Lâm Đồng: Đảm bảo tiếp vốn kịp thời cho hộ nghèo

Chí Bình
13/07/2025 - 09:21
Lâm Đồng: Đảm bảo tiếp vốn kịp thời cho hộ nghèo

Điểm giao dịch Phong Nẫm, phường Bình Thuận, Lâm Đồng thu hút đông đảo người dân đến giao dịch sau vận hành bộ máy chính quyền 2 cấp

Ngay sau vận hành bộ máy chính quyền 2 cấp, hệ thống Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Lâm Đồng tiếp tục phát huy mô hình điểm giao dịch tại cơ sở, giúp hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác tiếp cận kịp thời nguồn vốn ưu đãi của Chính phủ.

Hoạt động tín dụng chính sách thông suốt sau sáp nhập

Tại trụ sở UBND xã Nam Hà Lâm Hà, những ngày chính quyền địa phương 2 cấp chính thức đi vào hoạt động, cán bộ, nhân viên phòng Giao dịch NHCSXH Lâm Hà luôn tất bật hỗ trợ người dân đến giao dịch. Tại đây, đơn vị đã thực hiện niêm yết thông tin các chương trình tín dụng chính sách, công khai mức lãi suất, dư nợ, cũng như địa chỉ, số điện thoại đường dây nóng, các thủ tục giải quyết công việc đầy đủ, kịp thời đúng quy định.

Dưới sự hướng dẫn của các cán bộ NHCSXH Lâm Hà tại điểm giao dịch, các hoạt động giải ngân, thu nợ, thu lãi; nhận gửi tiết kiệm của tổ viên, dân cư; thanh toán các khoản phí hoa hồng cho Ban Quản lý Tổ tiết kiệm và vay vốn (TK&VV)... diễn ra an toàn, hiệu quả, mang đến sự hài lòng cho đông đảo bà con.

Theo ông Bạch Văn Trường, Giám đốc phòng Giao dịch NHCSXH Lâm Hà: Hiện Phòng Giao dịch NHCSXH Lâm Hà tổ chức hoạt động theo mô hình không còn Ban đại diện Hội đồng quản trị NHCSXH cấp huyện với 17 điểm giao dịch. Để thực hiện tốt các chức năng, nhiệm vụ được giao, Phòng Giao dịch đã chỉ đạo các điểm giao dịch tiếp tục triển khai thực hiện tốt Chỉ thị số 39 của Ban Bí thư về nâng cao hiệu quả tín dụng chính sách xã hội trong giai đoạn mới; Quyết định số 05 của Thủ tướng Chính phủ về Chiến lược phát triển NHCSXH đến năm 2030.

Lâm Đồng: Đảm bảo tiếp vốn kịp thời cho hộ nghèo- Ảnh 1.

Phiên giao dịch xã đầu tiên sau sáp nhập tại Điểm giao dịch trên địa bàn xã Hàm Thạnh, Lâm Đồng

Cùng với đó, thực hiện tốt kế hoạch cho vay các chương trình tín dụng chính sách được giao và các chương trình tín dụng theo Nghị quyết của HĐND tỉnh, đảm bảo 100% các đối tượng chính sách khác có nhu cầu, đủ điều kiện đều được vay vốn và tiếp cận dịch vụ do NHCSXH cung cấp. Tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng giáo dục tài chính, triển khai hiệu quả dịch vụ Mobile Banking đến khách hàng để thực hiện Chiến lược quốc gia về chuyển đổi số đến năm 2025 của Thủ tướng Chính phủ và Chiến lược phát triển ngân hàng.

Bên cạnh đó, đơn vị thực hiện tốt việc rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ thoát nghèo, hộ có mức sống trung bình và các đối tượng thụ hưởng làm cơ sở thực hiện các chính sách an sinh xã hội; trong đó, có chính sách tín dụng ưu đãi do NHCSXH thực hiện.

Mục tiêu gần dân, tiếp vốn kịp thời

Tại phiên giao dịch đầu tiên điểm giao dịch Xuân An, phường Hàm Thắng, Phòng Giao dịch đã phân công cán bộ phối hợp cùng 4 hội đoàn thể chính trị - xã hội (Hội Phụ nữ, Đoàn Thanh niên, Hội Cựu chiến binh, Hội Nông dân) và các tổ trưởng tổ TK&VV có mặt đông đủ để chuẩn bị thực hiện giao dịch. Cơ sở vật chất đảm bảo, công tác giải ngân, thu nợ, thu lãi, nhận gửi tiết kiệm… được tổ chức khoa học, thuận lợi, nhanh chóng, hài lòng cho người dân.

