Lai Châu: Phụ nữ làm giàu từ nông nghiệp xanh

Phương Linh
05/10/2022 - 12:34
Lai Châu: Phụ nữ làm giàu từ nông nghiệp xanh

Người dân trên địa bàn thành phố Lai Châu trồng rau theo hướng nông nghiệp xanh

Nắm bắt được lợi ích của nông nghiệp sạch, xanh, nhiều năm trở lại đây, tỉnh Lai Châu đã tuyên truyền và vận động chuyển đổi cơ cấu cây trồng theo hướng an toàn, bảo vệ môi trường.

Tăng thu nhập nhờ nông nghiệp xanh

Chị Lê Thị Thành (phường Quyết Tiến, TP Lai Châu) có mảnh vườn rộng gần 1 ha để trồng rau. Chị Thành trồng cà chua, bắp cải, dưa chuột theo hướng nông nghiệp sạch. Mỗi ngày, chị bán từ 30 đến 50 kg cà chua, hàng trăm cây bắp cải, hàng tạ dưa leo. Toàn bộ rau củ quả thu hoạch đến đâu người mua tới mua luôn tại vườn.

Chị Thành cho biết, làm nông nghiệp sạch cũng vất vả. Chị phải chăm sóc kỹ hơn. Chị bón phân lân NPK, sau đó có sâu bệnh thì sẽ phun thuốc trừ sâu sinh học để an toàn. Nhờ đó, sản phẩm làm ra đủ đáp ứng tiêu chuẩn sạch. Chị Thành kể, dưa chuột hay cà chua có thể ăn ngay tại vườn, không cần gọt vỏ.

Từ ngày làm nông nghiệp sạch, chị Thành phát triển kinh tế, thu nhập của gia đình tăng lên. Mỗi lần thu hoạch, cả nhà lại vui vẻ vì sản phẩm của mình càng ngày càng được người dân chào đón.

Tại hợp tác xã nông nghiệp T&D, nhiều chị em phụ nữ cũng tham gia trồng cây ăn quả tiêu chuẩn VietGap. Các loại quả như ổi, bưởi, cam… được trồng theo hướng nông nghiệp sạch. Nông sản trồng ra có giá trị kinh tế gấp 2 - 3 lần so với giá các sản phẩm thông thường.

Chị Văn Thị Dung - Chủ tịch hợp tác xã nông nghiệp T&D Lai Châu - cho biết, với diện tích 2ha của hợp tác xã, trước kia, chị Dung trồng ngô nhưng không có giá trị nhiều nên sau đó chị quyết định trồng 600 gốc bưởi, 900 gốc ổi không hạt theo tiêu chuẩn VietGap.

Chị Dung chia sẻ, các phương pháp trồng cây nông sản sạch được chuyên gia của Viện Nông nghiệp 1 tại Hà Nội hướng dẫn. Việc canh tác và chăm sóc đạt chuẩn VietGap nên chi phí sẽ tốn kém hơn, sản phẩm sẽ cao hơn. Các thuốc trừ sâu đều là thuốc sinh học không có ảnh hưởng tới sức khỏe người dùng. Đặc biệt, toàn bộ hợp tác xã không dùng thuốc hóa học, không sử dụng thuốc diệt cỏ.

Mỗi cây ổi cho ra khoảng 20 kg quả/năm, mỗi cây bưởi hiện tại cũng cho khoảng 40 - 50 quả/năm. Vài năm tới, gốc bưởi lớn hơn sẽ cho năng suất cao hơn. Giá bán ra cao hơn so với các sản phẩm thông thường ở thị trường. Chị Dung cho biết, trung bình đắt gấp đôi. Tuy nhiên, người tiêu dùng vẫn tin tưởng và lựa chọn sản phẩm của hợp tác xã vì xu hướng mọi người sử dụng nông sản sạch ngay cả ở vùng cao, đồng bào miền núi. Nhiều người mua gửi cho người thân ở thành phố lớn làm quà.

Lai Châu: Phụ nữ làm giàu từ nông nghiệp xanh - Ảnh 1.

Thu hoạch dứa theo chính sách liên kết bao tiêu sản phẩm với doanh nghiệp

Hướng tới phát triển bền vững 

Hiện nay, xu hướng nông nghiệp xanh, sạch được Lai Châu tuyên truyền và phát triển. Nhờ nông nghiệp sạch, vùng chuyên canh tập trung Lai Châu đang hướng tới phát triển bền vững.

Bà Dương Thị Nhài - Trưởng phòng Kinh tế thành phố Lai Châu - cho biết, mục tiêu của thành phố Lai Châu đến năm 2025 sẽ xây dựng được nền nông nghiệp xanh, xây dựng nền nông nghiệp hàng hóa, ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao và nông nghiệp hữu cơ. Bà Nhài cho rằng, để phát triển nông nghiệp xanh thì Phòng Kinh tế phải tập trung chỉ đạo chuyển đổi câu trồng. Những cây công nghiệp thuần nông như lúa, ngô được chuyển đổi sang cây công nghiệp dài ngày như bưởi, ổi, nhãn, cam...

Để người dân thấy rõ được lợi ích của nông nghiệp xanh, bà Nhài cho biết thành phố Lai Châu cũng đưa ra nhiều giải pháp đồng bộ như: Tuyên truyền tác hại của các loại thuốc hóa chất trong nông nghiệp. Hướng dẫn người dân sử dụng thuốc trừ sâu sinh học, phân lân hữu cơ, chọn giống cây trồng vật nuôi phù hợp. Tổ chức các lớp tập huấn về nông nghiệp xanh, thực phẩm sạch.

Nông nghiệp xanh mang lại giá trị bền vững nên được nhiều người hưởng ứng, đặc biệt là chị em phụ nữ. Theo bà Nhài, nhiều gia đình cải thiện thu nhập rất nhiều vì sản phẩm nông nghiệp sạch có giá trị kinh tế cao.

Các chính sách hỗ trợ nông nghiệp xanh của tỉnh cũng giúp ích cho người dân như bao tiêu sản phẩm, chứng nhận sản phẩm, liên kết với các hợp tác xã từ khâu sản xuất tới khâu bán ra thị trường.

Nông dân xã Nậm Tăm, huyện Sìn Hồ thu hoạch dứa theo chính sách liên kết bao tiêu sản phẩm với doanh nghiệp.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm