuộc sống của cháu N". Chị Th. cho rằng, việc HĐXX nhận định như vậy là chủ quan, thiếu căn cứ, dẫn tới việc đưa ra một phán quyết không công bằng.
Mặt khác, theo chị Th., con trai lớn của chị đã hơn 18 tuổi và cháu hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về cuộc sống của mình. Vì vậy, tòa không thể căn cứ vào lời khai của anh B. để đưa ra kết luận như vậy.
Được biết, ngày 10/7 tới đây, TAND thành phố Hà Nội sẽ đưa vụ án này ra xét xử theo đơn kháng cáo của chị Th. Dư luận đang mong chờ một phán quyết hợp tình, hợp lý và tôn trọng sự thật khách quan, đảm bảo quyền, lợi ích hợp pháp của phụ nữ, trẻ em.
Báo Phụ nữ Việt Nam sẽ tiếp tục thông tin về vụ việc này.