Chị Phạm Thị Ngọc Yến, Chủ tịch Hội LHPN phường Hàm Thắng cho biết, hiện Hội đang quản lý 18 tổ TK&VV với 884 thành viên, tổng dư nợ hơn 32 tỷ đồng. Hoạt động giao dịch vẫn duy trì theo lịch cũ, không có xáo trộn sau sáp nhập.

Lâm Đồng: Đảm bảo tiếp vốn kịp thời cho hộ nghèo- Ảnh 2.

Phiên giao dịch xã đầu tiên sau sáp nhập tại Điểm giao dịch trên địa bàn Phường Xuân Hương - Đà Lạt, Lâm Đồng

"Chúng tôi sẽ thường xuyên nắm bắt nhu cầu vay vốn của hội viên, đề xuất NHCSXH giải ngân để hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế, buôn bán ổn định cuộc sống. Hội cũng bám sát địa bàn, thăm hộ vay sau giải ngân, đôn đốc trả lãi, tiết kiệm, hạn chế nợ quá hạn", chị Yến thông tin.

Tại các điểm giao dịch Phú Trinh (phường Phan Thiết), Phú Tài, Phong Nẫm (phường Bình Thuận)... hoạt động giao dịch cũng diễn ra thông suốt, thuận lợi. Bà Phạm Thị Bảy, tổ trưởng tổ TK&VV thôn Xuân Phú (phường Bình Thuận) hồ hởi cho hay: "Ngay sau sáp nhập, tinh gọn bộ máy và vận hành chính quyền địa phương theo mô hình mới, mọi hoạt động ở địa phương vẫn ổn định, không có gì vướng mắc. Đặc biệt, số thành viên tổ TK&VV ở địa phương tôi còn tăng lên 55 thành viên với tổng dư nợ 2,9 tỷ đồng".

Để đảm bảo hoạt động giao dịch không bị nghẽn, các Phòng Giao dịch NHCSXH đã có thông báo cụ thể quy trình và các điểm cần lưu ý đến tổ trưởng các tổ TK&VV. Đồng thời, bố trí các điểm giao dịch vẫn được duy trì tại địa điểm trụ sở UBND xã, phường cũ, nhằm tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người dân tiếp cận vốn vay, đồng thời hạn chế việc đi lại xa, giúp triển khai tín dụng chính sách kịp thời và hiệu quả.

Lâm Đồng: Đảm bảo tiếp vốn kịp thời cho hộ nghèo- Ảnh 3.

Phát động "Tháng gửi tiết kiệm chung tay vì người nghèo", NHCSXH tỉnh Lâm Đồng đã tiếp nhận các tổ chức, cá nhân đăng ký gửi tiết kiệm

Theo ông Lý Khầu Nghĩa, Phó Giám đốc NHCSXH tỉnh Lâm Đồng, kiêm Giám đốc Phòng Giao dịch NHCSXH Bình Thuận: Với phương châm làm hồ sơ tại nhà, giải ngân tại điểm giao dịch, hệ thống NHCSXH tỉnh tiếp tục phát huy mô hình điểm giao dịch tại cơ sở là một đặc thù riêng biệt của NHCSXH. Mô hình này đã và đang phát huy hiệu quả, giúp hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác tiếp cận kịp thời nguồn vốn ưu đãi của Chính phủ, tiết kiệm chi phí đi lại và tạo thuận lợi trong quá trình vay vốn.

Được biết, sau hợp nhất tỉnh (Lâm Đồng, Bình Thuận, Đắk Nông), hiện tổng số Tổ TK&VV trên toàn địa bàn Lâm Đồng là 6.460, bình quân 1 Tổ 2,7 tỷ đồng/45 tổ viên. Chi nhánh NHCSXH tỉnh Lâm Đồng hiện có 1 hội sở, 27 phòng giao dịch và 329 điểm giao dịch xã tại 124 xã, phường và Đặc khu Phú Quý. Toàn hệ thống có 6.460 tổ TK&VV, phục vụ gần 290.000 khách hàng vay vốn ưu đãi, quy mô dư nợ đứng thứ 4 toàn quốc.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm