Lá phiếu tín nhiệm là lời nhắc nhở các bộ trưởng

26/10/2018 - 07:15
Xung quanh kết quả lấy phiếu tín nhiệm 48 chức danh vào ngày 25/10, ông Bùi Sĩ Lợi – Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội đã có những chia sẻ về vai trò, trách nhiệm của các tư lệnh ngành, thể hiện qua các lá phiếu tín nhiệm cao, thấp.

Ông đánh giá gì về kết quả lấy phiếu tín nhiệm vừa rồi?

- Kết quả lấy phiếu tín nhiệm lần này là khách quan, cơ bản phản ánh được những vấn đề bức xúc của từng lĩnh vực. Bộ trưởng các lĩnh vực như giáo dục, giao thông, y tế.. chưa đạt được số phiếu tín nhiệm cao cũng phản ánh rõ, chẳng hạn như giáo dục đang có nhiều vấn đề dư luận xã hội đang bức xúc, hay vấn đề BOT trong giao thông…

Những lá phiếu đó đã thể hiện một đánh giá về nhiệm vụ của các bộ, ngành rất khó khăn và cũng thể hiện vấn đề dư luận xã hội. Lá phiếu của các đại biểu Quốc hội cũng thể hiện tâm tư nguyện vọng của cử tri.

image001jhjw_sykj.jpg
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội Bùi Sĩ Lợi cho ý kiến về việc lấy phiếu tín nhiệm 

- Kết quả lấy phiếu tín nhiệm, theo ông thể hiện vai trò gì?

Chúng ta cần nhìn nhận một cách khách quan là không phải tất cả những hạn chế, tồn tại đó đều là do trách nhiệm của người đứng đầu ngành mà đó chính là bức xúc, yêu cầu, đòi hỏi khách quan của cử tri cả nước ứng với các lĩnh vực.

Ví dụ giáo dục có nhiều vấn đề rất cần đổi mới, cần cải cách, làm sao để giảm tải, vấn đề thi cử... Còn giao thông thì BOT thời gian qua tình hình nhiều nơi rất căng thẳng giữa nhà đầu tư với người dân. Đây là những vấn đề mà không phải riêng người đứng đầu ngành có thể xử lý được hết. Qua lấy phiếu lần này, Chính phủ, Quốc hội cũng nhìn thấy được những vướng mắc cần giải quyết cho người dân. Cách bỏ piếu như thế này cũng là sự đánh giá để các vị đứng đầu ngành thấy được những vướng mắc, những khó khăn mà các ngành cần giải quyết.

Tôi cũng rất chia sẻ với những người lãnh đạo ngành là thời gian từ đầu nhiệm kỳ chỉ mới 2,5 năm trong khi những vấn đề này không phải bây giờ mới xuất hiện mà là vấn đề tồn tại từ các nhiệm kỳ trước, không thể giải quyết ngay trong nửa đầu nhiệm kỳ. Lá phiếu thể hiện là những nỗ lực đó của các ngành, của tư lệnh ngành chưa đáp ứng được mong mỏi của người dân và các ĐBQH tiếp tục thể hiện nguyện vọng của người dân muốn thúc đẩy các tư lệnh ngành quyết liệt hơn nữa.

Lấy phiếu tín nhiệm chính là một hình thức giám sát tối cao, có ý nghĩa cực kỳ quan trọng, chỉ ra những nhạy cảm, khó khăn để người đứng đầu các ngành giải quyết. Chúng ta thấy kỳ trước đã có những vị lãnh đạo ngành có phiếu tín nhiệm lần đầu rất thấp nhưng sau đó họ đã chú tâm giải quyết và lần lấy phiếu tín nhiệm sau đã có tỷ lệ phiếu tín nhiệm cao rất tốt.

Theo ông những người đứng đầu ở các lĩnh vực mà cử tri có nhiều mong muốn, đòi hỏi sẽ thiệt thòi hơn những ngành khác?

- Rõ ràng là như vậy. Người “đứng mũi chịu sào” các lĩnh vực nhạy cảm đều phải chịu tác động. Vì nếu cũng bộ trưởng đó nhưng là ở một lĩnh vực khác thì chưa chắc số phiếu đã như vậy. Cái đó chúng ta phải khách quan.

Tôi thấy ông Phùng Xuân Nhạ cũng có một phần thiệt thòi, nhưng rõ ràng vấn đề giáo dục là một vấn đề rất cần phải quan tâm. Bởi giáo dục không phải là chuyện hôm nay mà còn cả quá trình trước đó chúng ta chưa giải quyết được triệt để. Bộ trưởng mới họ làm thì cũng phải gánh cái quá khứ, những việc đang còn giang dở của bộ trưởng nhiệm kỳ trước.

Bộ trưởng phải thấy được rằng lá phiếu hôm nay là lời nhắc nhở bộ trưởng rằng lĩnh vực của bộ trưởng đang rất có vấn đề, cử tri quan tâm nên bộ trưởng phải cố gắng hơn nữa. Nếu có khó khăn gì thì bộ trưởng phải có đề xuất với Chính phủ, Chính phủ đề nghị với Quốc hội giải quyết.

Xin cám ơn ông!

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm